Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
26/05/2008
Chí Tín

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 27/01/2010

Tứ vô lượng tâm

Tứ vô lượng tâm là bốn phẩm hạnh cao thượng (Brahma Vihara) mà các vị Bồ tát phải thực hành trong đời hành đạo của mình để đạt đạo quả cao gồm có bốn tâm : Tâm Từ (metta), tâm Bi (Karuna) Tâm Hỉ (mudita) và tâm Xã (Upekkha).

Tứ vô lượng tâm có nghĩa là bốn cái tâm quãng đại rộng lớn không đo lường được bao la cùng khắp thiên địa vạn vật nên có thể gọi là Thiên Địa chi tâm theo  Cao Đài giáo Tâm vô lượng như Trời che bao bọc khắp vạn loài, tâm vô lượng như đất chất chứa sanh sản cây trái ngũ cốc để dưỡng dục, bảo tồn vạn loại sanh linh trên thế giới.

Theo Kinh metta sutta dạy : "Tâm từ phải được rải khắp cho mọi chúng sanh, phải bao trùm vạn vật, phải sâu rộng và đậm đà như tình thương của một Từ Mẫu đối với đứa con duy nhứt, săn sóc, bảo bọc con dầu cho nguy hiểm đến tánh mạng cũng vui lòng.

Tâm từ không phải là sự thương yêu, lòng luyến ái đối với một người nào.

Tâm từ không phải là tình huynh đệ rộng rải giữa người và người, mà phải bao trùm tất cả chúng sanh, không từ bỏ mọi sanh linh nhỏ bé nào bởi vì loài cầm thú là những đứa em xấu số của chúng ta, còn chậm tiến phải cần nhiều đến sự giúp đỡ và tình thương của chúng ta, bực đàn anh.

Tâm từ, theo Phật giáo, không phải là tình đồng chủng, tình đồng hương, cũng không phải là tình đồng chí, đồng đạo, vì những thứ tình (tâm từ) đó còn bị hạn chế trong một chí hướng, một chủ nghĩa hay một đảng phái với một nhóm người, cùng trong một quốc gia, cũng như tình đồng chủng, đồng hương chỉ có giữa một chủng tộc giữa những người cùng một xứ sở với nhau.

Nói tóm lại, tâm từ  phải vượt hẳn trên các tình huynh đệ hẹp hòi ấy. Phạm vi hoạt động của Tâm từ không bờ bến, không biên cương, không hạn định.

Tâm từ bất luận không có một sự kỳ thị nào. Nhờ tâm từ mà ta có thể xem tất cả chúng sanh là bạn hữu, là anh em trong một đại gia đình, một thế giới đại đồng nhơn loại lý tưởng.

Như ánh sáng thái dương bao trùm vạn  vật, tâm từ rải khắp đồng đều phước lành thâm diệu cho toàn thể nhơn loại không phân biệt dữ lành, bạn hay thù, giàu nghèo hay sang hèn.

Đức Phật đã nêu gương tâm từ vô lượng vô biên ấy và ban ân lành cho tất cả những người yêu kính cũng như những người ganh tỵ, oán ghét và những kẻ âm mưu ám hại Ngài được hóa giải và giác ngộ tu theo Ngài như : Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) muốn sát hại Ngài nhưng bỗng nhiên yêu mềm rơi đao và quì phục xin lỗi Ngài. Có những bệnh nhân đến trước mặt Phật xin trị bệnh, Ngài chỉ dùng ánh sáng từ huệ để ban rải cho họ hết bệnh ngay.

Đó là những sự linh hiển do lòng từ huệ (tâm từ) đem lại những hiệu lực đó mà Đức Phật bảo ngoài Đức Phật, ai ai cũng có sẵn trong người, chỉ người biết sử dụng hay không ? Nếu áp dụng với tập thể đồng đạo mà toạ thiền cầu nguyện chúng ta hợp các lòng từ huệ (tâm từ) thì chúng ta có được một khối nguồn từ điển trong lành thanh cao có thể đẩy lui tà khí bịnh tật cho tập thể đó và hồi hướng cho nhơn sanh quanh vùng. Môn sanh Cao Đài đã áp dụng có hiệu quả trong bốn mùa tu tịnh Xuân, Hạ, Thu, Đông.

Người thực hiện tâm từ đến mức cùng tột sẽ thấy mình đồng hóa với tất cả chúng sanh, không còn sự khác biệt nhân ngã giữa ta và người khiến cho chúng ta vong ngã vị tha quên mình vì mọi người, dễ dàng hòa nhập với thế giới đại đồng huynh đệ mà mọi tôn giáo chơn chánh đều hướng về để đem hạnh phúc hòa bình cho nhơn loại.

Sẽ không còn đố kỵ giữa các chi phái; cùng đồng đạo, cùng thờ một cha chung Thượng Đế, cùng đối đãi nhau trong tình huynh đệ sẽ thương yêu  giúp đỡ lẫn nhau. Hạnh  phúc thay cho nhơn loại ngày ấy!

Nếu các nước lớn giàu mạnh biết sử dụng tâm từ, lòng nhân ái của Đức Phật dạy, thì không có áp đảo các dân tộc yếu bắt buộc phải theo họ, nghịch lại thì  đem quân lực chiếm cứ đất nước người, gây chiến tranh thảm khốc không hề thương tiếc nhơn mạng, dầu dư luận thế giới  bất mãn, phản kháng.

Ôi thảm thay cho nhơn loại ! Con người "nhân bản", có gốc Thiên chân, thiên lương, thiên tánh còn chăng ? Người tu không có khí giới chỉ cầu nguyện với tâm từ hiệp điển lành thành những khối thần lực đẩy tan lần ác khí, xoá tan lần lần hận thù, gây chiến tranh tang tóc.

Tâm từ đem đến cho chúng ta nhiều lợi ích thực tế kể như sau :

1.
Người có tâm từ luôn luôn được một giấc ngủ dễ dàng an vui ngon lành vì tâm trạng không sợ sệt, không giận hờn, thù oán ai, vì không còn chấp chứa điều gì trong tâm.

2. Người có tâm từ không chiêm bao mộng mị những điều ghê sợ, xấu xa, hung dữ, dầu có mộng cũng là điều tốt  lành.

3. Ngủ với tâm từ, khi thức giấc cũng với tâm từ, con người tươi tỉnh, vui vẽ, hân hoan, tạo nên không khí hiền từ, hòa ái.

4. Người có tâm từ, với gương mặt vui tươi chào đón mọi người sẽ gặt hái cảm tình và gặp may mắn trong mọi việc vì chúng ta rải tâm từ huệ gây tình cảm dịu mát quanh chúng ta.

5. Khi thực hành đúng mức, tâm từ có năng lực đổi dữ ra lành, cảm hóa được hung hăng đổi tánh ra hiền lành, dịu dàng, dễ thương, dễ mến.


Kinh sách Phật giáo kể ra nhiều gương sáng của Đức Phật trị  được nhiều bịnh và ngừa được nhiều cử chỉ hung bạo, sát nhơn.

1.  Một hôm Đức Phật đi bát trước nhà bà Suppiỹa, bà đau một vết thương trên vế không ra đảnh lễ được.  Đức Phật liền bảo người chồng cứ đưa bà ra. Bà  rán bò ra tới cửa. Vừa thấy mặt Đức Phật vết thương của bà bỗng dưng lành lại và Bà liền mạnh khỏe như thường.

2. Có một lần vì đố kỵ thù oán Phật, một vì vương cho voi uống rượu say rồi đuổi nó chạy thẳng vào người của Phật. Nhưng khi voi tới trước mặt Phật, lòng từ của Phật bủa khắp nơi làm  cho con voi  khuất phục, quì sụp xuống trước mặt Phật.

Tâm từ có oai lực rất huyền bí, có thể gieo ảnh hưởng cho những người ở gần cũng như ở xa, một tấm lòng trong sạch đã rải ra năng lực từ ái như vậy có thể đổi dữ ra lành, hung ra kiết, đổi ác ra thiện, ánh sáng từ ái tỏa khắp nơi có thể làm cho ác thú, voi cọp, beo rắn trở nên ngoan ngoãn, hiền lành như chó mèo nuôi trong nhà. Oai lực huyền bí ấy không phải tìm ở đâu xa lạ, nó nằm trong năng lực của mọi người, nhứt là đối với các hàng chơn tu, có hành thiền lâu năm, có thể tạo nên dòng từ điển đẩy lui tà khí, bệnh chướng vây hãm con người, nhứt là những khóa tịnh tập thể với tâm từ huệ kết hợp thành khối điển lực, ảnh hưởng thấy rõ rệt đến tinh thần và sức khỏe chư tịnh viên.

Trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Đông Phương Lão Tổ có dạy môn sanh Cao Đài về hiệu năng của tâm từ như sau : "Muốn chống thiên tai sát kiếp, chỉ cần phát tâm công phu thiền định, tọa công ngồi tại tọa tràng mà phóng tinh thần gieo rải thiện duyên kết hợp với huyền linh ân điển xua đuổi sát khí. Tư tưởng càng mãnh liệt, hung sát tự khắc thối lui.Thiền định càng thâm càng giải phóng cứu người càng dễ. Trong lúc tai biến động loạn xáo trộn trên hoàn cầu là một cơ hội cho đạo hữu phát tâm gieo tư tưởng sự sống tình thương đến những nơi có tai biến, kết quả rất lớn mà tiến đạo rất mau, tu một lúc cũng bằng tu trọn đời. Dầu tu một đời mà không gặp cơ duyên cũng không bằng tu một ngày có cơ hội".

2. Tâm Bi :

Tâm Bi là lòng xúc cảm, thương xót rung động trước những sự khổ đau của chúng sanh và ý muốn xoa dịu và giúp đỡ kẻ khác bớt sự đau khổ bằng mọi phương cách, quên mình để lo hạnh phúc cho thiên hạ, có khi quên đến cả tánh mạng của mình.

Trong Kinh Vyaghrĩjakata có thuật chuyện một vị Bồ Tát tự hiến thân cho cọp mẹ và cứu đàn con đang đói.

Những kẻ nghèo nàn đói rách, những người túng thiếu cơ hàn, đau ốm, cô đơn, dốt nát, hư hèn, đời sống cơ cực lang thang không nơi trú ngụ rất cần đến tâm Bi của hàng cao thượng, không phân biệt nam nữ, không kỳ thị chủng tộc, giai cấp hay tôn giáo.

Hiện nay, thế kỷ 21, nhơn loại đã có nhiều tư nhân, đoàn thể từ thiện, phi chánh phủ, ngoài các tôn giáo động lòng trắc ẩn đã gởi giúp vật thực,  thuốc men đến cứu trợ các dân tộc nghèo khổ ở các nước Á, Phi lạc hậu, nghèo khổ.

Tuy nhiên, như muối bỏ bể, không thấm thía bao nhiêu đối với tai nạn quá lớn lao vô số kể siết nên người tu hành cần sử dụng lòng từ bi của mình mà ban rải khắp bốn phương thế giới, cầu xin dập tắt lửa hận thù vì kỳ thị dân tộc, tôn giáo, chấm dứt các sự tự sát, tự thiêu rất thảm khốc, rùng rợn.

Tâm Bi và Tâm Từ đều cùng một gốc do lòng trắc ẩn, thương xót muốn giảm đau đớn, khổ sở cho nhơn loại, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, giai cấp, nên được gọi chung làm một là Lòng từ bi.

3. Tâm Hỉ :

là tâm cao thượng thứ ba của tứ vô lượng tâm.

Hỉ ở đây không phải là cái vui mừng thường tình của thế sự, riêng tư mà là cái vui, cái hạnh phúc chung với thiên hạ, không có lòng ganh ghét đố kỵ, lòng vui vẽ chơn thật, thanh thản nên gọi là hoan hỉ nói chung.

4. Tâm xả là đức tánh thứ tư trong bốn tâm vô lượng.

Xả ở đây không có nghĩa là buông xả, bỏ phế, lãnh đạm không màng đến thế sự. Upekkha nhận định chơn chánh, không luyến ái, cũng không ghét bỏ, không ưa thích cũng không bất mãn, cũng không phiền não. Trước sóng gió phong ba người có tâm xả luôn luôn bình thản, thành công hay thất bại, tâm vẫn vững như đá,  như đồng, giữa thế tục mà không nhiễm tục như sen trong sạch. Đó là cư trần bất nhiễm trần,  như sen thanh sắc lâng lâng, vượt ngoài nhân ngã, thị phi tranh chấp nên danh vị  lợi quyền đều buông xả không để cho tâm xả phải bị vướng mắc lo âu phiền muộn, sống đời sống của bực chơn nhơn ung dung tự tại, an nhàn, thảnh thơi. Đó là Tiên Phật tại tiền. Ơn Trên đã dạy như thế.

Nói tóm lại, người tu hành đạt được bốn cái tâm vô lượng, từ bi hỷ xả, rộng lớn bao la thiên địa, hòa mình cùng trời đất, không giới hạn, biên cương, không còn nhân ngã, ta người, xem mình là thiên hạ, vui cùng  vui, buồn cùng chia xẻ. lòng từ bi bao trùm vạn loại chúng sanh, ánh sáng của lòng từ huệ chiếu sáng khắp mọi nơi, không sợ kẻ ác ám hại, thú dữ ăn thịt.

Dặm dài gánh đạo- tr.419

_________________________________________________
Đọc thêm:

BỐN PHẠM TRÚ (Tự điển Phật học-Thư Viện Hoa Sen)

Từ

慈; S: maitrī; P: mettā;

Một trong những đức hạnh cao quí tronng Phật giáo, thường được gọi chung với lòng Bi (s, p: karuṇā) là Từ-bi. Từ được xem là lòng thương yêu chúng sinh nhưng không có tính chất luyến ái. Từ là một trong những đối tượng thiền định của Thượng tọa bộ, được dùng để phát huy lòng thương yêu và đối trị sân hận. Trong phép quán này, mới đầu thiền giả hướng lòng từ đến các người thân cận, về sau mở rộng, hướng đến tất cả chúng sinh, kể cả kẻ đối nghịch. Quan niệm về lòng từ được trình bày rõ trong kinh Từ (bi) (p: mettāsutta). Từ là một trong Bốn phạm trú (s, p: brahma-vihāra).

Từ bi

慈 悲; S: maitrī-karuṇā; P: mettā-karuṇā;

Hai đức hạnh chính của đạo Phật và cũng là cơ sở tâm lí của một vị Bồ Tát. Hai đức tính này được biểu hiện qua lời nguyện cứu độ tất cả chúng sinh thoát khỏi luân hồi.

Người ta phân biệt ba loại Từ bi: 1. Tấm lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh theo lẽ thường; 2. Là kết quả của việc chứng ngộ được tính vô ngã của tất cả các pháp, là quả vị của tất cả những vị Thanh văn, Ðộc giác và Bồ Tát khi bước vào địa vị thứ nhất của Thập địa; 3. Là tấm lòng Ðại từ đại bi (s: mahāmaitrī-karuṇā) của một đức Phật, một tấm lòng từ bi tuyệt đối vô phân biệt, vô điều kiện.

Hỉ

喜 ; S, P: muditā;

Một trong Bốn phạm trú. Hỉ là niềm vui theo với hạnh phúc của người khác. Tu dưỡng tâm hỉ là nhằm đối trị tâm ganh ghét và nhằm xóa dần ranh giới giữa ta và người. Hỉ là một trong bốn tâm vô lượng của một đức Phật, đó là tâm đại hỉ khi thấy có ai rời bỏ được Khổ và Luân hồi.

Xả

捨 ; S: upekṣā; P: upekkhā;

Là xả bỏ, một trong những đức hạnh quan trọng trong đạo Phật. Xả có nội dung: 1. Tình trạng không vui không buồn, độc lập với vui buồn; 2. Tâm thức vững chắc, nằm ngoài mọi phân biệt. Trong kinh sách đạo Phật, người ta hay hiểu nghĩa thứ hai nói trên. Xả là một trong Bảy giác chi (s: bodhyaṅga; p: bojjhaṅga) và Bốn phạm trú (s, p: brahma-vihāra).

Bốn phạm trú

S, P: catur-brahmavihāra; Hán Việt: Tứ phạm trú (四 梵 住), cũng được gọi là Tứ vô lượng tâm (四 無 量 心);

Một phép thiền định, trong đó hành giả tạo điều kiện cho bốn tâm thức cao thượng phát sinh. Bốn phạm trú là: Từ(s: maitrī) vô lượng, Bi(s, p: karuṇā) vô lượng, Hỉ(s, p: muditā) vô lượng và Xả(s: upekṣā) vô lượng. Bốn tâm này đối trị bốn phiền não là sân hận, ganh tị, buồn bực và tham muốn. Trong Ðại thừa, Bốn phạm trú cũng được gọi là hạnh Ba-la-mật-đa(s: pāramitā; Lục độ). Ðó là tâm thức của Bồ Tát muốn cứu độ chúng sinh. Thực hành Bốn phạm trú, thiền giả sẽ tái sinh tại cõi Thiên(s, p: deva). Có khi Bốn phạm trú cũng được gọi là »bốn vô lượng« (vô lượng; s: apramāṇa; p: appamaññā).

Ðức Phật giảng về phép thiền định này như sau: »Có bốn vô lượng. Hỡi các tỉ-khâu, một người tràn đầy tâm từ (bi, hỉ, xả) sẽ phóng tâm đó đi một phương, hai phương, ba phương, bốn phương, rồi phía trên, phía dưới, xung quanh mình. Người đó phóng tâm đi khắp thế giới, chiếu rọi khắp nơi với tâm từ (bi, hỉ, xả), tâm thức vô lượng vắng bóng sân hận và phiền não.«

Chí Tín

Phật Tiên buổi chót đến hồng trần,
Kêu gọi người đời rõ lý chân,
Chớ để linh tâm vùi tục lụy,
Nên ngừa cám dỗ của tà thần.

Đức Quan Âm Bồ Tát, Liên Hoa Cửu Cung, 03-01 Ất Tỵ, 04-02-1965

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây