Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
  • Chư Môn-đệ nghe! Phần nhiều trong các con chẳng để lòng thờ kính Thầy, tưởng cho đem thờ Thầy vào ...


  • Hình thể Đạo & Ý thức hệ Cao Đài / Thánh giáo Đức Lý Giáo Tông

    Ôn học lời dạy của Đức Lý Giáo Tông Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Tuất thời, 15-01 Giáp Dần (06-02-1974)


  • Có câu : "Vi nhơn nan đắc" , không phải dể được làm người. Thế nên kiếp người là quí. ...


  • Thánh giáo dạy người hướng đạo chơn tu phải phát huy tiềm lực sâu thẳm mới đạt được những thành ...


  • "Sự tín ngưỡng : Thầy rất mừng các con giờ nầy đến đây, trước vui cùng các con, Thầy ngẫm ...


  • Danh từ "Khai Minh Đại Đạo" đã được Ơn Trên sử dụng từ lâu. Cụm từ này, có thể lần ...


  • TÂM LINH TRÊN ĐƯỜNG TIẾN HÓA Những năm cuối của thế kỷ XX có nhiều nhà nghiên cứu đã tiên ...


  • Trong môn họa truyền thống của Trung Quốc (thường được gọi là Quốc Họa) ta thường bắt gặp những chủ ...


  • Sống tự nhiên / Thiện Chí

    Sống tự nhiên không phải sống xa rời xã hội nhân lọai; không chỉ uống nước lã, thở khí trời ...


  • Hiệp Thiên Đại Đế Quan Thánh Đế Quân / Tự Điển Cao Đài-Nguyễn Văn Hồng

    Đêm ấy trăng sáng, vừa mãn canh ba, bỗng nghe trên không có tiếng kêu lớn: Trả đầu cho ta. ...


  • THẤY TÁNH / Nhip cầu Giáo lý

    Những người tu theo Chánh Pháp Đại Đạo trong buổi Tam Kỳ cần ý thức sâu xa, đừng thiên đừng ...


  • Trong Tờ khai Đạo ghi ngày 07-10-1926 (nguyên văn bằng tiếng Pháp), được tiền bối Lê Văn Trung gửi cho ...


27/08/2008
Chánh Tâm

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 09/01/2010

Nhật ký khóa tịnh hạ chí Mậu Tý (2008)

Mùa tu Hạ chí năm Mậu Tý, chúng ta được giảng về hai chữ "quyết tâm".

NGÀY 27.5.MẬU TÝ.

Thế nào là quyết tâm?

Một thiền sinh được sư phụ cho nhập thất. Hết bảy ngày, thầy đến thăm và lắc đầu "ông hãy phấn đấu thêm thất nửa". Thời gian trôi qua hết thất thứ hai, thiền sinh cũng chưa đạt chút kết quả nào cả. Trước khi bước vào thất thứ ba, sư phụ dặn học trò "nếu sau bảy ngày, con không đến trình thầy, thì thầy biết con đã nhảy xuống sông rồi!" Tức là phải quyết tâm trong việc tu học, nếu không kết
quả thì nhảy sông chết đi.

"Sanh tử sự đại, tấn tốc vô thường" (sống chết là việc lớn, nó tới không biết lúc nào."

Giải quyết được vấn đề sanh tử trước khi tắt thở, đó là việc làm của người tu, chứ không chờ khi chết mới biết.

Quyết tâm tức là chuyên tâm dồn hết thời gian, tâm huyết, sức lực, để tu đạt kết quả. Người xưa dạy "chuyên tâm nhứt xứ, vạn sự bất biện". (chú tâm vào một việc, đó là cách giải quyết của mọi việc).

NGÀY 28.5.MẬU TÝ.

Vì sao chúng ta phải quyết tâm công phu cho được kết quả?

A. Quyết tâm để tự cứu mình:

- Đức Ngô Đại Tiên dạy "ngô thân bất độ hà thân độ?" (cứu mình chưa được nói gì cứu ai).

- Đức Mẹ dạy :

"Con hởi! Đường nào đạt đạo cơ,
Chỉ đường trung nhứt phục nguyên sơ;
Nghìn xưa giáo, tổ đều do đó,
Chứng quả độ đời tỉnh giấc mơ."

&

Đạo mầu huyền nhiệm lắm con ơi!
Chứng quả rồi con sẽ độ đời;
Luyện kỷ tu công đừng gián đoạn,
Mới mong vững bước cuộc đầy vơi."


Tu chứng, công phu, tu có kết quả nói chung là trách nhiệm của mỗi tín đồ Cao Đài. Mỗi tín đồ phải độ được 12 huynh đệ. Độ đây không phải là rũ ren, biếu tiền bạc, mà tu cho có kết quả, dù chưa trọn vẹn thì cũng đôi ba phần cho huynh đệ thấy, tin tưởng mà hành theo. Kết quả này là những kinh nghiệm tâm linh. Kết quả công phu hiện trên thân tâm : cái nhìn dễ mến, lời nói dể thương, hành động dể cảm. Người xưa từng dạy :

"Thính kỳ ngôn ngữ,
Quan kỳ mâu tử;
Bạch nhãn giả hung,
Hắc nhản giả thiện."

Nghĩa :

"Nghe lời nói của người,
Trông con mắt của họ;
Mắt trắng là điềm dữ,
Mắt đen là điềm lành".


(Minh Đạo gia huấn câu 41).

Muốn công phu có kết quả phải làm sao?

Con người là một bệnh nhân. Thân bệnh thì dùng thuốc để trị. Tâm bệnh thì dùng pháp để trị. Ơn Trên dạy :

"Tu là thuốc chữa bệnh trần,
Thiền là đoạn diệt tham, sân, dục tình".


Bệnh có hết hay không do : lương y định đúng bệnh không? Cho đơn đúng thuốc không? Bệnh nhân uống đúng liều lượng không?

Lương y dạy mỗi ngày uống bốn cử thuốc, bệnh nhân uống ba cử nên bệnh cứ dây dưa. Tương tự như thế, nếu chúng ta một ngày chỉ mới thiền 3 thời/4 thời ngày, thì làm sao đạt được kết quả như Ơn Trên mong muốn.

B. Quyết tâm để góp phần vào việc độ tha nhân.


Muốn cứu mình và độ người Ơn Trên dạy:

- Có đạo pháp mới có quyền pháp.

- Đạo pháp phải tướng xứng với trách vụ.

Đức Chí Tôn dạy "người đi trước rước kẻ đi sau". Chúng ta có quyết tâm chứng đắc mới xây dựng được môi trường lành mạnh để cứu người, Ơn Trên mới có thêm cán bộ để mở thêm tịnh đường, khóa tu.

NGÀY 29.5.MẬU TÝ.

Quyết tâm vì thời gian cần và đủ?

Trồng cây một năm mới có thể tin cây sống hay chết. Không có việc gì mà kết quả chỉ một sáng một chiều. Cho nên dù đã quyết tâm cũng cần thời gian và sức khỏe, vì vậy cần có kế hoạch rõ ràng để phấn đấu cho kịp tiến độ.

Ích lợi  của việc trì tụng kinh "Di Lạc Chơn Kinh" và "Kinh Cứu Khổ".

Kỳ ba đại ân xá nên đạo Cao Đài được ơn trên ban kinh tận độ, đó là một ân phước vô cùng to lớn mà mỗi huynh đệ Cao Đài chúng ta được thọ hưởng từ Thầy Mẹ và các đấng Thiêng Liêng.

Mỗi một bài kinh trong quyển kinh tận độ đều có một ý nghĩa và hiệu dụng riêng biệt. Đặc biệt theo thiển ý của đệ thì 02 bài kinh "Di Lạc Chơn Kinh" và "Kinh Cứu Khổ" có một hiệu dụng hết sức đặc biệt nếu chúng ta luôn trì tụng hàng ngày (Tụng càng nhiều càng tốt).

Bản thân đệ đã trì tụng 02 bài kinh trên trong suốt gần 03 năm qua mỗi khi đi trên đường (vừa đi xe Honda vừa tụng, tụng liên tục từ nơi đi tới nơi đến) và cảm nhận thấy việc trì tụng 02 bài kinh ấy như những món "bửu bối" hết sức hiệu nghiệm giúp người trì tụng giải trừ được các nghiệp chướng và tâm từ được mở rộng một cách đáng kể không thể nào ngờ đến được.

Trong toàn bộ bài "Di Lạc Chơn Kinh", chúng ta thấy tất cả đều cầu siêu, hộ trì, tận độ cho tất cả vạn linh sanh chúng; Trong bài "Kinh Cứu Khổ" khi tụng đến cứu hộ đệ tử thì chúng ta không những cầu cho người thân mà còn cầu chung cho cả bá tánh chúng sanh, các âm hồn cô hồn,

Dẫu biết nghiệp chướng của chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay dẫy đầy như biển cả mênh mông, việc trì tụng của chúng ta cầu nguyện giải nghiệp cho chúng sanh có lẽ chỉ bằng một giọt nước so với biển cả mênh mông ấy. Tuy nhiên có vẫn còn hơn không, nếu mỗi huynh đệ chúng ta đều chí thành kiên trì thành tâm cầu nguyện với một tình thương yêu chân thành nhất thì có cảm ắt có ứng, Ơn Trên không bao giờ phụ những ai có lòng chí thành.

Những ích lợi mà đệ cảm nhận được sau thời gian trì tụng 02 bài kinh trên là:

_Tình thương càng ngày càng mở rộng đến chúng sanh (Phát triển tâm từ).

_Bản ngã tư tâm dần dần được dứt bỏ và lộ dần Thuần chơn vô ngã.

_Kết thúc mỗi bài kinh đều có niệm câu chú Thầy 03 lần. Nếu chúng ta kiên trì tụng niệm đến suốt đời thì câu chú Thầy chúng ta sẽ niệm được không biết bao nhiêu lần mà kể. Điều này rất tốt theo lời dạy của đức Di Lạc Thiên Tôn về việc hằng niệm danh hiệu Thầy.

_Tam nghiệp Thân, Khẩu, Ý giảm gây  ra  thêm một cách đáng kể.

Thân tâm an lạc, nhẹ nhàng thư thái (Nghiệp chướng oan khiên được giải trừ dần dần) và ngày càng cảm nhận được cuộc đời là giả tạm vô thường, đức tin ngày một  tăng trưởng.

_Đây chính là pháp môn tam công (công phu, công quả, công trình) được thực hiện đơn giản, dễ làm và rất hiệu quả.

Và còn nhiều ích lợi nữa nếu mỗi huynh đệ chúng ta trì tụng đến suốt đời.

Nếu bài "Di Lạc Chơn Kinh" quá dài, khó học thuộc thì quý huynh tỷ chỉ cần trì tụng "Kinh Cứu Khổ". Còn quý huynh tỷ nào đang tu tâm pháp, sợ tụng kinh tổn nguyên khí thì có thể trì tụng trong tâm (tụng không thành tiếng) cũng rất tốt.


Cầu nguyện Thầy Mẹ ban ân lành đến với tất cả quý huynh tỷ!


PHỤ LỤC :

Đệ kính gửi đến quý huynh tỷ nội dung giải nghĩa hai bài kinh “Di Lạc Chơn Kinh” và “Kinh Cứu Khổ “ trong quyển GIẢI NGHĨA KINH THIÊN ĐẠO & THẾ ĐẠO của soạn giả: Hiền tài Nguyễn Văn Hồng (thuộc Tòa Thánh Tây Ninh) để quý huynh tỷ cùng tham khảo.

DI-LẠC CHƠN KINH

Khai Kinh Kệ,

Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp,
Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ.
Ngã kim thính văn đắc thọ trì,
Nguyện giải Tân Kinh chơn thiệt nghĩa.

Thích Ca Mâu Ni Văn Phật thuyết Di-Lạc Chơn Kinh.

DỊCH NGHĨA:

Kệ mở đầu bài kinh

Giáo lý của Phật rất cao siêu, rất sâu xa, huyền vi mầu nhiệm.
Trăm ngàn muôn kiếp khó gặp đặng.
Ta ngày nay nghe biết được nhận lấy và gìn giữ,
Nguyện giải thích bài kinh mới với ý nghĩa chơn thật.

Đức Thích Ca Mâu Ni Văn Phật thuyết giảng Kinh Di Lạc chơn thật.

CHÚ THÍCH

Di-Lạc Chơn Kinh, thuộc Kinh Tận Độ, do đức Phật Thích Ca giáng cơ ban cho.

Khai kinh kệ:

Khai là mở đầu, Kinh là bài kinh, Kệ là bài kệ, tức là một đoạn văn ngắn có vần điệu, có nội dung cho biết ý nghĩa tổng quát của bài kinh.

Khai Kinh Kệ là bài Kệ mở đầu một bài Kinh.

Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp:

Vô thượng: Không có cái gì cao hơn, ý nói rất cao siêu.

Thậm thâm: Rất sâu xa. Thậm là rất, thâm là sâu.

Vi diệu: Vi là rất nhỏ, diệu là khéo léo. Vi diệu là huyền vi mầu nhiệm. Pháp: Giáo lý của Phật.

Giáo lý của Phật rất cao siêu, sâu xa, huyền vi mầu nhiệm.

Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ:


Bá: Trăm. Thiên: Ngàn. Vạn: Muôn. Kiếp: Một kiếp sống nơi cõi trần. Nan: Khó. Tao ngộ: Gặp gỡ tình cờ, không hẹn trước. Trăm ngàn muôn kiếp khó gặp đặng.

Ngã kim thính văn đắc thọ trì:


Ngã: Ta, tiếng tự xưng của đức Phật Thích Ca.

Kim: Ngày nay. Thính: Nghe. Văn: Nghe biết. Đắc: Được. Thọ: Nhận lãnh. Trì: Gìn giữ, giữ lấy.

Thọ trì: Nhận lãnh và giữ lấy. Như nghe thuyết pháp thì đem lòng tin mà thọ lãnh rồi niệm nhớ chẳng quên (trì).

Ta ngày nay nghe biết, được nhận lãnh và giữ lấy.

CHÚ Ý: Bên kinh Phật giáo, câu kinh này là: “ Ngã kim kiến văn đắc thọ trì”. Nghĩa là: Ta nay thấy nghe và được thọ trì.

Nguyện giải Tân Kinh chơn thiệt nghĩa:

Nguyện: Ý muốn trong lòng. Giải: Cắt nghĩa cho rõ ra. Tân kinh: Kinh mới. Trái với Tân Kinh là Cựu Kinh. Các bài kinh của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ do các Đấng Thiêng Liêng giáng cơ ban cho từ năm Bính Dần (1926) trở về sau được gọi là Tân Kinh. Còn các bài kinh thuộc Nhị Kỳ Phổ Độ, được gọi là Cựu Kinh.
Chơn thiệt nghĩa: ý nghĩa chơn thật, chánh đáng.

Nguyện giải thích rõ ý nghĩa chơn thật của bài Tân Kinh nầy.

Thích Ca Mâu Ni Văn Phật thuyết Di Lạc Chơn Kinh:

Thuyết: Nói rõ ra, thuyết giảng. Chơn kinh: Bài Kinh chơn thật, đúng chơn lý, do Đức Phật giáng cơ viết ra.
Di-Lạc Chơn Kinh: Bài Kinh chơn thật nói rõ quyền pháp của Đức Phật Di Lạc trong thời Tam Kỳ Phổ Độ.
Đức Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng Di Lạc Chơn Kinh.

KINH:

· Thượng Thiên Hỗn Nguơn hữu:

- Brahma Phật
- Civa Phật,
- Christna Phật,
- Thanh Tịnh Trí Phật,
- Diệu Minh Lý Phật,
- Phục Tưởng Thị Phật,
- Diệt Thể Thắng Phật,
- Phục Linh Tánh Phật.

Nhứt thiết chư Phật, hữu giác hữu cảm, hữu sanh hữu tử, tri khổ nghiệp chướng, luân chuyển hóa sanh, năng du ta-bà thế giới độ tận vạn linh đắc qui Phật vị.


DỊCH NGHĨA:

Từng trời ở trên hết là Hỗn Nguơn Thiên có:

- Brahma Phật
- Civa Phật,
- Christna Phật,
- Thanh Tịnh Trí Phật,
- Diệu Minh Lý Phật,
- Phục Tưởng Thị Phật,
- Diệt Thể Thắng Phật,
- Phục Linh Tánh Phật.

Tất cả các vị Phật, có biết có cảm động, Có sanh có chết, biết rõ cái khổ do nghiệp chướng gây ra, Luân hồi chuyển kiếp hóa sanh ra, Có khả năng đi khắp các cõi trần cứu giúp tất cả Chơn Linh, Được trở về ngôi vị Phật.

CHÚ THÍCH

Thượng Thiên Hỗn Nguơn: Thượng là ở trên, Thiên là từng Trời. Thượng Thiên Hỗn Nguơn là tầng Trời Hỗn Nguơn ở trên hết.

Hữu: có. Nhứt thiết: tất cả. Chư Phật: Các vị Phật.

Hữu giác: Có biết. Cảm: Mối rung động trong lòng.

Hữu cảm: Có mối rung động trong lòng.

Hữu sanh: Có sanh ra và sống. Hữu tử: Có chết.

Tri khổ: Biết rõ những cái khổ não nơi cõi trần. Con người có Tứ Khổ: Sanh, Lão, Bệnh, Tử. Ngoài ra con người còn chịu biết bao nỗi đau khổ khác do Tham, Sân, Si gây ra.

Nghiệp chướng: Nghiệp là cái lực cảm do những việc làm thiện ác trong kiếp sống trước tạo ra để ảnh hưởng lên kiếp sống hiện tại. Thường, chữ “Nghiệp” dùng với ý nghĩa là “Nghiệp dữ” (Ác nghiệp), thì đương nhiên phải chịu lấy hậu quả xấu theo đúng Luật Nhân Quả. Chướng là sự ngăn trở. Nghiệp chướng là sự ngăn trở của nghiệp, nó sẽ gây ra hoạn nạn, bệnh tật, trong kiếp sống hiện tại để ngăn trở, báo đáp lại những việc làm bất thiện đã tạo ra trong kiếp trước.

Luân chuyển hóa sanh: Luân là cái bánh xe, chuyển là xoay vần, hóa là biến hóa sanh ra. Luân chuyển hóa sanh là xoay vòng như cái bánh xe, hết sanh rồi tử, hết tử rồi lại sanh ra. Đó là sự luân hồi chuyển kiếp, khiến con người chìm đắm mãi trong cõi trần, từ kiếp này sang kiếp khác.

Năng du: Năng là có khả năng, du là đi đó đi đây. Năng du là có khả năng đi đó đi đây.

Ta Bà Thế Giới: Ta Bà, do chữ Phạn là Saha phiên âm ra, có nghĩa là Nhẫn Nhục. Ta Bà Thế giới là những cõi mà nhà tu hành phải nhẫn nhục, vì ở cõi nầy có nhiều ô trược và ác độc. Ở cõi nầy rất khó tu hành, nhưng nếu tu được thì công đức rất lớn, chỉ trong một kiếp cũng có thể đạt được phẩm vị cao trọng nơi cõi thiêng liêng. Cõi trần của nhơn loại chúng ta đây là một cõi trong Ta Bà Thế giới.
Độ tận: Độ là cứu giúp, tận là hết. Độ tận là cứu giúp tất cả nhơn loại, không chừa một người nào, dầu con nít còn trong bụng mẹ cũng phải độ. Đức Chí Tôn có nói:

“ Chiêu kỳ trung độ dẫn hoài sanh”, là nghĩa gì? Dầu cho trẻ con trong bụng cũng phải độ, sao các con lại đuổi thiện nam tín nữ? “ (TNHT.I.20).

Vạn linh: Tất cả Chơn linh trong Càn Khôn Vũ Trụ gồm đủ Bát hồn: Kim thạch hồn, Thảo mộc hồn, Thú cầm hồn, Nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn và Phật hồn. Vạn linh đầu kiếp xuống trần làm chúng sanh.

Đắc qui Phật vị: Được trở về ngôi vị Phật.

KINH :

· Hội Nguơn Thiên hữu:

- Trụ Thiện Phật,
- Đa Ái Sanh Phật,
- Giải Thoát Khổ Phật,
- Diệu Chơn Hành Phật,
- Thắng Giái Ác Phật,

Nhứt thiết chư Phật, tùng lịnh Di - Lạc Vương Phật, năng chiếu diệu quang tiêu trừ nghiệt chướng.

Nhược hữu chúng sanh văn Ngã ưng đương thoát nghiệt, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, tùng thị Pháp điều Tam Kỳ Phổ Độ, tất đắc giải thoát luân hồi, đắc lộ Đa-La Tam Diệu Tam Bồ Đề thị chi chứng quả Cực Lạc Niết Bàn.

Nhược nhơn đương sanh, nhược nhơn vị sanh, nhược nhơn hữu kiếp, nhược nhơn vô kiếp, nhược nhơn hữu tội, nhược nhơn vô tội, nhược nhơn hữu niệm, nhược nhơn vô niệm, thính đắc Ngã ngôn, phát tâm thiện niệm, tất đắc A-Nậu Đa La Tam Diệu Tam Bồ Đề, tất đắc giải thoát.

Nhược hữu nhơn thọ trì khủng kinh ma chướng, nhứt tâm thiện niệm: Nam Mô Di Lạc Vương Bồ Tát, năng cứu khổ ách, năng cứu tam tai, năng cứu tật bịnh, năng độ dẫn chúng sanh thoát chư nghiệt chướng, tất đắc giải thoát.


DỊCH NGHĨA:

Từng Trời Hội Nguơn Thiên có:

- Trụ Thiện Phật,
- Đa Ái Sanh Phật,
- Giải Thoát Khổ Phật,
- Diệu Chơn Hành Phật,
- Thắng Giái Ác Phật,

Tất cả các vị Phật, nghe theo mệnh lệnh của Đức Di Lạc Vương Phật, có khả năng chiếu ánh sáng huyền diệu làm tiêu trừ các nghiệt chướng.

Nếu như có người nào nghe biết lời TA, bằng lòng nhận lãnh thì thoát khỏi các nghiệp ác, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, tùng theo và nhìn nhận là đúng Luật pháp của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, ắt được giải thoát khỏi luân hồi, đắc đạo Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, ấy là chứng được quả vị nơi cõi Cực Lạc Niết Bàn (Cực Lạc Thế Giới).

Nếu như người đang sống, nếu như người chưa được sanh ra, nếu như người có kiếp sống, nếu như người không có kiếp sống, nếu như người có tội, nếu như người không tội, nếu như người có lòng tưởng niệm, nếu như người không lòng tưởng niệm, nghe được lời nói của TA, phát khởi lòng tưởng nghĩ điều lành, ắt được phẩm vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, ắt được giải thoát.

Nếu như có người nhận lãnh và gìn giữ làm theo lời Phật dạy, bị sợ hãi vì ma quỉ cản ngăn, một lòng một dạ tưởng nghĩ điều lành, niệm: Nam Mộ Di Lạc Vương Bồ Tát, có khả năng cứu giúp tai nạn khổ sở, có khả năng cứu giúp 3 tai họa lớn, có khả năng cứu được bịnh tật, có khả năng cứu giúp và dẫn dắt chúng sanh thoát khỏi các thứ nghiệt chướng, ắt được giải thoát.

CHÚ THÍCH

Hội Nguơn Thiên: Đây là từng Trời kế bên dưới Hỗn Nguơn Thiên, và ở khoảng giữa Hư Vô Thiên và Hỗn Nguơn Thiên. Hư Vô Thiên là từng Trời thứ 10 (ở ngay phía trên Cửu Trùng Thiên) thì Hội Nguơn Thiên là từng Trời thứ 11 và Hỗn Nguơn Thiên là từng thứ 12. Hai từng trời 11 và 12 đều đặt dưới quyền chưởng quản của Đức Di-Lạc Vương Phật.

Năng chiếu diệu quang: Có khả năng chiếu sáng bằng ánh sánh huyền diệu. Tiêu trừ: Diệt trừ cho mất hết.

Nghiệt chướng: Nghiệt là cái mầm ác, nghiệp ác; chướng là ngăn trở. Nghiệt chướng là cái nghiệp ác gây ra nhiều chướng ngại cho kiếp sống hiện tại, như gặp phải hoạn nạn, tai ương hay bịnh tật,… Nhược: Nếu như.

Nhược hữu: Nếu như có. Chúng sanh: Các loài sanh vật, gồm: Thảo mộc, Thú cầm, Nhơn loại. Nghĩa hẹp của Chúng sanh là nhơn loại. Văn: Nghe biết. Ngã: Ta, tiếng tự xưng của đức Phật Thích Ca. Văn Ngã: Nghe biết lời Ta.

Ưng đương: Ưng là bằng lòng, đương là nhận lãnh gánh vác. Ưng đương là bằng lòng nhận lãnh gánh vác.

Thoát nghiệt: thoát khỏi các nghiệp ác.

Niệm: Tưởng nghĩ tới, đọc nho nhỏ vừa đủ mình nghe lời cầu nguyện. Phật, Pháp, Tăng: Tam Bửu của Đức Chí Tôn.

Đức Chí Tôn là Phật, vị Phật lớn nhất trong các vị Phật. Đức Chí Tôn phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi, biến Lưỡng Nghi thành Tứ Tượng, rồi Bát Quái. “Thầy khai Bát Quái mà tác thành Càn Khôn Thế Giới nên mới gọi là Pháp, Pháp có mới sanh ra Càn Khôn Vạn Vật rồi mới có người nên gọi là Tăng. Thầy là Phật, chủ cả Pháp và Tăng, lập thành các Đạo mà phục hồi các con hiệp một cùng Thầy.” (TNHT.I.52).

Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng là niệm Đức Chí Tôn.

Tùng thị: Tùng là tuân theo, thị là phải là đúng. Tùng thị là tuân theo vì cho đó là đúng. Pháp điều: Những điều khoản của Luật pháp. Tam Kỳ Phổ Độ: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, nền Đại Đạo do Đức Chí Tôn mở ra lần thứ ba để cứu độ khắp cả nhơn sanh.

Tất đắc: Ắt được. Giải thoát: Cởi bỏ hết để thoát ra.

Giải thoát luân hồi: Cởi bỏ hết để thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử. Đắc lộ: Đắc là được, lộ là đường đi, mà đạo cũng là đường đi, nên Đắc lộ đồng nghĩa Đắc đạo.

Đa-La Tam-Diệu Tam-Bồ-Đề: do phiên âm từ chữ Phạn là: Tara Samyas Sambôdhi, nghĩa là: Tara (Đa - La) là Thượng, ở trên. Samyas (Tam - Diệu) là Chánh đẳng. Sambôdhi (Tam - Bồ - Đề) là Chánh giác. Chánh đẳng là bực Chơn chánh, Chánh giác là giác ngộ chơn chánh, biết rõ chơn lý, giác ngộ hoàn toàn.

Đa-La Tam-Diệu Tam-Bồ-Đề là thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đó là phẩm vị Phật.

Thị chi: Ấy là, tức là. Chứng quả: Nhận thực cái kết quả tu hành, tức là đắc đạo đoạt được ngôi vị.

Cực Lạc Niết Bàn: Cực Lạc Thế Giới hay Tây Phương Cực Lạc.

Đương: Đang lúc. Vị: Chưa.

Nhược nhơn đương sanh: Nếu như người đang sống.

Nhược nhơn vị sanh: Nếu như người chưa được sinh ra.

Hữu kiếp: Có kiếp sống nơi cõi trần.

Vô kiếp: Không có kiếp sống nơi cõi trần.

Hữu niệm: Có tưởng nghĩ tới.

Thính đắc Ngã ngôn: Nghe được lời nói của Ta.

Phát tâm thiện niệm: Lòng phát khởi tưởng nghĩ điều lành.

Tất đắc giải thoát: Ắt được giải thoát khỏi luân hồi.

A-Nậu Đa-La Tam-Diệu Tam-Bồ Đề: do phiên âm từ chữ Phạn: Anout tara Samyas Sambôdhi, nghĩa là: Anout (A-Nậu) : Không, Vô. Tara (Đa-La) :Thượng. Samyas: (Tam-Diệu) : Chánh đẳng, bực chơn chánh. Samôdhi (Tam-Bồ-Đề) : Chánh giác, giác ngộ chơn chánh.

A-Nậu Đa-La Tam-Diệu Tam-Bồ Đề : Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Đó là phẩm vị Phật tối cao.

Nhược hữu nhơn: Nếu như có người. Thọ: Nhận lãnh. Trì: Gìn giữ. Thọ trì: Nhận lãnh và gìn giữ làm đúng theo lời Phật dạy. Khủng kinh: Kinh khủng, rất sợ hãi.

Ma chướng: Sự ngăn cản của quỉ ma. Người tu hành luôn luôn bị bọn ma quỉ khuấy phá đủ cách để làm chướng ngại cho bước đường tu, nhưng chính đó cũng là những thử thách cần thiết để nâng cao trình độ tu tiến. Nếu vượt qua được các chướng ngại do quỉ ma gây ra thì mới chứng tỏ người tu có đủ hạnh đức và có thể đắc đạo.

Nhứt tâm thiện niệm: Một lòng một dạ tưởng nghĩ điều lành.

Di-Lạc Vương Bồ Tát – Di-Lạc Vương Phật :

Vương là vua, người đứng đầu có quyền thống trị tất cả.

Gọi Ngài là Di-Lạc Vương Phật khi ngài ngự trên ngôi vị, điều khiển chư Phật và cai trị toàn cả Càn Khôn Thế Giới.

Gọi ngài là Di-Lạc Vương Bồ Tát khi Ngài làm nhiệm vụ cứu độ và dẫn dắt chúng sanh tu hành.

Năng cứu : Có khả năng cứu giúp. Khổ ách: Tai nạn khổ sở. Ách là tai nạn. Tam tai: 3 thứ tai họa lớn: - Hỏa tai (tai họa do lửa cháy, như cháy nhà, cháy rừng); - Thủy tai (tai họa do nước, như lũ lụt, sóng thần); - Phong tai (tai họa do gió gây ra như bão tố, cuồng phong).

KINH:

Hư Vô Cao Thiên hữu:

- Tiếp dẫn Phật,
- Phổ Tế Phật,
- Tây Qui Phật,
- Tuyển Kinh Phật,
- Tế Pháp Phật,
- Chiếu Duyên Phật,
- Phong Vị Phật,
- Hội Chơn Phật,

Như thị đẳng hằng hà sa số chư Phật, tùng lịnh Nhiên Đăng Cổ Phật, dẫn độ Chơn linh, đắc Pháp đắc Phật, đắc duyên đắc vị, đắc A-Nậu Đa-La Tam Diệu Tam-Bồ-Đề, chứng quả nhập Cực Lạc Quốc, hiệp chúng đẳng chư Phật, tạo định Thiên Thi, tận độ chúng sanh đắc qui Phật vị.

Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, tu trì, thính Ngã dục đắc chơn truyền, niệm thử Nhiên Đăng Cổ Phật, thường du Ta bà Thế giới, giáo hóa chơn truyền, phổ tế chúng sanh, giải thoát lục dục thất tình, thoát đọa luân hồi, tất đắc giải thoát.


DỊCH NGHĨA:

Từng Trời Hư Vô Thiên ở trên cao, có:

- Tiếp Dẫn Phật,
- Phổ Tế Phật,
- Tây Qui Phật,
- Tuyển Kinh Phật,
- Tế Pháp Phật,
- Chiếu Duyên Phật,
- Phong Vị Phật,
- Hội Chơn Phật

Như vô số các vị Phật ở các cấp, tuân theo mệnh lệnh của đức Nhiên Đăng Cổ Phật, dẫn dắt và và cứu giúp các Chơn linh, đạt được Pháp, đạt được Phật vị, có được duyên, có được ngôi vị, đạt phẩm vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, chứng được quả vị, nhập vào cõi Cực Lạc Thế Giới, hiệp với chư Phạt các cấp, sắp đặt làm ra Thiên thơ, cứu giúp toàn cả chúng sanh được trở về ngôi vị Phật.

Nếu như người Nam lành, người Nữ lành, gìn giữ việc tu hành, nghe theo Ta, muốn được chơn truyền, hãy niệm thế nầy: Nam mô Nhiên Đăng Cổ Phật, thường đi du hành đến các cõi trần, giáo hóa giáo lý chơn thật, giúp đỡ chúng sanh khắp nơi, giải thoát khỏi Lục dục và Thất Tình, Thoát khỏi sự đọa đày vào vòng luân hồi, ắt được giải thoát.

CHÚ THÍCH:

Hư Vô Cao Thiên: Từng Trời Hư Vô Thiên ở trên cao. Đây là từng trời thứ 10, kế bên trên Cửu Trùng Thiên, dưới quyền chưởng quản của Đức Nhiên Đăng Cổ Phật.

Như thị: Như thế, như là. Đẳng: Cấp bực. Như thị đẳng chư Phật: Như các vị Phật ở trong các cấp.

Hằng hà: Sông Hằng (sông Giange) ở Ấn Độ. Sa số: Số hột cát. Hằng hà sa số: số hạt cát của sông Hằng, ý nói số lượng nhiều lắm, như cát sông Hằng, không thể đếm hết được. Dẫn độ: Dẫn dắt và cứu giúp.

Đắc Pháp: Đạt được Pháp, tức là biết rõ Thể pháp và Bí pháp của Đạo. Đắc Phật : Đạt được phẩm vị Phật.

Đắc duyên: Duyên là mối dây ràng buộc được định sẵn từ trước. Đắc duyên là có được cái duyên với Phật.

Đắc vị: Đạt được ngôi vị. Nhập : Đi vào.

Cực Lạc quốc: Nước Cực Lạc, ý nói cõi Cực Lạc Thế Giới, cõi Cực Lạc Niết Bàn hay cõi Tây phương Cực Lạc.

Hiệp chúng đẳng chư Phật: Hợp với nhiều cấp bực của các vị Phật, tức là hợp với nhiều vị Phật ở nhiều đẳng cấp lớn nhỏ khác nhau. Tạo định: Sắp đặt làm ra. Định là sắp đặt.

Thiên Thi: Thi tức là Thơ, Thơ là sách. Thiên Thi là quyển sách của Trời, dùng để ghi chép Thiên điều, tức là ghi chép các luật pháp của Trời, điều hành sự vận chuyển Càn Khôn Vũ Trụ và sự tiến hóa của vạn vật. Thiên điều do chư Phật và chư Tiên họp Đại Hội tại Ngọc Hư Cung bàn định lập ra. Ngọc Hư Cung ở trong từng Trời Hư Vô Thiên.

Thiện nam tử: Người Nam lành. Tử là người, Nam tử là chỉ đàn ông con trai. Thiện nữ nhân: Người Nữ lành. Nhân là người. Nữ nhân là chỉ đàn bà con gái.

Tu trì: Trì là gìn giữ. Tu trì là gìn giữ sự tu hành.

Dục đắc: Muốn được. Dục là muốn, đắc là được.

Chơn truyền: Giáo lý chơn thật được truyền lại của một nền tôn giáo, mà nếu ai tu đúng theo đó thì chắc chắn đắc đạo. Niệm: Đọc nho nhỏ vừa đủ mình nghe. Thử: Thế ấy, thế nầy. Niệm thử là niệm như thế nầy.

Nhiên Đăng Cổ Phật : là vị Phật đầu tiên trong Càn Khôn Vũ Trụ, được sanh ra vào thời Hỗn Độn, là Giáo chủ Phật giáo thời Nhứt Kỳ Phổ Độ, hiện chưởng quản từng Trời Hư Vô Thiên.

Thường du Ta bà Thế giới: Luôn luôn du hành đến các cõi trần. Giáo hóa : Dạy cho biến đổi từ dốt ra biết chữ, từ xấu biến đổi thành tốt.

Phổ tế : Phổ là bày rộng ra khắp nơi, tế là giúp đỡ. Phổ tế là giúp đỡ chúng sanh khắp nơi.

Lục dục: 6 điều ham muốn của con người nơi cõi trần : - Sắc dục (Ham muốn sắc đẹp), - Thinh dục (Ham muốn âm thanh êm ái), - Hương dục (Ham muốn mùi thơm), - Vị dục (Ham thích ăn ngon ), - Xúc dục (Ham muốn xác thân mát mẻ sung sướng ), - Ý dục ( Ham muốn ý nghĩ được thỏa mãn).

Thất Tình : 7 thứ tình cảm của con người : - Hỷ ( mừng), - Nộ (giận) , - Ái (thương), - Ố (ghét), - Ai ( buồn ), - Lạc (vui), - Dục (muốn).

Thoát đọa luân hồi : Thoát khỏi sự đày đọa vào vòng luân hồi sanh tử, nghĩa là đắc đạo thành Tiên Phật.

KINH:

Tạo Hóa Huyền Thiên hữu:

- Quảng Sanh Phật ,
- Dưỡng Dục Phật ,
- Chưởng Hậu Phật ,
- Thủ Luân Phật,
- dữ Cửu Vị Nữ Phật,

Như vị đẳng hằng hà sa số chư Phật, tùng lịnh Kim Bàn Phật Mẫu, năng tạo năng hóa vạn linh, năng du Ta Bà Thế giới, dưỡng dục quần sanh, qui nguyên Phật vị.

Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, thính Ngã dục tu phát nguyện : Nam mô Kim Bàn Phật Mẫu dưỡng dục quần linh, nhược hữu sanh, nhược vị sanh, nhược hữu kiếp, nhược vô kiếp, nhược hữu tội, nhược vô tội, nhược hữu niệm, nhược vô niệm, huờn hư thi hình đắc A-Nậu-Đa-La Tam-Diệu Tam - Bồ - Đề, xá lợi tử qui nguyên Phật vị, tất đắc giải thoát.


DỊCH NGHĨA:

Từng trời Tạo Hoá Thiên huyền diệu có:

- Quảng sanh Phật ,
- Dưỡng Dục Phật,
- Chưởng Hậu Phật,
- Thủ Luân Phật,
- cùng với Cửu vị Nữ Phật,

Như vô số các vị Phật ở các cấp, tuân theo mệnh lệnh của Đức Phật Mẫu chưởng quản Kim Bàn Diêu Trì Cung, có khả năng tạo hóa ra vạn linh, có khả năng du hành đến các cõi trần, để nuôi dưỡng chúng sanh, trở về nguồn cội là ngôi vị Phật.

Nếu như có người Nam lành, người Nữ lành, nghe lời Ta, muốn tu hành thì phát ra lời nguyện: Nam mô Kim Bàn Phật Mẫu, nuôi dưỡng vạn linh, nếu như có sanh ra, nếu như chưa sanh ra, nếu như có kiếp sống, nếu như không có kiếp sống, nếu như có tội, nếu như không tội, nếu như có lòng tưởng niệm, nếu như không lòng tưởng niệm, trở lại cõi Hư Vô, thi hành đúng theo khuôn phép, được phẩm vị Phật Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác, Chơn thần trở về nguồn cội là ngôi vị Phật, ắt dược giải thoát.

CHÚ THÍCH

Tạo Hóa Huyền Thiên : Từng Trời Tạo Hóa Thiên huyền diệu. Đây là từng thứ 9 cao nhất của Cửu Trùng Thiên, dưới quyền chưởng quản của Đức Phật Mẫu.

Dữ: (chữ Hán) Cùng với.

Cửu Vị Nữ Phật : Cửu Vị Tiên Nương nơi Diêu Trì Cung, nhờ công quả phổ độ và giáo hóa các Chức sắc Đại Thiên Phong trong buổi đầu khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nên đã được thăng lên hàng Phật vị, gọi là Cửu Vị Nữ Phật. (Đây là cách hiểu thông thường theo 5 nấc thang tiến hóa của Chơn linh, đạt được phẩm vị Tiên rồi mới tiến lên phẩm vị Phật).

Kim Bàn Phật Mẫu: Kim Bàn hay Kim bồn là cái bồn bằng vàng đặt tại Diêu Trì Cung dùng chứa các nguyên chất để Đức Phật Mẫu tạo ra Chơn thần cho toàn cả vạn linh. Đức Phật Mẫu chưởng quản Kim Bàn nên gọi Đức Phật Mẫu là Kim Bàn Phật Mẫu.

Năng tạo năng hóa: Có đầy đủ khả năng tạo hóa ra Càn Khôn Vũ Trụ và vạn vật. Quần sanh: Đồng nghĩa với chúng sanh. Quần là nhiều người tụ họp đông đảo.

Qui nguyên Phật vị: Trở về nguồn cội là ngôi vị Phật. Dùng chữ Qui là trở về, với ý nghĩa là: Trước đây Chơn linh đã đạt được ngôi vị Phật nơi cõi thiêng liêng, nay đầu kiếp xuống trần, tu hành đắc đạo trở về ngồi lại trên ngôi vị cũ.

Dục tu phát nguyện : Dục tu là muốn tu hành, Phát nguyện là nói ra lời ước nguyện. Dục tu phát nguyện là muôn tu hành nên phát ra lời nguyện. Nếu làm tròn được lời nguyện nầy thì sẽ được phẩm vị cao trọng nơi cõi thiêng liêng.

Quần linh : Quần là nhiều người tụ họp đông đảo, linh là linh hồn hay Chơn linh. Quần linh đồng nghĩa với Vạn linh, chỉ tất cả các Chơn linh trong Càn Khôn Vũ Trụ.

Vị sanh : Chưa sanh ra. Vị là chưa.

Huờn Hư: Huờn, do chữ Hoàn nói trại ra, Hoàn là trở lại, trả lại. Hư là trống không, chỉ cõi Hư Vô, là cõi xem như trống không nhưng rất mầu nhiệm vì từ cái Không nầy mà sản xuất ra cái Có. Huờn Hư là trở lại cõi Hư Vô, tức là đắc đạo.

Thi hình: Thi là bày đặt ra, thi hành; hình là cái khuôn bằng đất để đúc đồ vật, chỉ khuôn phép. Thi hình là thi hành khuôn phép tức là áp dụng đúng các giới luật tu hành.

Xá lợi tử: Tử là cái hột. Xá lợi tử là hột Xá lợi. Đây là từ ngữ đặc biệt thường được dùng trong Phép Luyện đạo, để chỉ cái Chơn thần của người tu đắc đạo.

Trong phép Luyện đạo, Khi đã luyện được Tinh Khí Thần hiệp nhứt thì tạo được Chơn thần huyền diệu, đắc đạo thành Tiên, Phật. Cái Chơn thần nầy được các nhà tôn giáo gọi bằng nhiều danh từ khác nhau, như Tiên giáo thì gọi nó là Kim đơn, Thánh thai; Phật giáo thì gọi nó là Mâu Ni Châu, Xá lợi tử, Bổn lai diện mục.

KINH:

Phi Tưởng Diệu Thiên hữu:

- Đa Pháp Phật,
- Tịnh Thiện Giáo Phật,
- Kiến Thăng Vị Phật,
- Hiển Hóa Sanh Phật,
- Trục Tà Tinh Phật,
- Luyện Đắc Pháp Phật,
- Hộ Trì Niệm Phật,
- Khai Huyền Cơ Phật,
- Hoán Trược Tánh Phật,
- Đa Phúc Đức Phật,

Như thị đẳng hằng hà sa số chư Phật, tùng lịnh Từ Hàng Bồ Tát, năng du ta Bà Thế giới, thi pháp hộ trì vạn linh sanh chúng.

Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, tín Ngã ưng đương phát nguyện : Nam mô Từ Hàng Bồ Tát, năng cứu tật bịnh, năng cứu tam tai, năng độ tận chúng sanh thoát ư tứ khổ, năng trừ tà ma, năng trừ nghiệt chướng, tất đắc giải thoát.

DỊCH NGHĨA :

Từng Trời Phi Tưởng Thiên huyền diệu có :

- Đa Pháp Phật,
- Tịnh Thiện Giáo Phật,
- Kiến Thăng Vị Phật,
- Hiển Hóa Sanh Phật,
- Trục Tà Tinh Phật,
- Luyện Đắc Pháp Phật,
- Hộ Trì Niệm Phật,
- Khai Huyền Cơ Phật,
- Hoán Trược Tánh Phật,
- Đa Phúc Đức Phật,

Như vô số vị Phật ở các cấp, tuân theo mạng lịnh của Đức Từ Hàng Bồ Tát, có khả năng du hành đến các cõi trần, thi hành các pháp thuật huyền diệu để che chở, gìn giữ vạn linh và chúng sanh trong Càn Khôn Vũ Trụ.

Nếu như có người Nam lành, người Nữ lành, tin theo Ta, bằng lòng nhận lãnh phát ra lời nguyện : Nam mô Từ Hàng Bồ Tát, có khả năng cứu được bịnh tật, có khả năng cứu được 3 tai họa lớn, có khả năng tận độ chúng sanh, thoát khỏi nơi Tứ khổ, có khả năng trừ diệt tà ma, có khả năng trừ các nghiệt chướng, ắt được giải thoát.

CHÚ THÍCH

Phi Tưởng Diệu Thiên: Diệu là khéo léo, huyền diệu. Phi Tưởng Diệu Thiên là từng Trời Phi Tưởng Thiên huyền diệu. Đây là từng Trời thứ 8 trong Cửu Trùng Thiên, dưới quyền chưởng quản của Đức Từ Hàng Bồ Tát.

Thi pháp: Thi là sắp đặt bày ra, thi hành; Pháp là pháp thuật huyền diệu của Phật. Thi pháp là thi hành các pháp thuật huyền diệu để hộ trì người tu hành.

Hộ trì : Hộ là che chở giúp đỡ, trì là gìn giữ. Hộ trì là che chở giúp đỡ và gìn giữ.

Vạn linh Sanh chúng : Vạn linh là toàn thể các Chơn linh trong Càn Khôn Vũ Trụ, gồm đủ Bát hồn. Sanh chúng hay Chúng sanh là toàn thể các loài sanh vật (loài có sự sống) trong Càn Khôn Vũ Trụ, gồm: Thảo mộc, Côn trùng, Thú cầm, Nhơn loại.

Khi Vạn linh đầu kiếp xuống trần thì tạo thành Chúng sanh. Cho nên trong Chúng sanh có đủ Bát hồn đầu kiếp vào đó để học hỏi và tiến hóa.

Ưng đương: Ưng là bằng lòng, đương là nhận lãnh. Ưng đương là bằng lòng nhận lãnh gánh vác.

Độ tận : Tận độ, cứu giúp toàn cả nhơn sanh, không chừa sót một người nào. Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là cơ quan tận độ chúng sanh trong thời mạt kiếp nầy.

Thoát ư Tứ khổ: Thoát là ra khỏi, Ư là ở tại, Tứ khổ là 4 thứ đau khổ mà con người nơi cõi trần phải gánh chịu: Sanh, Lão, Bệnh, Tử. Đức Phật Thích Ca giải rõ tứ khổ trong Tứ Diệu Đế, giáo pháp căn bản của Phật giáo. Thoát ư Tứ Khổ là thoát ra khỏi nơi có 4 cái khổ, tức la thoát khỏi cõi trần, thoát đọa luân hồi, tất được giải thoát, trở về cõi Thiêng liêng Hằng sống.

KINH:

Hạo Nhiên Pháp Thiên hữu:

- Diệt Tướng Phật,
- Đệ Pháp Phật,
- Diệt Oan Phật,
- Sát Quái Phật,
- Định Quả Phật,
- Thành Tâm Phật,
- Diệt Khổ Phật,
- Kiên Trì Phật,
- Cứu Khổ Phật,
- Xá Tội Phật,
- Giải thể Phật,

Như thị đẳng hằng hà sa số chư Phật, tùng lịnh Chuẩn Đề Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, thường du Ta Bà Thế giới, độ tận vạn linh.

Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, tín Ngã ưng đương phát nguyện : Nam mô Chuẩn Đề Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, năng trừ ma chướng quỉ tai, năng cứu khổ ách nghiệt chướng, năng độ chúng sanh qui ư Cực Lạc, tất đắc giải thoát.

GHI CHÚ : Tụng đến đây rồi thì niệm danh mỗi vị Phật, lạy xuống 1 lạy không gật. Tất cả có 53 lần niệm, lạy 53 lạy. Tiếp theo tụng Câu Chú của Thầy 3 lần, cầu nguyện, xong lạy xuống 3 lạy, mỗi lạy 4 gật, mỗi gật niệm câu Chú của Thầy.


DỊCH NGHĨA:

Từng Trời Hạo Nhiên Thiên coi về Pháp luật, có :

- Diệt Tướng Phật,
- Đệ Pháp Phật,
- Diệt Oan Phật,
- Sát Quái Phật,
- Định Quả Phật,
- Thành Tâm Phật,
- Diệt Khổ Phật,
- Kiên Trì Phật,
- Cứu Khổ Phật,
- Xá Tội Phật,
- Giải Thể Phật,

Như vô số các vị Phật ở các cấp, tuân theo mạng lịnh của Đức Chuẩn Đề Bồ Tát và Đức Phổ Hiền Bồ Tát, thường đi du hành đến các cõi trần cứu giúp toàn cả vạn linh.

Nếu như có người Nam lành, người Nữ lành, tin theo Ta, bằng lòng nhận lãnh, phát ra lời nguyện : Nam mô Chuẩn Đề Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, có khả năng trừ diệt sự ngăn trở của ma và các tai nạn do quỉ gây ra, có khả năng cứu giúp các tai nạn khổ sở và các nghiệt chướng, có khả năng cứu giúp chúng sanh trở về nơi Cực Lạc Thế Giới, ắt được giải thoát.

CHÚ THÍCH

Hạo Nhiên Pháp Thiên: Từng Trời Hạo Nhiên Thiên coi về Pháp luật, có “Cung Chưởng Pháp xây quyền Tạo Hóa”. Đây là từng Trời thứ 7 trong Cửu Trùng Thiên, dưới quyền chưởng quản của 2 vị Bồ Tát: Đức Chuẩn Đề Bồ Tát và Đức Phổ Hiền Bồ Tát.

Hai vị Bồ Tát nầy, cũng như Đức Từ Hàng Bồ Tát, là những Đấng có đầy đủ công đức thành những vị Phật cao siêu, nhưng quí Ngài chưa muốn ngự lên ngôi vị Phật, mà muốn làm một vị Bồ Tát để đem lòng từ bi cứu giúp toàn cả chúng sanh nơi cõi trần.

Ma chướng: Chướng là sự ngăn trở che lấp. Ma chướng là sự ngăn trở che lấp của tà ma.

Quỉ tai: Tai nạn do loài quỉ gây ra.

Ma và Quỉ luôn luôn tìm cách phá hại người tu, làm cho người tu nãn lòng mà quay gót trở về thế tục. Người tu phải xem đó là những thử thách để đánh giá trình độ tu hành. Nếu thắng được ma chướng quỉ tai thì mới có thể đắc đạo, đạt được ngôi vị nơi cõi Thiêng liêng.

Qui ư Cực Lạc: qui là trở về, Ư là ở tại, nơi; Cực Lạc là chỉ Cực Lạc Thế Giới. Qui ư Cực Lạc là trở về cõi Cực Lạc Thế Giới, tức là đắc đạo, đạt được ngôi vị nơi cõi Cực Lạc Thế Giới.


KINH CỨU KHỔ:

KINH:

Nam mô Đại Từ Đại Bi Quảng Đại Linh Quan Thế Âm Bồ Tát, (3 lần)

Nam mô Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát, bá thiên vạn ức Phật, hằng hà sa số Phật, vô lượng công đức Phật.

Phật cáo A-Nan ngôn, thử kinh Đại Thánh, năng cứu ngục tù, năng cứu trọng bịnh, năng cứu tam tai, bá nạn khổ.


DỊCH NGHĨA:

Xin cầu nguyện với Đức Đại Từ Đại Bi Quảng Đại Linh Quan Thế Âm Bồ Tát, (tụng 3 lần)

Xin cầu nguyện với Đức Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát, trăm ngàn muôn ức Phật, vô số Phật, chư Phật có công đức nhiều không thể đo lường hết được.

Lời của Phật bảo Ông A-Nan, quyển kinh nầy của vị Đại Thánh (Phật), có khả năng cứu khỏi ngục tù, có khả năng cứu khỏi bịnh nặng, có khả năng cứu được 3 tai họa lớn, và trăm thứ tai nạn khổ sở.

CHÚ THÍCH

Kinh Cứu Khổ là bài kinh tụng lên để cầu nguyện với Đức Quan Thế Âm Bồ Tát thị hiện đến cứu khổ cứu nạn khi gặp trường hợp tai nạn hiểm nghèo không phương tự giải thoát được.

Nam mô: Xin cầu nguyện với. (Nam mô: do tiếng Phạn là Namah phiên âm ra, có nghĩa là: Qui y, qui mạng, chí tâm hướng, tức là quyết chí vâng theo lời Phật dạy, nguyện hiến trọn đời mình cho Đạo pháp. Về sau, từ ngữ Nam mô thường dùng làm tiếng khởi đầu cho câu cầu nguyện).

Đại Từ, Đại Bi: Đại là lớn, Từ là lòng thương tưởng lo lắng giúp ích cho cả chúng sanh được an ổn vui vẻ, Bi là lòng trắc ẩn thương cảm các cảnh khổ não của chúng sanh và muốn cứu vớt chúng sanh ra khỏi phiền não và tai họa.

Quảng đại: Lòng dạ rộng rãi. Linh: Thiêng liêng.

Quan Thế Âm Bồ Tát: Quan, cũng đọc là Quán: Xét thấu, xem xét rõ biết hết, Thế là cõi trần, Âm là tiếng nói, âm thinh, Bồ Tát là phẩm vị Bồ Tát. Quan Thế Âm Bồ Tát là vị Nữ Phật có pháp lực vô biên, có thể hiện ra 11 cái mặt, 1000 cánh tay, 1000 con mắt, để xem xét, nghe biết tiếng kêu cứu của chúng sanh khắp nơi trên cõi trần. Hễ ai thành tâm niệm tưởng và cầu cứu đến Ngài thì Ngài liền nghe biết và hiện đến cứu giúp cho tai qua nạn khỏi. Công đức của Ngài nhiều vô kể, xứng đáng đắc thành vị Phật cao siêu, nhưng Ngài vẫn muốn làm một vị Bồ Tát để thực hành Đại nguyện Cứu khổ Cứu nạn cho chúng sanh.

Trong thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Quan Thế Âm Bồ Tát vâng lịnh Đức Chí Tôn giữ chức Nhị Trấn Oai Nghiêm, cầm quyền Phật giáo.

Bá thiên vạn ức: Trăm, ngàn, muôn, 10 muôn, chỉ một số lượng nhiều lắm, không đếm hết được.

Hằng hà sa số: Nghĩa đen là: Số cát sông Hằng bên Ấn Độ. Nghĩa bóng là nhiều lắm, không đếm hết được.

Vô lượng công đức: Vô lượng là không đo lường được. Vô lượng công đức là công đức nhiều đến nỗi không thể đo lường hết được.

Phật cáo: Đức Phật bảo cho biết.

Phật cáo A-Nan ngôn: Lời của Phật bảo Ông A-Nan.

A-Nan: Tiếng Phạn là Ananda. Ông A-Nan là 1 trong 10 Đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca, sau được Nhứt Tổ Ma-Ha Ca-Diếp truyền Y bát để làm Nhị Tổ Phật giáo Ấn Độ.

Ông A-Nan nổi tiếng là người đa văn quảng kiến và có một trí nhớ tuyệt vời. Khi Đức Phật Thích Ca thuyết pháp, ông chú ý lắng nghe và nhớ được tất cả, có thể lập lại lời Phật mà không sai một tiếng. Do đó, sau khi Đức Phật tịch diệt, trong Đại Hội 500 A-La-Hán kết tập kinh điển lần thứ nhứt, ông A-Nan lên diễn đàn đọc lại tất cả lời Phật dạy một cách trung thực, ghi chép lại thành Kinh Tạng của Phật giáo.

Trong các ngôi chùa Việt Nam, trên điện thờ Phật, có đặt tượng ông A-Nan bên trái, biểu tượng bậc Thánh xem xét hư thực đúng sai trong các việc tổ chức đàn chay tại chùa.

Thử: Nầy, ấy. Thử kinh: Kinh nầy.

Đại Thánh: Bực Thánh lớn. Từ ngữ nầy dùng để gọi: bực Phật, bực Đại Tiên. Trong các bài Kinh Phật giáo, Tiên giáo, Nho giáo, Đức Nhiên Đăng Cổ Phật, Đức Thái Thượng Đạo Tổ, Đức Khổng Tử đều được gọi là Đại Thánh. Ở đây, Đại Thánh là chỉ Đức Quan Thế Âm Bồ Tát.

Năng Cứu: Có khả năng cứu giúp.

Trọng bịnh: Bịnh nặng.

Tam tại: 3 thứ tai họa lớn, gồm : Hỏa tai (tai nạn do lửa như cháy nhà), Thủy tai (tai nạn do nước như lũ, lụt, sóng thần), Phong tai (tai nạn do gió như bão tố, lốc).

Bá nạn khổ: Trăm thứ tai nạn khổ sở.

KINH:

Nhược hữu nhơn tụng đắc nhứt thiên biến, nhứt thân ly khổ nạn, tụng đắc nhứt vạn biến, hiệp gia ly khổ nạn.

Nam mô Phật lực oai, Nam mô Phật lực hộ, sử nhơn vô ác tâm, linh nhơn thân đắc độ.

Hồi Quang Bồ Tát, Hồi Thiện Bồ Tát, A-Nậu Đại Thiên Vương Chánh Điện Bồ Tát, Ma Kheo Ma Kheo, Thanh Tịnh Tỳ Kheo, quan sự đắc tán, tụng sự đắc hưu.

Chư Đại Bồ Tát, Ngũ Bá A La Hớn, cứu hộ ………(1)………ly khổ nạn.


(1)
  • Nếu Cầu Bịnh thì đọc là: “đệ tử … (họ tên của bệnh nhân) … nhứt thân”
  • Nếu cầu cho Cửu Huyền Thất Tổ thì đọc là: “Cửu Huyền Thất Tổ thoát”
  • Nếu tụng Cầu An thì đọc là: ”Chúng sanh thoát”
DỊCH NGHĨA:

Nếu như có người tụng được một ngàn biến kinh thì một mình lìa xa tai nạn khổ sở; tụng đựơc một vạn biến kinh thì trọn nhà lìa xa tai nạn khổ sở.

Xin cầu nguyện với oai lực của Phật, xin cầu nguyện với sự che chở của Phật, làm cho con người tâm không còn ác, khiến cho con người thân được độ.

Hồi Quang Bồ Tát, Hồi Thiện Bồ Tát, Vô Thượng Đại Thiên Vương Chánh Điện Bồ Tát, Chư Đại Tỳ Kheo, Thanh Tinh Tỳ Kheo, việc phiền phức ở cửa quan được tiêu tan, việc thưa kiện được bãi bỏ.

Chư vị Đại Bồ Tát, năm trăm vị Thánh A-La-Hán cứu giúp che chở ……………….. lìa xa các tai nạn khổ sở.

CHÚ THÍCH

Nhược: Nếu như. Hữu: Có. Nhơn: Người. Tụng: Tụng kinh.

Đắc: Được. Nhứt thiên: Một ngàn. (1000)

Biến: Một lượt. Một biến kinh là tụng một lượt kinh.

Nhứt thiên biến: Tụng bài Kinh nầy 1000 lần.

Tụng đắc nhứt vạn biến: Tụng được một vạn lần bài kinh nầy. Nhứt thân: Một thân nầy. Ly: Lìa xa.

Ly khổ nạn: Lìa xa tai nạn khổ sở.

Hiệp gia: Hiệp là gộp cả, gia là nhà. Hiệp gia là cả nhà, trọn nhà, nghĩa là tất cả những người trong một nhà.

Phật lực oai: Lực là sức, Oai là oai quyền. Phật lực oai là cái sức mạnh oai quyền của Phật. Phật lực hộ: Hộ là che chở giữ gìn. Phật lực hộ là cái sức hộ trì của Phật.

Sử nhơn: Sử là sai khiến, làm cho. Sử nhơn là sai khiến người, làm cho người. Vô ác tâm: Cái tâm không ác.

Linh nhơn: Linh là khiến cho. Linh nhơn là khiến cho người. Thân: Tấm thân, thân mình. Đắc độ: Được cứu giúp.

Đường thi: Bất tri can đảm hưng thùy thị,

Linh nhơn khước ức Bình Nguyên Quân.

Nghĩa là: Chẳng biết gan mật cùng ai tỏ,

Khiến người lại nhớ Bình Nguyên Quân.

Hồi: Trở về. Hồi quang: Ánh sáng phản chiếu trở lại.

Hồi thiện: Trở về điều lành.

A-nậu: Nói đầy đủ là A-Nậu-Đa-La, do phiên âm từ tiếng Phạn: Anouttara, nghĩa là Vô Thượng, cao hơn hết.

Chánh điện: Đền chánh, phần quan trọng nhất trong một đền thờ.

Ma Kheo: Nói tắt của từ ngữ: Ma-ha Tỳ-kheo. Ma-ha là đại, lớn. Ma Kheo là vị Đại Tỳ Kheo.

Tỳ Kheo: Tiếng Phạn là Bhiksu, phiên âm ra là: Bật-sô hay Tỳ Kheo. Đó là nhà sư Phật giáo giữ hạnh thanh tịnh và giữ 250 điều giới luật. Từ ngữ Tỳ Kheo có 4 nghĩa: -Tịnh khất thực, - Phá phiền não, - Tịnh trì giới, - Năng bố ma (có sức làm cho tà ma sợ sệt). Phụ nữ xuất gia tu theo hạnh Tỳ Kheo được gọi là Tỳ Kheo Ni.

Thanh tịnh: Thanh là trong sạch, tịnh cũng là trong sạch. Thanh tịnh là hoàn toàn trong sạch.

Quan sự: Những việc rắc rối của dân đem ra cửa quan giải quyết, hay những việc quan lại sách nhiễu dân chúng.

Đắc tán: Được tiêu tan hết. Tụng sự: Việc thưa kiện. Tụng là thưa kiện. Đắc hưu: Được bãi bỏ. Hưu là thôi, bỏ.

Ngũ bá A-La-Hớn: 500 vị A-La-Hán.

A-La-Hớn: hay A-La-Hán, nói tắt là La-Hán, do tiếng Phạn là Arahat, có nghĩa là: dứt phiền não, dứt sạch lỗi lầm, chẳng còn sanh ra ở cõi thế gian nữa. Đó là phẩm Thánh thứ 4 của Phật giáo. Muốn thành Bồ Tát, phải đắc La Hán trước.

Khi Đức Phật Thích Ca còn sống, Ngài chỉ thuyết pháp chớ không viết sách. Sau khi Ngài mất, Nhứt Tổ Ma-ha Ca-Diếp họp Đại hội 500 Thánh tăng học rộng, hiểu sâu, giới đức đầy đủ, đắc quả La Hán, họp tại động Tất-Ba-La, gần thành Vương xá, cử hành lễ kết tập kinh điển lần đàu tiên, tạo thành 3 Tạng kinh: Kinh, Luật, Luận. Đó là 500 vị A-La-Hán đầu tiên của Phật giáo.

Cứu hộ: Cứu là giúp đỡ cho qua lúc ngặt, hộ là trông nom che chở. Cứu hộ là giúp đỡ và che chở.

KINH:

Tự ngôn Quan Thế Âm anh lạc bất tu giải, cần độc thiên vạn biến, tai nạn tự nhiên đắc giải thoát.

Tín thọ phụng hành, tức thuyết Chơn ngôn viết: Kim-Bà Kim Bà-Đế, Cầu-Ha Cầu-Ha-Đế, Đa-La-Ni-Đế, Ni-Ha-La-Đế, Tì-Lê-Ni-Đế, Ma-Ha-Dà-Đế, Chơn-Lăng-Càn-Đế, Ta-Bà-Ha.


(Tụng xong 3 lần rồi niệm Câu Chú của Thầy 3 lần)

DỊCH NGHĨA:

Lời nói của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát tự nó trong sáng an vui, không cần phải giải thích thêm, siêng năng tụng ngàn muôn lần bài kinh, thì tai nạn tự nhiên được giải thoát.

Hãy tin theo, nhận lãnh và vâng lịnh thi hành, liền nói rõ câu Thần Chú là: Kim-Bà Kim-Bà - Đế,……..v.v….

CHÚ THÍCH

Tự: Chính mình. Ngôn: Lời nói. Tự ngôn Quan Thế Âm: Tự lời nói ấy của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát.

Anh lạc: Anh là trong sáng như ngọc, lạc là vui. Anh lạc là trong sáng an vui.

Bất tu giải: Bất là không, tu là cần thiết, giải là giải thích cho rõ ra. Bất tu giải là không cần thiết phải giải thích.

Cần độc: Cần là siêng năng, độc là tụng kinh.

Thiên vạn biến: Ngàn muôn biến kinh. Biến là một lượt kinh. Tự nhiên: Tự nó như thế.

Đắc giải thoát: Được giải thoát khỏi.

Tín thọ phụng hành: Tín là tuân theo, Thọ là nhận lãnh, Phụng là vâng theo, Hành là làm, thi hành.

Tín thọ là tin theo và thọ lãnh giáo pháp mà mình nghe được. Phụng hành là vâng lịnh mà thi hành.

Tín thọ phụng hành là tin theo và thọ lãnh giáo pháp mà mình đã nghe Phật thuyết giáp, rồi vang lịnh mà thi hành đúng như lời Phật dạy.

Thành ngữ “Tín thọ phụng hành” thường được đặt ở sau chót của những bài kinh mà Phật giảng thuyết.

Tức thuyết: Tức là liền ngay. Thuyết là giảng rõ ra. Tức thuyết là liền giảng rõ ra. Viết: Nói rằng.

Chơn ngôn: Chơn là thật, ngôn là lời nói. Tiếng Phạn: Đà-La-Ni (D’hârani) được người Tàu dịch ra là: Chơn ngôn, Thần chú, nghĩa là: những câu huyền bí có tác dụng rất linh diệu khi nhà đạo đọc ra, vừa đọc vừa bắt ấn. Những vị đạt được Chơn truyền, trong khi vừa bắt ấn vừa niệm Thần chú thì tâm của họ nhập cảnh Phật, đồng hóa với Phật.

Các Câu Chơn ngôn hay Thần chú đều bằng tiếng Phạn, và là mật ngữ, ý nghĩa rất bí mật, không thể giải thích bằng văn tự, nhưng khi đọc lên, âm ba phát ra có tác dụng rất huyền diệu về phương diện thiêng liêng vô hình, như: Trừ tà, giải bịnh, được sức hộ trì của chư Phật.

Các câu Chơn Ngôn hay Thần Chú thường có 3 chữ cuối cùng là: Ta-Bà-Ha.

Ta-Bà-Ha có nghĩa là: thành tựu, kiết tường, tiêu tai tăng phước, kính Phật chứng minh.
Chánh Tâm

Mong sao em mến hiểu lòng này,
Sắp xếp gia đình cho khéo tay,
Dành để ngày giờ hành đạo sự,
Tô bồi âm chất mới là hay.

Đức Vân Hương Thánh Mẫu, Chơn Lý Đàn, 26-01 Quý Sửu, 28-02-1973

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây