Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
  • SOUFISME / Nguyễn Ngọc Châu

    Soufisme (Sufism) là kinh sách dạy về Nội giáo(esoterism) của Hồi giáo (Islam) Dưới đây là bài viết khái lược về ...


  • Tái ngộ / Bát Nhã Thiền Sư & Quảng Đức Chơn Tiên

    Bát Nhã Thiền Sư & Quảng Đức Chơn Tiên dạy tại Minh Lý Thánh Hội vào ngày 7 tháng 6 ...


  • Ta thường thấy câu “Tiên học lễ hậu học văn” được nêu ở các trường học như là một tôn ...


  • Nguyên lý của thiên đạo giải thoát Bài thuyết minh giáo lý nội bộ tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý ...


  • Đức Chí Tôn dạy : “Con dừng chân nghe tiếng gọi sau lưng để trở về với Đạo. Đạo là yên ...


  • Này chư đệ muội ! mỗi độ xuân sang, lòng người rộn rã vui buồn của thế sự, dầu muốn ...


  • Trước khi những bộ sách về lịch sử của dân tộc được biên soạn thì trong dân gian đã lưu ...


  • Thời đại của chúng ta là thời đại văn minh hết sức rực rỡ. Đáng lẽ từ khi loài người ...


  • Mỗi độ Xuân về, thiên nhiên trào dâng sức sống, vạn vật chuyển mình khởi đầu lại một chu kỳ ...


  • Hoán tỉnh Xuân hồn / HƯNG ĐẠO VƯƠNG

    HOÁN TỈNH XUÂN HỒN . . .Hỏi Xuân, Xuân mấy tuổi già ? Xuân đưa lại, lại rồi qua, xuân với ta ...


  • Từ thuở hoang sơ của địa cầu, loài người đã trải qua nhiều nỗi hãi hùng do biến động của ...


  • Tranh Đông Hồ / Sưu tầm

    Tranh "Nhân nghĩa"Tranh Đông Hồ, hay tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, là một dòng ...


20/02/2015
Phan Thị Bảo Trân

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 20/02/2015

TÌM HIỂU VỀ NỀN NHÂN VĂN HỌC VÀ NHÂN HỌC


TÌM HIỂU VỀ NỀN NHÂN VĂN HỌC VÀ NHÂN HỌC


Tóm lược. Lịch trình hành đạo của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo – phần tu sĩ có một nội dung là “Nền nhân văn học phải hiểu”. Để thực hiện một phần lịch trình hành đạocủa Cơ Quan, bài viết này trình bày khái quát về nền nhân văn học, và một bộ phận của nó là ngành nhân học.

1 GIỚI THIỆU

Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo chính thức được thành lập vào rằm tháng Giêng năm Ất Tỵ (1965) thì khoảng một năm sau đó, Đức Lê Văn Duyệt Đại Tiên được chỉ định của Tam Giáo Tòa, ban Lịch Trình Hành Đạo cho Cơ Quan. Ngài dạy như sau:
“Trong khi hội quần Tiên, Lão được chỉ định của Tam Giáo Tòa, cho các Chơn Tiên tiền bối Đại Đạo chỉ định và thỉnh giám Lão thay mặt, để giúp chư hiền các lịch trình hành đạo. Lão mong rằng chư hiền nên nhận xét thực hành để làm tròn bổn phận Thiêng Liêng giao phó.” ( Đức Lê Đại Tiên, Ngọc Minh Đài, Tuất thời, 15-4 Bính Ngọ (3-6-1966).
Lịch Trình Hành Đạo của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo bao gồm các lịch trình để hành đạo từ cấp Tu sĩ, Giáo sĩ, v.v…cho đến Ban Thường Vụ, bao gồm nhiều hạng mục về tâm, hạnh, đức, tài để các cấp trách vụ trong Cơ Quan khả dĩ thực hiện sứ mạng của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý nói riêng và sứ mạng lịch sử của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nói chung.
Lịch Trình Hành Đạo dành cho cấp bậc Tu sĩ, có một phần như sau:
“Nền nhân văn học phải hiểu.”
Để thực hiện một phần Lịch Trình Hành Đạo nói trên, huynh tỷ đệ muội chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu khái quát về nền nhân văn học và một bộ phận của nền nhân văn học là nhân học.
Do đó, bài viết này bao gồm các nội dung sau:
1. Nhân văn học
• Nhân văn học là gì?
• Các ngành nhân văn
2. Nhân học
• Nhân học là gì?
• Bốn đặc điểm của nhân học
• Các lĩnh vực nghiên cứu của nhân học
2 KHÁI QUÁT VỀ NHÂN VĂN HỌC
Nhân văn học là gì?
Con người là một thực thể vô cùng phong phú, có tính đa diện. Với tính đa diện của con người, để tìm hiểu, người ta buộc phải chia ra làm nhiều lĩnh vực hay nhiều khía cạnh để nghiên cứu. Mỗi khía cạnh chuyên biệt như thế trở thành đối tượng nghiên cứu của một khoa học chuyên ngành. Có nhiều ngành khoa học liên quan đến con người như y học, sinh học, triết học, văn học, ngôn ngữ, kinh tế, chính trị, luật pháp,… đều có nghiên cứu về con người.
Các ngành nhân văn, còn được gọi là nhân văn học(tiếng Anh: the humanities)là các ngành khoa học nghiên cứu về con người trong ngữ cảnh có liên quan đến văn hóa. Nói cách khác, nhân văn học là các ngành học nghiên cứu về văn hóa con người. Nó nghiên cứu về việc con người đã hành xử như thế nào và ghi nhận lại những gì con người đã trải nghiệm.Nhân văn học giúp chúng ta hiểu về cuộc sống của mình, hiểu về mối liên hệ giữa chúng ta với người đi trước và mối liên hệ giữa con người chúng ta hiện nay[5].[5]
Các ngành trong nền nhân văn học
Nhân văn học bao gồm một số ngành:ngônngữ học (linguistic), văn học (literature), triết học (philosophy), nhân học (anthropology), tôn giáo (religion),đạo đức (ethics), lịch sử (history), âm nhạc (music), vũ (dance), kịch (theater), hội họa (art), điện ảnh (film), kiến trúc (architecture), luật học (laws/jurisprudence), v.v…[8][5].
Thật khó để có thể tìm được tài liệu, sách vở có sẵn nói về “nền nhân văn học” hoặc tổng quan về tất cả các ngành nhân văn để chúng ta khả dĩ có một bức tranh tổng thể về nền nhân văn học. Để có thể hiểu thêm về nhân văn học, chúng ta hãy tìm hiểu chi tiết hơn một ngành trong nền nhân văn học – là nhân học.
3 KHÁI QUÁT VỀ NHÂN HỌC
3.1 Nhân học là gì?
Có nhiều định nghĩa về nhân học trên thế giới, chúng tôi xin giới thiệu một định nghĩa về nhân học như sau:
Nhân học(tiếng Anh: anthropology) là ngành khoa học nghiên cứu tổng hợp về bản chất của con người trên các phương diện sinh học, xã hội, văn hóacủa các nhóm người, các cộng đồng dân tộc khác nhau, cả về quá khứ của con người cho tới hiện nay, nghĩa là nghiên cứu sự tiến hóa của con người, các xã hội và văn hóa khác nhau[6].[6]
Tác giả Hoebel thì tóm tắt nhân học là một trong những ngành khoa học nhân văn, đặt trọng tâm nghiên cứu về con người và các nền văn hóa[2]. [2]

Figure 1
Hình 2. Hình ảnh minh họa một nhà khoa học (bên phải) đang “nghiên cứu” về con người

Mục đích của nhân học không chỉ làm thỏa mãn sự ham muốn hiểu biết của con người, mà nó còn là một công cụ giúp con người biết được nhiều hơn về bản chất của mình, để cuối cùng có thể hiểu, nắm bắt và giải quyết những vấn đề liên quan đến con người như thế nào cho hiệu quả[2].[2]
Vậy sự khác nhau giữa nhân học và các ngành nhân văn khác là gì?
3.2 Bốn đặc điểm của nhân học
Nhiều môn học và ngành khoa học khác cũng quan tâm đến khía cạnh này hoặc khía cạnh khác của con người và các hoạt động của con người. Vậy thì điều gì khiến nhân học được gọi là “ngành khoa học về con người” và khác với các ngành nhân văn khác? Đó là do nhân học có 4 yếu tố đặc biệt sau:
1. Trọng tâm nghiên cứu con người như một tổng thể
2. Sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu
3. Phát triển và sử dụng khái niệm về văn hóa
4. Sử dụng phương pháp điền dã dân tộc học
Nhân học nghiên cứu về con người như một tổng thể
Như đã trình bày, con người là một thực thể gồmnhiều phương diện. Để tìm hiểu con người, chúng ta buộc phải chia thành nhiều lĩnh vực (khía cạnh) để nghiên cứu. Mỗi lĩnh vực nghiên cứu về con người như thế trở thành một khoa học chuyên ngành. Khác với những ngành khoa học khác nghiên cứu về con người, nhân học tiếp cận nghiên cứu con người trong tính toàn diện của nó, nghĩa là nghiên cứu nhiều khía cạnh khác nhau của con người, với cái nhìn so sánh, đối chiếu cả về thời gian và không gian.Nói một cách khác, nhân học nghiên cứu trọng tâm về con người như một tổng thể [2] [2].Nhân học cho rằng không một điều gì có thể đầy đủ, chính xác và được thấu hiểu khi bị tách rời khỏi cái tổng thể.
Với trọng tâm nghiên cứu con người như một tổng thể như thế, nhân học có tham vọng sử dụng thành tựu nghiên cứu của các ngành khoa học khác và cố gắng kết hợp chúng với dữ kiện riêng của mình để nghiên cứu con người trong tính toàn diện đó. Ví dụ, nhân học kết hợp để tìm kiếm xem các yếu tố kinh tế, chính trị, tôn giáo và thân tộc,… đã tác động với nhau như thế nào để tạo nên đời sống của con người như chúng ta thấy [6] [6]. Khi miêu tả một nhóm người, một nhà nhân học có thể đề cập đến lịch sử của khu vực mà nhóm người này sinh sống, môi trường tự nhiên, tổ chức cuộc sống gia đình và các đặc tính chung ngôn ngữ, hệ thống định cư của nhóm, hệ thống kinh tế chính trị, tôn giáo, phong cách nghệ thuật và trang phục…
Trước đây, các nhà nhân học, khi nghiên cứu, cố gắng bao trùm tất cả các mặt của một lĩnh vực. Ngày nay, cũng như các ngành khoa học khác, quá trình thông tin được tích lũy lớn đến nỗi mà các nhà nhân học có khuynh hướng chuyên sâu về một chủ đề hay một khu vực, ví dụ nghiên cứu đặc tính hình thể của một số tổ tiên của chúng ta thời tiền sử, nghiên cứu ảnh hưởng sinh học và môi trường với cư dân qua thời gian, nghiên cứu phong tục của một nhóm người cụ thể. Dù đã đi chuyên sâu, nhưng nhân học vẫn giữ khuynh hướng tiếp cận toàn diện (hay tổng thể), trong khi các chuyên ngành khác nhau của nhân học sẽ cùng nhau miêu tả nhiều khía cạnh của con người, cả trong quá khứ và hiện tại ở tất cả các mức độ khác nhau. Ví dụ nhân học tôn giáo là một chuyên ngành của nhân học, vừa giữ khuynh hướng tiếp cận tổng thể của nhân học, vừa miêu tả một khía cạnh trong văn hóa con người là tôn giáo.
Một ví dụ về nghiên cứu con người như một tổng thể: khi các nhà giáo dục Mỹ phát hiện ra rằng những năm 1960 học sinh da đen ít uống sữa, họ cho rằng lý do chính là các học sinh này thiếu tiền hoặc thiếu hiểu biết. Nhưng bằng chứng của các nhà nhân học đã đưa ra một cách giải thích khác. Các nhà nhân học từ lâu biết rằng có nhiều nơi chăn nuôi gia súc lấy sữa trên thế giới, con người không uống sữa tươi, mà họ thường để sữa tươi lên men trước khi uống hay làm phômai. Tại sao họ làm như vậy thì hiện nay đã rõ. Nhiều người thiếu enzyme lactose vốn cần thiết cho việc tiêu hóa lactose, loại đường có trong sữa. Khi những người này uống sữa sẽ gặp rắc rối đối với hệ tiêu hóa, không chỉ lactose không tiêu hóa được, mà các dưỡng chất khác cũng không được hấp thụ. Trong nhiều trường hợp, việc uống sữa sẽ gây ra chứng co thắt ruột, tiêu chảy và buồn nôn. Các nghiên cứu cho thấy rằng, chứng không hấp thu được sữa tươi có ở nhiều nơi trên thế giới như thường thấy ở thanh niên châu Á, Ả Rập, Do Thái, Tây Phi, cư dân bản địa Bắc và Nam Mỹ và người Mỹ da đen. Bởi vì các nhà nhân học hiểu biết về các dân tộc khác nhau về địa lý và lịch sử nên họ thường có thể điều chỉnh lại sự hiểu biết sai lệch về các nhóm người khác nhau [3].[3]

Hình 3. Các em học sinh da đen (hình chỉ mang tính cách minh họa)
Trong ví dụ học sinh da đen ít uống sữa, chúng ta thấy nhân học nghiên cứu con người như một tổng thể, xét trên các khía cạnh sinh học, văn hóa, xã hội.
Nhân học sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu
Khi nói về con người và bản chất của con người, người ta cần phải biết cái nội dung tổng thể về sinh học, về hành vi và về hình thái xã hội của con người thực sự là gì [2] [2]. Một lần nữa chúng ta lại thấy xuất hiện 3 chữ sinh học, hành vi, xã hội. Để có những kiến thức này, nhà nhân học phải nghiên cứu và so sánh trong phạm vi rộng lớn của từng cộng đồng dân cư xưa và nay, để xác định cái gì là chung và cái gì là đặc điểm riêng.
Một ví dụ về phương pháp so sánh là: người Bắc Mỹ không sử dụng con mối làm thức ăn nhưng không nên nghĩ rằng loài người chúng ta không ăn mối. Sự thực, người Camơrun ở Tây Phi lại coi mối là thức ăn bổ dưỡng. Như thế, ngoài tính toàn diện, tổng thể, nhân học còn là một khoa học mang tính so sánh đối chiếu để tìm hiểu sự đa dạng về mặt sinh học và văn hóa của các nhóm cư dân, dân tộc khác nhau trên hành tinh.

Hình 4. Người Cơ Tu (Việt Nam) ở đỉnh núi Trường Sơn cũng ăn mối
Một ví dụ khác về việc những nhà nhân học nghiên cứu và cố gắng giải thích sự khác nhau giữa các nền văn hóa trên thế giới, là họ nghiên cứu tại sao người ở một nền văn hóa tin rằng họ bị bệnh do hồn của bà phù thủy nào đó đã tiêu hủy lá gan của họ, trong khi đó người khác nghĩ rằng bệnh là do một loại nhện đen đã làm phép thuật vào người của họ[1].[1]
Nhân học phát triển và sử dụng khái niệm về văn hóa
Một đặc trưng khác của ngành nhân học là sự phát triển về khái niệm văn hóa và tính quan trọng của khái niệm này trong tư tưởng của nhân học.
“Văn hóa không phải là kết quả di truyền sinh học mà là hệ thống những khuôn mẫu hành vi qua học hỏi và là nét đặc trưng của các thành viên trong một xã hội”. Văn hóa hoàn toàn là kết quả của sự sáng tạo xã hội, được lưu truyền và duy trì chỉ thông qua sự rèn luyện và giao tiếp.
Những nhận định trên là các thành phần cơ bản của khái niệm về văn hóa, như là thuật ngữ mà hầu hết các nhà nhân học hiện nay áp dụng. Các định nghĩa khác, dĩ nhiên vẫn có thể chấp nhận.
Khái niệm văn hóa trong ngành nhân học quan trọng đến mức trong hơn 30 chương còn lại của cả cuốn sách “Anthropology: The Study of Man”[2] [2] đều đặt trọng tâm xem xét về bản chất của khái niệm văn hóa, cũng như những biểu lộ của nó trong hành vi của nhân loại.
Nhân học sử dụng phương pháp nghiên cứu điền dã dân tộc học

Hình 5. Trang bìa quyển “Viết các ghi chép điền dã dân tộc học”
Về mặt phương pháp, nhân học có xu hướng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu định lượng và định tính của các ngành khoa học xã hội và nhân văn khác (kinh tế, xã hội học, chính trị, tâm lý, địa lý và sử học). Đồng thời, nhân học cũng có phương pháp nghiên cứu chuyên biệt riêng của ngành được các nhà nhân học và dân tộc học sử dụng mang tính truyền thống từ trước đến nay. Nhân học thường sử dụng phương pháp tham gia sâu tại một hoặc vài ba cộng đồng từ một năm trở lên và thông thạo ngôn ngữ địa phương nào mình điền dã. Điền dã dân tộc học là công việc bắt buộc và thường xuyên đối với nhà nghiên cứu nhân học.
Một số nhân viên Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý chúng ta đã từng tiếp xúc với giáo sư nhân học người Mỹ Janet Hoskins khi giáo sư đến nhiều nơi trong tôn giáo Cao Đài tại Việt Nam để thực hiện nghiên cứu chuyên môn của bà về đạo Cao Đài. Và một số bạn thanh thiếu niên Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý đã gặp một nữ sinh viên người Trung Quốc tại Hội Thánh Minh Chơn Đạo đến nghiên cứu về văn hóa Cao Đài vào năm 2014. Những chuyến đi thực tế của hai vị này cho thấy họ đang sử dụng phương pháp nghiên cứu điền dã dân tộc học.
3.3 Các lĩnh vực nghiên cứu của nhân học
Như đã trình bày, nhân học là ngành khoa học có phạm vi rộng hơn cả về lịch sử, địa lý và có tính tổng thể trong cách tiếp cận nghiên cứu con người so với các ngành học khác. Vì vậy, phạm vi nghiên cứu của nhân học rất rộng. Theo truyền thống, các nhà nhân học đã chọn cách tiếp cận bản chất con người theo hai hướng khác nhau: nhân học hình thể và nhân học văn hóa. Cho nên các phân ngành của nhân học được chia thành hai nhóm: nhân học hình thể và nhân học văn hóa . Mỗi phân ngành lại có một số chuyên ngành riêng. Ngoài ra còn có phân ngành nhân học ứng dụng.
Tóm lại, các lĩnh vực nghiên cứu nhân học bao gồm:
1. Phân ngành Nhân học hình thể: cổ nhân học, linh trưởng học, chủng tộc học,…
2. Phân ngành Nhân học văn hóa: khảo cổ học, nhân học ngôn ngữ, nhân học văn hóa – xã hội (dân tộc học), nhân học tôn giáo,…
3. Phân ngành Nhân học ứng dụng
3.3.1 Nhân học hình thể
Nhân học hình thể là chuyên ngành ra đời đầu tiên và sớm nhất của ngành nhân học. Vấn đề quan tâm chính của cách nhà nhân học hình thể là con người với tư cách là một thực thể sinh vật. Mục đích của họ là khám phá ra những nét tương đồng và dị biệt của con người và các loài động vật khác.
Phân ngành của nhân học hình thể bao gồm:
• Cổ nhân họchay cổ sinh vật học (human paleontology hay paleanthropology): nghiên cứu nguồn gốc và quá trình hình thành con người. Nó nghiên cứu các hóa thạch của con người, tiền thân của con người để tái hiện sự tiến hóa của con người từ người tối cổ đến người cổ và người khôn ngoan (homo sapiens).

Hình 6. Minh hoạ về phân ngành Cổ nhân học. Nghiên cứu về nguồn gốc của nhân loại, nhà nhân học phải so sánh và phân tích tỉ mỉ những chứng tích còn lại của các hóa thạch tiền sử, đặc biệt là các bộ phận như sọ, răng, xương đùi, xương chậu.
• Linh trưởng học: nghiên cứu những động vật có họ hàng gần gũi nhất với con người – loài linh trưởng – từ những hóa thạch của chúng qua các thời kỳ địa chất cho đến các nhóm linh trưởng còn tồn tại hiện nay như khỉ, vượn, đười ươi,…

Hình 7. Minh hoạ về phân ngành linh trưởng học. Một thí dụ điển hình về cách học hỏi và sự hiểu biểu của loài tinh tinh. Bằng cách xếp các thùng, hộp chồng lên nhau, con tinh tinh Grande có thể giải quyết cái vấn đề “làm sao lấy một trái chuối”. Xin chú ý cử chỉ đồng cảm, tán thành của con tinh tinh ngồi, Sultan.
• Chủng tộc học: nghiên cứu sự đa dạng của con người về đặc điểm sinh học và hình thể.
3.3.2 Nhân học văn hóa (cultural anthropology, social anthropology, sociocultural anthropology và ethnology)
Một hệ quả của sự tiến hóa của nhân loại có tác động sâu xa đến bản chất của con người là sự xuất hiện của văn hóa. Văn hóa là sự tập hợp những hành vi và quan niệm mà con người học hỏi được với tư cách là thành viên của xã hội. Con người dùng văn hóa để thích ứng với thế giới trong đó họ đang sống và thay đổi nó.
Nhân học văn hóa chia thành ba chuyên ngành nhỏ hơn:
• Khảo cổ học (archaeology): nghiên cứu về văn hóa quá khứ của con người. Nó nghiên cứu về quá khứ của con người bằng việc khai quật và phân tích những vật thể còn sót lại, để tái hiện lại cuộc sống văn hóa và lịch sử của con người.

Hình 8. Minh hoạ về phân ngành khảo cổ học. Các nhà khảo cổ học điều tra về quá khứ bằng việc khai quật(Nguồn: Humanity – An Introduction to cultural anthropology)
• Nhân học ngôn ngữ: nghiên cứu lịch sử ngôn ngữ và cấu trúc của ngôn ngữ các dân tộc cũng như những hình thức trao đổi thông tin trong bối cảnh các nền văn hóa.
• Nhân học văn hóa – xã hội (dân tộc học):
Tùy thuộc vào quan niệm của các trường phái nhân học mà có các tên gọi khác nhau. Ở Anh, người ta nhấn mạnh đến nhân học xã hội. Ở Mỹ, lại quan tâm nhiều hơn đến nhân học văn hóa. Xu hướng chung hiện nay là kết hợp cả nhân học văn hóa và xã hội, gọi chung là nhân học văn hóa – xã hội. Trong nhiều trường hợp, người ta còn gọi là dân tộc học. Nhân học văn hóa – xã hội nghiên cứu tính đa dạng của các nền văn hóa cũng như các khía cạnh văn hóa của con người với các suy nghĩ và hành xử với tư cách là thành viên của xã hội.

Hình 9. Minh hoạ về phân ngành nhân học văn hóa – xã hội. Người Nhật và kiểu chào Gaucho (cúi gập người). Dân châu Mỹ La tinh và kiểu chào Abrazzo (ôm chầm lấy nhau). Trong cùng những tình huống tương tự, nhưng cách biểu lộ được khuôn mẫu hóa khác nhau.
• Nhân học tôn giáo (anthropology of religion)
Đối với các nhà nhân học, tôn giáo được xem xét với tư cách là hiện tượng phổ biến của văn hóa (Đỗ Minh Hợp, 2006, 52-53). Nhận định của Evans-Pritchard về vai trò của các nhà nhân học trong nghiên cứu tôn giáo:Tôn giáo đối với nhà nhân học là những sự kiện có tính xã hội (social facts) chứ không phải là những sự kiện thần học. Mối bận tâm lớn của những nhà nhân học chính là sự liên quan giữa tôn giáo với những sự kiện xã hội khác. Như vậy cần khẳng định tôn giáo đối với nhà nhân học mang tính khoa học chứ không phải siêu hình hoặc bản thể học (Fiona Bowie, 2001, 4-5).

Hình 10. Minh hoạ về phân ngành nhân học tôn giáo. Trong một ngôi làng của người Ainu ở Hokkaido, Nhật Bản, người chủ gia đình chài lưới cầu trời cho đánh bắt được con cá hồi đầu tiên vào đầu thu.
Nhân học tôn giáo nghiên cứu tôn giáo dưới chiều kích của cả thời gian và không gian, đặc biệt phân tích sắc thái tôn giáo đặc trưng của từng tộc người, từng cộng đồng dân cư chứ không phải tôn giáo nói chung. Nói cách khác, nhân học tôn giáo nghiên cứu bối cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội, nơi mà thời điểm tôn giáo xuất hiện trong những cộng đồng tộc người cụ thể, nghiên cứu vì sao cộng đồng cư dân này chấp nhận một tôn giáo nào đó trong khi các cộng đồng cư dân khác không chấp nhận. Điều quan trọng là quan điểm của các nhà khoa học, các nhà nhân học nói chung đã xếp tôn giáo trong nội dung văn hóa, cho rằng tôn giáo mang tính cộng đồng, tính xã hội, tính văn hóa, được cộng đồng tuân theo, gắn liền văn hóa với lối sống, là tôn giáo của từng dân tộc, từng khu vực dân cư.

Hình 11. Minh hoạ về phân ngành nhân học tôn giáo. Những người đóng thế vai thực thể siêu nhiên đứng phía trước ngôi nhà phường hội, thuộc bộ lạc Urama, tộc Papua, New Guinea. Với điệu múa hành lễ và niệm thần chú, họ lạy những cây ăn quả dành để tế lễ trong những dịp lễ này.
Nhân học tôn giáo đi sâu nghiên cứu biểu tượng tôn giáo, các nghi thức, các hành vi, lễ hội và các thiết chế xã hội tôn giáo khác nhau.
3.3.3 Nhân học ứng dụng
Nhân học ứng dụng là một chuyên ngành của nhân học, mới được phát triển trong những năm gần đây. Các nhà nhân học sử dụng kiến thức của các chuyên ngành nhân học khác để giải quyết những vấn đề thực tế, thường là phục vụ cho các cơ quan ngoài học thuật.
Ví dụ, nhà nghiên cứu nhân học hình thể sử dụng những kết quả nghiên cứu của mình về y học để phục vụ sức khoẻ cộng đồng, sử dụng những kết quả nghiên cứu nhân trắc để thiết kế và may quần áo cho cộng đồng… Nhà nhân học ngôn ngữ có thể sử dụng kết quả nghiên cứu vào trong chương trình đào tạo giáo dục: làm từ điển, chương trình giáo dục song ngữ, đa ngữ. Các nhà khảo cổ có thể sử dụng kết quả nghiên cứu hiện vật để tổ chức trưng bày trong các bảo tàng lịch sử và văn hóa để phục vụ đại chúng.
Ngày nay, nhân học ứng dụng vẫn tiếp tục phát triển theo các lĩnh vực khác nhau, nhưng những vấn đề họ quan tâm hơn cả là nghiên cứu đã được mở rộng trong một số lĩnh vực như nhân học đô thị, nhân học y tế, nhân học du lịch và giáo dục,…
Mối liên hệ giữa nhân học và các ngành khoa học
Nhân học là sự phối hợp các ngành khoa học xã hội và nhân văn, cùng với nhiều ngành khoa học tự nhiên khác và do vậy có liên hệ sâu sắc với từng ngành. Tuy nhiên, nhân học vẫn giữ những đặc điểm riêng (trình bày ở trên) và phương pháp nghiên cứu đặc biệt của mình[2].[2]
Nhân học là ngành khoa học có phạm vi nghiên cứu rất rộng, có xu hướng tích hợp tri thức các ngành khoa học xã hội và nhân văn khác. Vì vậy, nó có quan hệ hữu cơ với nhiều ngành khoa học khác, nhất là trong những thập niên gần đây, đến độ khó phân biệt ranh giới về mặt chủ đề. Chúng ta có thể thấy điều này qua ví dụ giải thích học sinh da đen ít uống sữa.
Chúng ta có thể tìm hiểu thêm mối liên hệ giữa nhân học và cách ngành khoa học khác trong các tài liệu như mối liên hệ với sử học, triết học, địa lý học, xã hội học, tâm lý học, luật học, tôn giáo học, khoa học chính trị, kinh tế và sức khoẻ cộng đồng.
4 Kết luận
Nhân văn học nói chung, nhân học nói riêng là các ngành khoa học nghiên cứu về con người trong bối cảnh có liên quan đến văn hóa. Nhân học khác với các ngành khoa học nhân văn khác là nó nghiên cứu con người như một tổng thể và các nền văn hóa khác nhau. Nhân học nổi bật ở việc nghiên cứu so sánh, đối chiếu. Nhân học phát triển và sử dụng khái niệm về văn hóa rất nhiều. Và phương pháp nghiên cứu đặc thù là phương pháp điền dã dân tộc học.
Sau khi tìm hiểu về nhân văn học và nhân học, đạo muội rút ra vài điều cần thiết có thể áp dụng cho việc hành đạo của bản thân, như sau:
- Chúng ta nên thừa kế, sử dụng thành tựu, kết quả nghiên cứu của các ngành khoa học nhân văn để làm cho giáo lý đạo trở nên gần gũi, thực tế, hữu ích hơn, cũng giống như cách mà nhân học đã sử dụng thành tựu của các ngành nhân văn khác.
- Nghiêu cứu so sánh sẽ làm gia tăng sự hiểu biết của chúng ta, chứ không nên nghiên cứu riêng biệt một phạm vi, lãnh vực nào.
- Nên có cái nhìn khách quan và thông hiểu đối tượng nghiên cứu như thể mình là người trong cuộc, sau đó có thể sử dụng quan điểm của mình để ghi chép.
- Tôn giáo đối với nhà nhân học là những sự kiện có tính xã hội (social facts) chứ không phải là những sự kiện thần học. Mối bận tâm lớn của những nhà nhân học chính là sự liên quan giữa tôn giáo với những sự kiện xã hội khác. Như vậy cần khẳng định tôn giáo đối với nhà nhân học mang tính khoa học chứ không phải siêu hình hoặc bản thể học.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Peoples, James &Bailey, Garrick(2010), Humanity – An Introduction to cultural anthropology, xuất bản lần thứ 9.
[2] Hoebel, E.Adamson, Nhân chủng học – Khoa học về con người (Nguyên tác: Anthropology: The Study of Man). Biên dịch: Lê Sơn, Lê Trọng Nghĩa, Phạm Khương. NXB Tổng hợp, 2007.
[3] Nanda, Serena (1980), Cultural Anthropology. Litton Educational Publishing.
[4] Schultz, Emily A. & Lavend, Robert (2001), Cultural Anthropology: a Perspective on the Human Condition. Xuất bản lần thứ 5. Mayfield Publishing Company.
[5] Stanford Humanities Center, http://shc.stanford.edu/what-are-the-humanities, truy cập ngày 22-11-2014
[6] Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa Nhân học, Nhân học đại cương, NXB Đại học Quốc gia TP.HCM, 2013.
[7] http://vi.wikipedia.org/wiki/Nhân_học, truy cập ngày 18-11-2014
[8] http://vi.wikipedia.org/wiki/Nhân_văn, truy cập ngày 18-11-2014
________________________

Anthropology | Define Anthropology at Dictionary.com

dictionary.reference.com/browse/anthropology
anthropology definition. The scientific study of the origin, development, and varieties of human beings and their societies, particularly so-called primitive societies.
‎Cultural anthropology - ‎Forensic anthropology - ‎Social anthropology
Phan Thị Bảo Trân

Biết đạo ai ơi biết lẽ Trời,
Đừng nên mong vọng chuyện xa khơi,
Tu nhân kết quả nhân hành thiện,
Tích đức công dày đức độ đời.

Đức Đại Đồng Tổng Lý , Huờn Cung Đàn, 01-4 nhuần Quý Mão, 22-5-1963

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây