Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Người tín đồ Cao Đài có hai quyển Kinh Tổ là "Thánh Ngôn Hiệp Tuyển" của Hội Thánh đầu tiên ...
-
Tam Qui /
Theo giáo lý nhà Phật, Tam Qui là qui y Tam Bảo gồm: "Qui Y Phật, Qui Y Pháp, Qui ...
-
Cách đây hơn 80 năm, khi Ðức Thượng Ðế hạ ngọn linh cơ lần đầu tiên tại Việt Nam, tức ...
-
Trong nội bộ Cao Đài, mấy năm gần đây, thỉnh thoảng chúng ta có nghe bàn về ngày Khai Đạo, ...
-
Những giá trị phổ quát là những tinh hoa tinh thần nâng cao nhân vị vượt không gian và thời ...
-
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời Rằm tháng 10 Tân Hợi (2-12-71) THI CAO cả thay ! vi diệu thay ...
-
Thiên Lý Đàn, Tý thời 29 rạng mùng 1 tháng Giêng Canh Tuất (5-2-1970) (Đàn Giao Thừa)
-
Những ai học Dịch đều hiểu rõ và nhớ ơn các Thánh – Phục Hy, Văn Vương, Chu Công Đán và Đức ...
-
Tuy căn trí chúng sanh vô lượng, pháp môn vô lượng; hành giả không nhứt thiết phải khảo sát và ...
-
Đức Quan Thế Âm Bồ Tát dạy tại Vĩnh Nguyên Tự vào ngày 03-01-Giáp Dần (1974)
-
Ý nghĩa đầy đủ của TCH chính là ước muốn giao lưu, kết hợp giữa con người trên thế giới, ...
-
Xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên liên tiếp trong các ngày 11 đến 13-4 luôn đầy ắp người, đầy ắp ...
Bảo Trân
TUỔI TRẺ ĐẠI ĐẠO VỚI VIỆC PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA ĐẠO ĐỨC DÂN TỘC
PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG
VĂN HÓA ĐẠO ĐỨC DÂN TỘC
Phan Thị Bảo Trân
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo - Tập Đoàn Giáo Sĩ
Tóm lược. Bài viết này chủ yếu diễn giải lời dạy của Đức Lý Giáo Tông về việc cần phát huy truyền thống văn hóa đạo đức dân tộc của dân tộc Việt Nam theo đường lối Tam giáo quy nguyên, vạn giáo nhất lý và Thiên nhơn hiệp nhứt. Đây là đường hướng, chiến lược quan trọng giúp cho người tín đồ Cao Đài nói chung, tuổi trẻ Đại Đạo nói riêng góp phần thực hiện mục đích Đại Đạo là xây dựng thế đạo đại đồng.
Từ khóa: dân tộc Việt Nam, dân tộc được chọn, văn hóa đạo đức, văn hóa dân tộc, Tam giáo quy nguyên, vạn giáo nhất lý, Thiên nhơn hiệp nhứt, bản thể đại đồng nhân loại
1. Dẫn nhập
Đức Lý Đại Tiên Trưởng, Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đã dạy:
“… [hãy] làm xiển dương Thánh ý: dân tộc Việt Nam là dân tộc được chọn làm nền móng khai sáng cơ đạo. Nên cần phát huy truyền thống văn hóa đạo đức dân tộc theo đường lối Tam giáo quy nguyên, vạn giáo nhất lý và Thiên nhơn hiệp nhứt, làm nổi bật thuần túy tính chất của dân tộc mà luôn khế hợp với bản thể đại đồng nhân loại. Chư hiền cần làm sáng tỏ, sưu tập kinh điển và văn hóa dân tộc cũng như văn hóa Đông Tây để khế hợp giữa cơ đạo và văn minh toàn nhân loại.”
Lời dạy trên của Đức Lý vừa là đường hướng phát huy giáo lý Đại Đạo, vừa là chiến lược quan trọng để từng bước thực hiện mục đích của Đại Đạo là xây dựng thế đạo đại đồng: muốn xây dựng thế đạo đại đồng khắp cả nhân loại, trước tiên phải xây dựng được thế đạo đại đồng trên mảnh đất của một dân tộc, là dân tộc được chọn, là dân tộc Việt Nam. Muốn có thế đạo đại đồng trên mảnh đất Việt Nam, thì dân tộc Việt Nam cần phải phát huy những truyền thống đạo đức tốt đẹp vốn có từ lâu đời của dân tộc mình. Nhưng phải phát huy truyền thống đạo đức dân tộc theo đường lối Tam giáo quy nguyên, vạn giáo nhất lý và Thiên nhơn hiệp nhứt,… Hình ảnh một dân tộc Việt Nam với những truyền thống đạo đức dân tộc như vậy sẽ là một mẫu mực để phát huy truyền thống đạo đức dân tộc cho các dân tộc khác trên thế giới. Nếu mọi dân tộc trên thế giới đều sống lại với truyền thống đạo đức của dân tộc mình thì thế gian này sẽ đạt được thế đạo đại đồng một cách tự nhiên rồi vậy.
Chúng ta là tuổi trẻ Đại Đạo, có sức khỏe, có óc tiến thủ, chịu học hỏi, tiếp thu điều mới, có lý tưởng, có hoài bão, là có vai trò quan trọng trong việc thực hiện đường lối của Đức Lý: xiển dương Thánh ý này đến tất cả tín đồ Đại Đạo, đến dân tộc Việt Nam và cùng thực hiện nó. Vậy thì, muốn xiển dương và thực hiện cho tốt đường lối của Đức Lý, trước tiên, chúng ta cần phải hiểu cho đúng lời dạy của ngài. Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau phân tích từng ý trong đoạn Thánh giáo trên.
2. Dân tộc Việt Nam là dân tộc được chọn để làm nền móng khai sáng cơ đạo
Trước lời dạy của Đức Lý, Đức Chí Tôn đã dạy tại sao dân tộc Việt Nam được chọn làm nền móng khai sáng cơ Đạo, như sau:
“Các con là dân tộc Việt cũng như các dân tộc khác sanh trưởng tại quả địa cầu này. Tình thương Tạo Hóa cũng ban đồng cho các con cũng như các con khác, nhưng dân tộc các con đã đau khổ quá nhiều. Non sông Tổ Quốc các con đã bị giày xéo lâu đời, nhưng các con được trội hơn chúng về đức tin, về lòng đạo đức ngưỡng mộ Thượng Đế và các Đấng trọn lành. Tình thương các con không thiếu, lòng hiếu hòa các con có thừa, do đó dân tộc các con mới hạnh ngộ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Trên bốn mươi năm rồi, Thầy đem giống Đạo đến gieo trên mảnh đất hiền hòa nhưng đau khổ này để các con chung nhau vun xới, tưới nước, bón phân để hột giống đó sớm nẩy mầm đâm tược, đơm bông kết quả. Chỉ có giống này mới cứu đói vạn linh trong thời kỳ mạt kiếp này, mà trước tiên là cứu dân tộc các con.
Giống này cần phải gieo trồng càng nhiều, càng phổ biến cho quảng đại quần chúng cùng trồng mới mong đủ trái lành ngon ngọt và mới có thể cứu đói khắp nhân loại trong thời kỳ sắp tới.”
Thông qua lời dạy của Đức Chí Tôn cũng như lịch sử dân tộc, chúng ta thấy rằng dân tộc Việt Nam đã chịu nhiều đau khổ bởi ngoại xây, bởi chiến tranh trong một thời gian dài. Vậy mà trong cảnh đau khổ ấy, dân tộc Việt Nam vẫn giữ được truyền thống thương yêu, truyền thống hiếu hòa có sẵn từ lâu đời của mình, lại trội hơn các dân tộc khác về đức tin, về lòng đạo đức ngưỡng mộ Thượng Đế và các Đấng trọn lành. Cho nên Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng mới gieo hạt giống Đạo trên mảnh đất Việt Nam này – một mảnh đất hiền hòa – như là sự bù đắp cho những bất hạnh mà dân tộc Việt Nam đã gánh phải. Hạt giống Đạo ấy sẽ cứu “cái đói tinh thần” cho toàn thể vạn linh, cho mọi dân tộc trên thế giới trong thời gian sắp tới. Và hạt giống Đạo này, Đức Chí Tôn sẽ cứu dân tộc Việt Nam trước nhứt.
Thật là một niềm vinh hạnh lớn lao đối với dân tộc Việt Nam trước sự từ bi cứu độ của đấng Cha lành! Chúng ta là con cháu dân tộc Việt, phải làm sao giữ mãi và phát huy những truyền thống thương yêu, hiếu hòa, đạo đức ấy để không phụ lòng của Thượng Đế và các Đấng Thiêng Liêng, phải làm sao chung nhau vun xới, tưới nước, bón phân để hạt giống Đạo trên đất nước Việt Nam sớm nẩy mầm đâm tược, đơm bông kết quả cho nhân sanh đều cộng hưởng.
3. Phát huy truyền thống văn hóa đạo đức dân tộc theo đường lối Tam giáo quy nguyên, vạn giáo nhất lý
Tam giáo là ba nền tôn giáo lớn ở phương Đông gồm Phật giáo, Lão giáo và Nho giáo. Tam giáo đồng thời tượng trưng cho vạn giáo trên thế giới. “Tam giáo quy nguyên” nghĩa là các tôn giáo trở về (tức là thực hành) với chân truyền của tôn giáo mình. Chân truyền của một tôn giáo là lời dạy của vị giáo tổ tôn giáo ấy, cũng là giáo lý cốt lõi và thực thụ để thực hiện sứ mạng cứu độ của tôn giáo này. Khi đã trở về với chân truyền thì vạn giáo sẽ nhìn thấy “vạn giáo đồng nhất lý”. “Vạn giáo nhất lý” ở đây có nghĩa là tất cả các tôn giáo đều thấy rằng tôn giáo nào cũng đều dạy con người sống đúng đạo lý của một con người và giúp con người sau khi thoát xác có thể trở về hiệp nhất với Đạo trên phương diện tinh thần.
Tinh thần “Tam giáo quy nguyên, vạn giáo nhứt lý” là tinh thần cho rằng: dù các tôn giáo có hình thức và pháp môn khác nhau, nhưng đều cùng một mục đích là giúp con người trở nên hoàn thiện, đưa con người đến sự giải thoát trong tâm hồn, hoặc đạt được những giá trị tâm linh siêu việt. Từ đó, không có sự phân biệt, câu chấp vào hình thức khác biệt nhỏ bên ngoài, mà chỉ quan tâm đến mục đích cứu độ giống nhau ở bên trong.
Cho nên “phát huy truyền thống văn hóa đạo đức dân tộc theo đường lối Tam giáo quy nguyên, vạn giáo nhất lý” có thể được hiểu theo hai phương diện. Một là, về mặt hình thức, cho dù các hình thức văn hóa của một dân tộc có khác nhau, cho dù hình thức văn hóa của dân tộc này có khác với dân tộc khác thì các hình thức văn hóa đều phải được phát huy sao cho mang bản chất đạo đức, giúp con người, xã hội đạt được những giá trị chân, thiện, mỹ. Hai là, về mặt tinh thần, phải phát huy truyền thống văn hóa đạo đức dựa trên chân truyền của Tam giáo, ứng dụng tinh hoa của Tam giáo vào văn hóa dân tộc để giúp văn hóa dân tộc trở thành một nền văn hóa đạo đức một cách thực thụ và toàn diện.
Và khi dân tộc Việt Nam và các dân tộc khác đều có nền văn hóa đạo đức thì các dân tộc sẽ gặp nhau ở bản thể đại đồng nhân loại, là văn hóa đạo đức chung, là tình thương yêu giữa con người với con người, không phân biệt giai cấp, sắc tộc, sang hèn, là sự công bằng và tôn trọng giữa các quốc gia, dân tộc.
4. Phát huy truyền thống văn hóa đạo đức dân tộc theo đường lối Thiên nhơn hiệp nhứt
Chữ “Thiên” trong cụm “Thiên nhơn hiệp nhứt” có nhiều ý nghĩa, có thể tóm tắt trong bốn ý nghĩa sau đây :
- Thiên là những quy luật của thiên nhiên. Đó là những quy tắc có sẵn, đương nhiên trong vũ trụ, điều hòa vũ trụ, bắt buộc vạn vật phải tuân theo để duy trì sự hiện hữu và phát triển trong trật tự, an lành của toàn thể vũ trụ.
- Thiên là Thượng Đế tính, là bản tính phổ quát, nội tại, tự hữu, hằng hữu trong vạn vật, làm căn bản cho sự sinh tồn và phát triển của vạn vật. Thượng Đế tính của vạn vật là giống nhau, chỉ có sự thể hiện là khác nhau do hoàn cảnh, điều kiện khác nhau. Ví dụ, nơi sinh vật, Thượng Đế tính thể hiện qua bản năng sinh tồn. Nơi con người, Thượng Đế tính thể hiện qua nhân tính, qua tình thương đối với đối tượng khác.
- Thiên là Đức Chí Tôn của vạn linh, là Cha chung của muôn loài vạn vật. Ngài là mẫu mực, tượng trưng cho chân, thiện, mỹ của toàn thể vũ trụ. Ngài còn là Đấng cứu độ muôn đời của vạn loại. Đức Chí Tôn bảo tồn vạn loại có nhiều phương cách, mà việc khai đạo dạy đời là một trong nhiều phương cách ấy.
- Thiên là cái tâm của con người, là chính ta vậy. Khi ta trấn ngự được thất tình lục dục, hướng nội hay chú định thì tâm ta là chơn tâm. Còn khi ta bị tình thức bao che, hướng ngoại thì chơn tâm bị mờ lấp, tâm ta trở thành vọng tâm. Khi nói Thiên là tâm của con người, chúng ta thường nói về ý nghĩa tích cực của tâm: Thiên là thiên tâm của con người, là cái tâm thánh thiện, cái tâm từ, sáng tạo và bảo tồn như tâm của Tạo Hóa nơi con người.
“Thiên nhơn hiệp nhứt” có nghĩa là Trời và người như một. Hành động theo tinh thần “Thiên nhơn hiệp nhứt” có nghĩa là hành động như Trời hành động.
“Phát huy truyền thống văn hóa đạo đức dân tộc theo đường lối Thiên nhơn hiệp nhứt” nghĩa là phát huy văn hóa sao cho có tính cách:
- Hòa nhịp và tuân theo những quy luật của thiên nhiên, hài hòa với môi trường xung quanh, để xã hội con người tồn tại và phát triển trong sự an lành. Nếu nếp sống của chúng ta không tuân theo những định luật của thiên nhiên, chúng ta sẽ tự đào thải mình.
- Giữ gìn sự sinh tồn và phát triển của vạn vật, thể hiện qua sự thương yêu, nuôi dưỡng và chở che muôn vật (thảo mộc, thú cầm,...). Đây là một yếu tố mang đậm tính nhân bản trong văn hóa đạo đức. Văn hóa đạo đức không chỉ dừng lại ở tình thương giữa con người, mà còn phải là tình thương của con người dành cho muôn vật.
- Kỉnh trọng giữ gìn và phát huy chân truyền của các tôn giáo, các nền văn hóa đạo đức mà Thượng Đế đã dựng nên, tuân theo lời dạy của Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng trong sứ mạng cứu độ toàn linh trong Tam Kỳ Phổ Độ.
- Dựa trên nền tảng nhân bản, phải hợp với lòng người, tính người, phù hợp với đạo đức con người.
Ngoài ra, “theo đường lối Thiên nhơn hiệp nhứt” còn có nghĩa là phát huy văn hóa dân tộc một cách đúng lúc, kịp thời theo lời dạy của Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng. Người và Trời cùng một sứ mạng tận độ. Ví dụ như đối với lời dạy trên của Đức Lý Giáo Tông, chúng ta phải phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam một cách nhanh chóng, kịp thời sao cho Việt Nam xứng đáng là một dân tộc được chọn, Việt Nam sẽ trở thành nền móng khai sáng cơ đạo ra mọi dân tộc khác trên thế giới. Những tục lệ phi đạo đức, đồi phong bại tục cần phải được ngưng lại càng sớm càng tốt.
5. Phát huy truyền thống văn hóa đạo đức của dân tộc Việt Nam
“Bản chất của văn hóa là đạo đức” , cho nên bản chất của văn hóa dân tộc phải là văn hóa đạo đức. Hai vấn đề “văn hóa dân tộc” và “văn hóa đạo đức” gắn liền nhau như hình với bóng, tuy hai mà một.
Trong một bài Thánh giáo khác, Đức Lý Giáo Tông dạy về văn hóa đạo đức và văn hóa dân tộc như sau:
“Văn hóa đạo đức có những gì tốt đẹp sâu sắc trong lãnh vực triết học, đạo lý, thần linh học, từ nhân sinh quan đến vũ trụ quan, sự liên hệ giữa Trời và con người, sự liên hệ giữa Trời và vạn vật, sự liên hệ giữa con người và con người, sự liên hệ giữa con người và vạn vật, v.v.
Văn hóa dân tộc nói lên được tất cả những cái gì cao quý tốt đẹp của một dân tộc từ văn học, triết học, nghệ thuật, phong tục tập quán đến quốc hồn quốc túy của một dân tộc ấy.
(…) phải nói lên được sự liên hệ giữa văn hóa dân tộc với văn hóa đạo đức.”
Như đã trình bày, văn hóa dân tộc và văn hóa đạo đức gắn kết chặt chẽ với nhau, tuy hai mà một. Văn hóa dân tộc là cái “hình” thể hiện ra bên ngoài thông qua nhiều hình thức, lĩnh vực xã hội khác nhau như văn học, triết học, nghệ thuật, phong tục tập quán… Còn văn hóa đạo đức là cái “bóng”, cái hồn, cái tốt đẹp, cao quý ở bên trong thuộc về lĩnh vực tư tưởng như triết học, đạo lý, thần linh học,…
Văn hóa dân tộc Việt Nam vốn có từ lâu đời, có tính chất truyền thống, “cha truyền con nối”. Về nội dung, văn hóa dân tộc vốn mang đậm tính chất đạo đức. Về hình thức, văn hóa dân tộc rất đa dạng, phong phú.
a. Tính chất đạo đức của văn hóa dân tộc
Chúng ta có thể thấy nhiều yếu tố đạo đức thông qua quan niệm về thái độ, cách cư xử của con người Việt Nam trong một số câu ca dao, tục ngữ, bài đồng dao.
Trong gia đình, đó là lòng hiếu thảo đối ông bà, cha mẹ, sự hòa thuận giữa anh chị em, giữa vợ chồng:
“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra;
Một lòng thờ mẹ, kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”
“Anh em như thể tay chân,
Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần.”
“Chồng giận thì vợ bớt lời,
Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê.”
Đối với láng giềng, đó là tình làng nghĩa xóm, sự giúp đỡ, nương tựa lẫn nhau khi gặp khó khăn:
“Bà con xa không bằng láng giềng gần”
Đối với thầy cô, đó là lòng kính trọng, lễ phép, nhớ ơn thầy cô:
“Không thầy đố mày làm nên”
Đối với quốc gia, dân tộc, đó là tình yêu quê hương đất nước, bảo vệ non sông đất nước khi có ngoại xâm, tình thương yêu đồng bào trong một nước, là sự tôn thờ, nhớ ơn các vị khai quốc công thần, anh hùng dân tộc:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn.”
“Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba.”
Đối với sinh vật, là sự thể hiện cái tình, cái nghĩa của con người đối với loài vật:
“Con trâu là đầu cơ nghiệp”
“Trâu ơi, ta bảo trâu này,
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.
Cấy cày vốn nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy ai mà quản công.
Bao giờ cây lúa còn bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.”
Đối với các Đấng Thiêng Liêng vô hình, đó là sự kỉnh thờ, tin tưởng, cầu nguyện sự ban ơn che chở của các Đấng Thiêng Liêng:
“Lạy Trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm…”
Đối với thiên nhiên, đó là cách sống hòa nhịp cùng thiên nhiên:
“Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa”
Qua những ví dụ trên, chúng ta có thể nói văn hóa dân tộc vốn dĩ có tính chất đạo đức, chứa đựng nhiều điều “tốt đẹp sâu sắc trong lãnh vực triết học, đạo lý, thần linh học, từ nhân sinh quan đến vũ trụ quan, sự liên hệ giữa Trời và con người, sự liên hệ giữa Trời và vạn vật, sự liên hệ giữa con người và con người, sự liên hệ giữa con người và vạn vật, v.v…”
b. Tính đa dạng về hình thức của văn hóa dân tộc
Văn hóa dân tộc của Việt Nam được thể hiện thông qua rất nhiều lĩnh vực, hình thức khác nhau, như :
- Lĩnh vực giáo dục, văn chương chữ nghĩa (ca dao, tục ngữ, đồng dao, truyền thuyết, cổ tích, sách thánh hiền,…)
- Triết học (triết lý trời tròn đất vuông qua sự tích bánh chưng bánh dày,…)
- Tín ngưỡng (tôn giáo, tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng thờ phượng các bậc khai quốc công thần, anh hùng dân tộc,…)
- Nghi thức lễ bái (trong quan hôn tang tế, trong lễ hội,…)
- Luật lệ (luật lệ thi hương, thi đình,…)
- Nghệ thuật (nhạc lễ, các điệu lý, điệu hò, trò chơi dân gian, nghệ thuật sân khấu,…)
- Kiến trúc (chùa chiền, miễu thờ, văn bia,…)
- Các phong tục, tập quán khác (lễ hội, trang phục, ẩm thực,…)
Tính chất đạo đức trong các hình thức văn hóa tạo nên quốc hồn quốc túy của dân tộc Việt. Là con cháu dân tộc Việt Nam, được mệnh danh là con Rồng cháu Tiên, có truyền thống Lạc Hồng, chúng ta hãy cùng nhau duy trì và phát huy những truyền thống văn hóa đạo đức tốt đẹp đó của dân tộc mà vẫn có thể khế hợp với bản thể đại đồng nhân loại.
6. Làm nổi bật thuần túy tính chất của dân tộc mà luôn khế hợp với bản thể đại đồng nhân loại
“Làm nổi bật thuần túy tính chất của dân tộc” nghĩa là thể hiện một cách đặc sắc, rõ nét bản sắc dân tộc thông qua nội dung và các hình thức văn hóa đạo đức trong mọi môi trường, hoàn cảnh có thể với niềm tự hào dân tộc.
“Khế hợp” là kết hợp một cách hài hòa.
“Làm nổi bật thuần túy tính chất của dân tộc mà luôn khế hợp với bản thể đại đồng nhân loại” nghĩa là trong quá trình thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, về mặt hình thức, chúng ta có thể: thể hiện bản sắc riêng của dân tộc, nhưng về mặt nội dung, chúng ta phải thể hiện được bản chất đạo đức chung nhất của nhân loại, là tình thương yêu giữa con người với nhau, sự công bằng, tôn trọng giữa các quốc gia, dân tộc với nhau.
7. Làm sáng tỏ, sưu tập kinh điển và văn hóa dân tộc cũng như văn hóa đông tây để khế hợp giữa cơ đạo và văn minh toàn nhân loại
“Làm sáng tỏ, sưu tập kinh điển và văn hóa dân tộc cũng như văn hóa Đông Tây” nghĩa là sưu tập kinh điển và văn hóa dân tộc của mọi dân tộc trên thế giới, từ Đông sang Tây, từ xưa đến nay, phải tìm hiểu, giải thích cho rõ ràng những yếu tố đạo lý, tác dụng thực tiễn đối với đời sống con người mà kinh điển và các nền văn hóa đó mang đến. “Văn hóa Đông Tây” ở đây là những điều tốt đẹp trong văn minh nhân loại, bao gồm các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội, nhân văn có tính chất ảnh hưởng toàn bộ nhân loại, góp phần vào sự phát triển, tiến bộ chung của nhân loại.
Trong ngữ cảnh lời dạy của Đức Lý Giáo Tông, “cơ đạo” trước mắt là văn hóa đạo đức dân tộc. Làm khai sáng cơ đạo, trước mắt là khai sáng văn hóa đạo đức dân tộc. “Khế hợp giữa cơ đạo và văn minh nhân loại” nghĩa là làm cho văn hóa đạo đức dân tộc mang tính chất văn minh, hiện đại, chứ không cổ hủ, lạc hậu. Đảo lại, là làm cho văn minh nhân loại, trong đó có cả văn minh khoa học được thấm đượm tính chất đạo đức, nhân nghĩa trong đó. Khi đó văn hóa đạo đức dân tộc và văn minh nhân loại xem như được kết hợp chặt chẽ với nhau.
Việc sưu tập và kết hợp văn hóa dân tộc với văn hóa Đông Tây phải mang tính chất “kết tinh kim cổ, dung hòa Đông Tây”, nghĩa là chắt lọc lấy những gì tinh túy nhất, có giá trị và cần thiết nhất, đồng thời có tính chất hài hòa giữa văn hóa phương Đông với văn hóa phương Tây.
8. Hành động cụ thể để xiển dương Thánh ý
“Xiển dương” là phát triển ra ngoài, làm hiển lộ ra bên ngoài cho sáng tỏ. Trước khi muốn xiển dương Thánh ý về việc phát huy truyền thống văn hóa đạo đức dân tộc ra khắp mọi nơi, chúng ta phải tự xiển dương Thánh ý nơi bản thân mình thông qua hành động cụ thể của chính mình. Sau đây là một số gợi ý trên phương diện hành động theo đường lối mà Đức Lý Giáo Tông đã dạy:
- Luôn có ý thức tôn trọng, bảo tồn, phát huy tất cả các hình thức văn hóa đạo đức khác nhau, bao gồm văn hóa đạo đức của dân tộc Việt Nam cũng như của các dân tộc khác trên thế giới. Ngăn chặn các hình thức văn hóa phi đạo đức, thiếu vắng sự thương yêu, công bằng hay tôn trọng lẫn nhau.
- Tìm hiểu kinh điển, tài liệu văn hóa, lịch sử, giới thiệu từ nội dung đạo đức đến hình thức phong phú của các nền văn hóa dân tộc trên thế giới cho nhiều người cùng biết, đặc biệt là với thế hệ tiếp nối trong đạo.
- Duy trì, thể hiện bản sắc văn hóa đạo đức dân tộc của dân tộc Việt Nam với mọi hình thức, trong mọi hoàn cảnh có thể. Ví dụ như luôn tôn trọng các xu hướng tín ngưỡng, thực hành theo chân truyền của Tam giáo, duy trì hình thức bàn thờ Thiên đã có trong dân gian, áp dụng những yếu tố đạo đức trong ca dao, tục ngữ, thường xuyên mặc trang phục truyền thống của dân tộc hơn, v.v…
9. Kết luận
Muốn thực hiện được mục đích Đại Đạo là xây dựng “Thế đạo đại đồng” trên phạm vi toàn thế giới, thì trước tiên, chúng ta – con cháu dân tộc Việt Nam, tuổi trẻ Đại Đạo – phải gìn giữ, bảo tồn truyền thống văn hóa đạo đức dân tộc trong phạm vi dân tộc mình, từ đó mới mở rộng ra toàn thế giới. Từ tình thương yêu con người Việt Nam, đất nước Việt Nam, chúng ta phát triển thành tình thương yêu toàn thể nhân loại, từ “nghĩa nước non” đối với một dân tộc Việt Nam, chúng ta làm nảy nở, lớn mạnh thành “nghĩa đại đồng” với cả thế giới. Cả hai điều này đều góp phần làm cho cả nhân loại sống trong tình huynh đệ đại đồng, cũng là thực hiện mục đích Đại Đạo vậy. Có làm được như thế, chúng ta không những bảo tồn mà còn phát huy truyền thống văn hóa dân tộc lên một mức độ cao hơn, thành nền văn hóa đạo đức dân tộc có tầm vóc toàn thể nhân loại, hướng tới nhân loại, mới xứng đáng là con cháu của dòng giống Lạc Long, của dân tộc được chọn, như lời Đức Lê Đại Tiên dạy:
“Tình dân tộc đổi tình nhân loại,
Nghĩa nước non ra nghĩa đại đồng.”
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo. Thánh giáo nguyên bổn. Bản điện tử, lưu hành nội bộ.
[2] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo. Yếu điểm giáo lý
Đại Đạo. NXB Tôn giáo, 2006.
[3] Minh Lý Thánh Hội. Đạo Học Chỉ Nam. Bản ronéo, lưu hành nội bộ.