Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Hôm nay, tôi xin được phép dùng nội dung “Cảm ứng luận” để trình bày phần nói về cái nghĩa ...
-
THI QUAN hải non Nam dạo cảnh nhàn, ÂM thinh hạ giới chợt kêu vang, Bồ đoàn tọa thị nhìn nơi đấy, TÁT cảm ...
-
Thánh tượng Thiên Nhãn của đạo Cao Đài hiện ra lần đầu cho người đệ tử đầu tiên thấy được ...
-
Thông thường chúng ta hiểu đơn giản là Đức Đông Phương Lão Tổ dạy tịnh luyện và Đức Giáo Tông ...
-
Ở nước ta, Nho giáo đã có lịch sử rất lâu đời. Từ khi nước ta bị xâm lược và ...
-
Cách đây hơn 80 năm một sự kiện hi hữu chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại đã xảy ...
-
. . .Trở lại với chúng ta, những con người sẽ bước đi trên con đường chí hướng của cô ...
-
Tại sao Hội Thánh lại dám mạo hiểm xưng mình là Thánh Thể của Đức Chí Tôn là Đại Từ ...
-
"...Tôi không quen ghi chép sổ sách gì, nhưng nhớ. Đó là ngày 20 tháng Chạp năm Bính Dần. Hôm ...
-
Trước khi Lão muốn chỉ đường vẽ lối cho các phận sự Ngọc Minh Đài, Lão muốn nói với toàn ...
-
Trong bài DI LẠC CHƠN KINH mà người tín đồ Cao Đài thường tụng đọc vào các ngày rằm lớn, ...
-
Không tính (zh. 空, 空 性, sa. śūnya, tính từ, sa. śūnyatā, danh từ, bo. stong pa nyid སྟོང་པ་ཉིད་), nghĩa ...
Thích Phổ Huân
Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức
Giới thiệu giản lược
DUY THỨC HỌC (Logic of Knowledge) http://www.quangduc.com/luan/67duythuc.html
Thích Phổ Huân
I-Dẩn nhập
Vũ trụ bao la thiên hình vạn trạng, trước mắt chúng ta thấy được, là do sự cảm nhận; sự cảm nhận đến từ một số nhân duyên: con ngưòi và ngoại cảnh; nói cách khác từ chủ thể cái ta và khách thể ngoại giới. Và để tìm hiểu rõ ràng do đâu cảm nhận, thế giới bên ngoài thật giả ra sao, giáo lý giải thoát của Như Lai đã mở ra một chân trời pháp học đó la môn Duy Thức học.
II -Giới thiệu
Duy Thức Học còn được gọi là pháp tướng Duy Thức Học, môn học giải trình hình tướng vạn pháp trong vũ trụ qua sự hiểu biết tri nhận của con người, nghĩa là tự có thể phân biệt được (năng tri) và đối tượng được hiểu biết (sơ tri), cả hai như vậy đều là chủ thể và đối tượng hỗ tương để bày ra pháp tướng của nó. Nhưng chủ thể và khách thể lại không qua sự nhận biết dù sự nhận biết đó cũng là một pháp và việc nhận biết đó được gọi là THỨC. Chỉ có Thức (hiểu biết) mới là chánh sự của vũ trụ vạn hữu này, cho nên mới gọi là Duy Thức.
Nói đơn giản hơn, Duy thức học là pháp học nghiên tầm tra xét sự phân biệt hiểu biết của chính chúng ta, liên quan đến hiện tượng ngoại giới bên ngoài. Đây cũng là phần chính, pháp học Duy Thức được xem là môn Tâm Lý Học sâu sắc và khúc chiết nhất của triết thuyết con người. Như vậy học Duy thức để biết rõ con người mình từ đó thanh lọc, gọt rửa những sai lầm phân biệt, đạt đến giác ngộ sáng suốt, “chuyển vọng thành chân, chuyển Thức thành Trí”.
Luận về Duy Thức, mà chỉ cô đọng vài trang, tất nhiên không thể nào giải bày hết được, dù chỉ là một ít tóm lược; có chăng gọi là giới thiệu một cách đại cương (general idea), vì đây là môn học vô cùng tinh vi, tinh tế khai triển vạn pháp trong pháp giới chẳng thể nghĩ bàn này. Cho nên ở đây chúng ta đành phải nhấn mạnh đi ngay vào Tám pháp chính yếu của Tâm, được gọi là Bát Thức Tâm Vương, nơi mà chính sự khơi lên dòng Thức biến hiện, từ đó là nguyên nhân tu hành đạt đến Trí vô phân biệt.
III -Nội dung
1/ Pháp là gì.
“Phàm cái gì, tự nó có thể giữ được hình dáng hay khuôn khổ của nó, làm cho người, khi trông đến nó, biết đó là vật gì, thì gọi là “Pháp” (Nhậm trì tự tánh, quỷ sanh vật giải). [[1]]
Chúng ta có thể hiểu thêm, Pháp là tất cả, từ vật chất đến tinh thần, từ ý niệm vừa móng khởi đến sự móng khởi và cho đến những gì có không, không có (lông rùa, sừng thỏ).
2/ Định nghĩa tám Tâm Vương.
Tám pháp Tâm Vương nói lên Tâm này chính là quyền lực, là hơn hết tất cả và được ví là vua (vương). Tâm này có đến tám món (tâm pháp).
(1) Nhãn Thức (Eye consciousness): sự hiểu biết của mắt,
(2) Nhỉ thức (Ear consciousness): sự hiểu biết của tai,
(3) Tỉ thức (Nose consciousness): sự hiểu biết của mũi,
(4) Thiệt thức (Tongue consciousness): sự hiểu biết của lưỡi,
(5) Thân thức (Body consciousness): sự hiểu biết của thân,
(6) Ý thức (Mental consciousness): hiểu biết phân biệt,
(7) Mạt Na Thức (Afflicted consciousness): chấp ngã, và
(8) A Lại Da Thức (Foundation consciousness): huân tập chủng tử.
Tám món này là chính nhân nơi con người và khiến các pháp khác sinh khởi. Pháp sinh khởi có thiện, có ác, có thô, có tế…; chúng làm ta thanh tịnh cũng làm ta đọa lạc. Các pháp này được phân loại ra năm món: 1/ Tâm Sở Hữu Pháp, 2/ Sắc Pháp, 3/ Tâm Bất Tương Ưng Hành Pháp và 5/ Vô Vi Pháp; cộng lại trong năm món có đến một trăm pháp [[2]]. Đây nói lên hiện tượng tâm lý, vật lý giữa con người đối với vạn pháp trong ngoài với nhau. Và dù các pháp có là gì, hay nhiều hơn bao nhiêu nữa, thì cũng do sự cảm nhận bộc phát, từ linh hoạt của THỨC mà ra. Cho nên Kinh dạy “Tam giới duy Tâm, vạn pháp duy Thức” Câu này có nghĩa ba cõi Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới đều do tâm tạo và trong vạn pháp lăn xăn trong pháp giới vũ trụ lại do Thức sinh ra. Cũng xin lưu ý, Tâm và Thức đó là một cách biểu thị nói ra của chư Phật, chư Bồ Tát (nhà Duy Thức) phương tiện diễn giảng lập định cho dễ trình bày, dễ chia định phân loại giúp người học tiếp thu, chứ nghĩa Tâm và Thức không có khác nhau: chẳng hạn nếu không tu thì Vọng Tâm = Vọng Thức, nếu tu thì Chân Tâm = Chân Thức mà Chân Tâm là Niết Bàn cũng như Chân Thức là Trí Huệ Bát Nhã. Nói cách khác vì chưa chứng chơn, chưa liễu đạo cho nên Kinh Phật phương tiện nói Tâm nói Thức, hay nói cả hai Tâm Thức ...đến khi đạt được diệu lý giải thoát rồi thì chỉ còn lại rỗng rang vượt qua mọi nhị biên [[3]] đối đãi.
Từ trên ta biết Tâm vương là vua dẫn đầu, nên Tâm này tu thanh tịnh thì các tâm sởï khác thanh tịnh và ngược lại các tâm khác sẽ đau khổ luân hồi nếu tâm vương không tu. Tuy nhiên các tâm phụ lại đôi khi dội ngược chủ động làm Tâm Vương không tu được.
3/ Xét nghiệm tám tâm vương
Từ Nhãn thức đến Thân Thức là sự hiểu biết riêng biệt từng phần; chúng chỉ là những hiểu biết trung thành chưa tạo chuyện rắc rối khi tiếp xúc cảnh trần. Đến thức thứ sáu, bây giờ đã có vấn đề, vì sự việc vừa kể trên đã bị phân biệt, suy diễn, phán đoán rồi. Và từ vấn đề rắc rối so đo phân biệt đến mức phải chấp Ngã (chủ thể) cho nên có Thức Thứ Bảy (Mạt Na Thức); nhưng sự việc chấp này sẽ dễ dàng quên đi nếu không có chỗ ghi giữ lại, cho nên có Thức Thứ Tám (A Lại Da Thức), là nơi lưu giữ hồ sơ! Nếu không thì làm sao ta có thể nhớ được những chuyện quá khứ từ khi còn nhỏ, và cụ thể biết được, là chuyện gì đó tưởng rằng quên, nhưng hễ ai nhắc đến, liền tức khắc ta trở về nhớ lại ngay, chứng tỏ đã có nơi để cất giữ!
4/ Sai lầm của Thức.
Tất cả các pháp đều không thật có, vì không độc lập, không tự tính, chúng chỉ là các duyên hợp với nhau nên giả danh, không thật. Lấy ví dụ, cái thấy của nhãn thức khi tiếp xúc đối tượng là một bông hoa đẹp hay con người đẹp, điều này chẳng phải là thật, vì hoa và người là do vô số nhân duyên mà thành, không thể tồn tại, không thể bất biến, cho nên vô thường, biến dịch, thậm chí đến ngay cái con mắt là chủ thể thấy được cũng nhờ nhiều duyên, như: ánh sáng, khoảng cách, không gian...mới có thể thấy được. Hơn nữa nếu không có thức thứ sáu phân biệt ta chỉ có con mắt thịt, thì không thấy biết gì cả, dù sự vật vẫn ở trước mắt ta; chẳng hạn như người không để tâm {cách nói là để ý (thức) vào} thì khi nhìn bông hoa mà chẳng biết mình đang nhìn, cho nên nếu ai chợt hỏi hoa gì màu chi thì chẳng thể trả lời được. Nhưng thức thứ sáu (phân biệt) cũng chỉ phát khởi được từ năm thức trên (Nhãn thức… Thân thức). Suy ra như thế, các Thức khác còn lại cũng đều sai lầm cả. Duy chỉ có chân thức (Thánh trí, Phật) là thật. Nhưng làm sao đạt được sự thật này?
5/ Sự tu trì để chuyển Thức thành Trí.
Khi nhận định được hiện tượng thế giới là không thật, vì chúng chỉ đứng trên mặt đối đải qua bao lớp trùng trùng duyên khởi, nên ta sẽ không bám vào sự vật tiếp xúc, do vậy, ta biết tự nơi con người trên phương diện vật lý chỉ là những duyên tố kết tựu mà thành, không một tế bào nhân tố nào độc lập có thể tự tồn. Ta thấy, ta nói năng, đi đứng, ngồi, nằm đều nhịp nhàng linh động trong dòng máu lưu nhuận chạy lan khắp cơ thể, để nương nhau cùng các cơ năng khác làm việc. Do vậy cái gọi thân ta, con người ta đều là giả, đều mong manh trong một bộ máy chứa đựng hàng trăm hàng ngàn bộ phận. Nhưng bộ máy vật lý này không thể hoạt động nếu không có dòng sống tâm thức, đó là phương diện tâm lý. Chính điều này mà mỗi cử động thấy, nghe, vui, buồn… là một tràng nhân duyên vô cùng phức tạp, buộc phải hội đủ mới thành một vấn đề như thiện, ác. Và vậy những tâm sở khởi đi do Tâm vương tác động cũng không ra ngoài cái thân vật chất, và cái thân vật chất không thể thăng hoa, cao thượng tu hành nếu không có các Tâm sở thiện và các pháp khác trợ duyên vậy.
Hiểu được thế, sẽ không còn chấp vào thân này là thật, vì không thể tìm đâu thấy nó là độc lập là tự tại để làm chủ lấy mình, trong khi phải nhờ hội đủ các duyên bên trong mới tồn tại, và vì không thật nên phải sinh diệt vô thường; phải già đi, bệnh hoạn và hư hoại (chết). Các pháp bên ngoài thân, được thân nhận biết cũng lại vô thường biến đổi, cho đến các pháp chân lý trừu tượng (abstract) như ta đang học đây cũng chẳng là thật, bởi vì do ta tìm kiếm học hỏi suy luận nên phải hiện khởi, chứ tự pháp vẫn vô ngại, vô hình, vô vi, không thể nghĩ bàn, cho nên còn đối đãi, đối tượng thì còn nhị biên, dính mắc. Cuối cùng hiểu rằng, tự pháp là bất sinh bất diệt, chỉ do ta tạo ra dính mắc mà thôi. Như thế Phật dạy “Pháp còn phải bỏ huống là phi pháp” (Kinh Kim Cang).
Sau khi đã hiểu và tự hành được vậy người hành giả sẽ chuyển được năm Thức trước thành Thành Sở Tác Trí. (đạt được hiểu biết đúng như hiện lượng [[4]] không dính mắc). Thức thứ sáu (ý thức) thành Diệu Quan Sát Trí (đạt được hiểu biết tự tại không kẹt chấp phân biệt vào tỷ lượng [[5]]..Thức thứ bảy (Mạt Na Thức) thành Bình Đẳng Tánh Trí (đạt được hiểu biết chân như vô ngã). Thức thứ tám (A Lại Da Thức) thành Đại Viên Cảnh Trí (đạt được cảnh trí vô ngại, rốt ráo vượt lên tất cả, đó là cảnh giới Như thật của Phật)
IV-Tạm kết:
Vậy sự kiện xãy ra của quá khứ, hiện tại, vị lai đều do diệu dụng của sự hiểu biết hành động chính mình. Hành động đó là do THỨC. Và nếu ta không nhận hiểu được sự hiểu biết chân chánh phù hợp theo giáo lý giải thoát, thì ta sẽ phải lang thang mãi trong vọng thức si mê, mãi hoài trong sinh tử. Tóm lại học Duy Thức giúp ta thoát được hai việc chấp trước là nguyên nhân luân hồi sinh tử đó là, Chấp Ngã và Chấp Pháp.
-o0o-
Sách tham khảo
-Khảo nghiệm Duy Thức Học tác giả Thích Thắng Hoan
-Sử cương Triết học Ấn Độ tác giả Thích Quảng Liên
-Duy Thức Học tác giả Thạc Đức
-Tập Duy Thức Học cuả Tuệ Quang – Huyền Cơ Phật Học Viện (trang nhà Quảng Đức)
________________________________________
[[1]] Duy Thức nhập môn “Thích Thiện Hoa”.
[[2]] Trăm pháp bao gồm trong 5 món: Tâm Pháp có 8, Tâm sở hữu pháp có 51, Sắc pháp có 11, Tâm Bất Tương Ưng Hành Pháp có 24, Vô Vi Pháp có 6.
[[3]] Hai mặt: có, không; thiện, ác; chánh, tà; chân, vọng; Tịnh, động; Niết Bàn, địa ngục; v.v…
[[4]] Cái biết bằng trực giác, không phân biệt.
[[5]] Hiểu biết trong sự so sánh, phân biệt.