Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Đài Cao đất Việt Thiện Quang "Taynào đắp Đài Cao đất Việt Taynào xây Thánh Triết Nambang Làm cho mối đạo huy hoàng Làm cho ...
-
Hằng năm, có một trùng hợp khá đặc biệt thuộc về 2 tôn giáo lớn là lễ Đản sinh của ...
-
Kinh Thánh Thiên Chúa Giáo gồm Cựu Ước và Tân Ước. "Cựu ước" có nghĩa là "giao ước cũ", trình ...
-
Đại Đạo là con đường rộng lớn nhứt để đưa nhân loại đến đại đồng thế giới, không kỳ thị ...
-
Nhân sinh thành Phật dễ đâu Tu hành có khổ rồi sau mới thành. Hai câu thơ trong thi truyện về cuộc ...
-
Islam /
Islam is the true religion of "Allah" and as such, its name represents the central principle of Allah's "God's" religion; ...
-
(Của TRẦN HI DI TIÊN SANH) do Ngài cố Minh Thiện trích dịch năm 1960 1. Trần Lão tổ đặt bài ...
-
Tư tưởng Đạo gia 道家思想 ● Lê Anh Minh dịch TƯ KHẢO 思 考 – TRỊ THẾ 治 世 313. Bất dục ...
-
Cứ mỗi lần có dịp qua vùng Quế Võ (Bắc Ninh), khi đi vào quãng đường quen thuộc, tôi không ...
-
Sứ mạng Chung Hòa là trách nhiệm quan trọng của Nữ Phái Tam Kỳ Phổ Độ để góp công quả ...
-
Không gian và thời gian trong vũ trụ Thiện Quang Bài thuyết minh giáo lý nội bộ tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo ...
-
Thái Cực Đồ Thuyết (Tiếp Theo)
Lê Anh Minh
Đi tìm mùa xuân trường cửu
"Vị giác trì đường xuân thảo mộng, 未 覺 池 塘 春 草夢
Giai tiền ngô diệp dĩ thu thanh." 階 前 梧 葉 已 秋 聲
(Chưa cảm nhận được giấc mộng của cỏ mùa xuân bên bờ ao, thì tiếng thu đã về với xác lá ngô đồng trước thềm nhà.)
Tâm sự đó chẳng phải riêng của Chu Hi. Từ thiên cổ người xưa đã từng ưu tư về kiếp sống ngắn ngủi mà các hung thần lão suy - bệnh tật - tử vong luôn rình rập bên mình. Cổ nhân – đặc biệt là các đạo gia, đạo sĩ – đã chuyên tâm nghiên cứu những phương thức dưỡng sinh, phòng và trừ bệnh, nhất là phương thức kéo dài tuổi xuân, để trẻ mãi không già, thậm chí để trường thọ cùng trời đất. Những phương thức ấy và các kinh nghiệm luyện tập quý báu tích lũy dần qua bao đời đã hình thành một bộ môn mà các đạo sĩ gọi là nhiếp dưỡng 攝養 hay nhiếp sinh 攝生.
I. KHÁI QUÁT VỀ THUẬT NHIẾP SINH CỦA ĐẠO GIÁO
Mục tiêu tu luyện của Đạo giáo là trường sinh bất tử, là thành tiên 仙 hay chân nhân 真人, siêu xuất khỏi luân hồi và tứ khổ (sinh, lão, bệnh, tử). Nhưng trước khi đạt được cảnh giới đó, thì ngay trong cõi hiện tại, người tu tập phải kiện khang minh mẫn. Tất cả các công phu luyện dưỡng của Đạo giáo phân biệt hai phương diện rất rõ: Nhân đạo 人道 và Tiên đạo 仙道. Nhân đạo bao gồm tu dưỡng đạo đức và hành thiện, tổ chức đời sống thường ngày hợp lý, rèn luyện thân thể cho khang kiện. Tiên đạo là luyện nội đan để thành tiên. Hai phương diện này liên quan mật thiết với nhau. Nhân đạo là khởi đầu tất yếu của Tiên đạo (Làm người chưa xong, lẽ nào thành tiên cho được?) và Tiên đạo là cảnh giới thăng hoa của Nhân đạo.
Các tác giả khuyết danh của Nội Kinh 內經 đã để cho Hoàng Đế hỏi Kỳ Bá: "Ta nghe nói người thời thượng cổ sống trên trăm tuổi mà động tác không suy yếu; còn người thời nay mới 50 tuổi mà động tác đã suy yếu. Phải chăng do thời thế đổi khác hay là do tuổi thọ con người ngắn đi?’ Kỳ Bá đáp: ‘Người thượng cổ hiểu đạo dưỡng sinh, đã tuân theo quy luật biến hóa của âm dương, hòa hợp với các phép tu luyện, ăn uống có điều độ, làm việc nghỉ ngơi có chừng mực, không lao lực quá mức, cho nên thân hình và tinh thần đều khỏe mạnh, do đó hưởng trọn tuổi trời, vượt ngoài trăm tuổi. Con người thời nay thì không thế, lấy rượu để giải khát, thường làm những điều hại cho sức khỏe. Khi say rượu bèn giao hoan, để dục vọng làm cạn kiệt tinh khí, làm hao tán chân khí của mình, không biết gìn giữ cho đầy, không khéo sử dụng tinh thần của mình, cốt để thỏa lòng mà làm trái với niềm vui của đời sống chân chính, họ làm việc và nghỉ ngơi không tiết chế, cho nên mới 50 mà đã suy rồi." [1]
Cát Hồng 葛洪 (283-363) đời Đông Tấn là một nhà luyện đan và dưỡng sinh nổi tiếng. Lý luận về dưỡng sinh của ông ảnh hưởng rất mạnh trong lịch sử khí công và dưỡng sinh truyền thống của Trung Quốc. Trong chương Cực ngôn 極言 của Bão Phác Tử nội thiên 抱朴子內篇, ông nói: "Người giỏi bảo dưỡng thân thể có giờ giấc đi ngủ và thức dậy sớm trễ khác nhau tùy theo bốn mùa, sinh hoạt ban ngày có chế độ luôn điều hòa; biết điều dưỡng gân cốt thư thái, có phép tắc vận động; ngăn chận tật bệnh và xua trừ tà khí, có phép tắc nuốt nhả [thổ nạp, đạo dẫn] giúp khí huyết lưu thông tuần hoàn, có phép dùng thuốc bổ hư và tả thực; tiết chế sự lao động và nghỉ ngơi, có yếu quyết tăng giảm. Dằn cơn giận để bảo toàn âm khí, nén vui mừng để bảo dưỡng dương khí. Sau đó uống thuốc từ thảo mộc để bổ khuyết những tổn mất, rồi uống kim đan để trường thọ, nguyên lý trường sinh chỉ như vậy thôi." [2]
Kê Khang 嵇康 (Kê Thúc Dạ 嵇叔夜) – một trong Trúc Lâm Thất Hiền 竹林七賢 đời Ngụy Tấn – cũng giải rõ quan điểm dưỡng sinh của mình qua hai tác phẩm Dưỡng sinh luận 養生論 và Đáp nan dưỡng sinh luận 答難養生論. Ông cho rằng người tu tập phải chú ý đến những việc nhỏ nhặt trong sinh hoạt hằng ngày, phải bảo dưỡng trong và ngoài thân thể. Trong Dưỡng sinh luận, Kê Khang viết: "Kẻ ăn ở thái quá, ẩm thực không điều độ để sinh trăm bệnh; ham mê sắc dục không biết mệt đến mức cạn kiệt; đó là khiến cho gió lạnh và trăm thứ độc tác hại, để cho chết non chốn gian nan; người đời đều biết vui biết buồn, nhưng không giỏi giữ gìn thân thể. Để thân thể đến mức mất sự quân bình, làm mất những nhỏ nhặt; lâu ngày nhiều nhỏ nhặt mất đi dồn lại thành hao tổn, nhiều hao tổn dồn lại thành suy nhược, từ suy nhược trở nên bạc đầu, từ bạc đầu thành già nua, từ già nua dẫn đến tử vong, sầu muộn vu vơ. Kẻ căn trí trung bình trở xuống xem đó là lẽ tự nhiên, nên phóng túng, ít ai giác ngộ. Khi bắt đầu gặp tai họa thì đều than thở, nhưng họ không biết cẩn thận trước khi mọi nguy hiểm báo hiệu." [3]
Kê Khang cho rằng luyện tâm (nội dưỡng) và luyện thân (ngoại dưỡng) đều quan trọng trong nhiếp sinh, ông viết: "Tâm trống trải, yên tĩnh, thư thái; bớt suy tư và ham muốn. Biết rằng danh lợi và địa vị làm hại đức, nên bỏ qua không mưu cầu, không ham muốn nhưng không cố dồn nén cấm chỉ; thưởng thức món ăn bổ béo làm hại tính, nên bỏ đi không màng tới, không tham vọng để rồi bị ức chế. Những gì ngoài thân mà làm lụy tâm ta thì đừng lưu giữ, thần khí sẽ được thuần bạch. Thanh thản không lo sợ, yên lặng không tư lự. Rồi lại lấy lẽ Một (Đạo) để gìn giữ, lấy thái hòa để nuôi dưỡng. Sau đó dùng linh chi để khỏe mạnh, dùng nước suối ngọt để tươi nhuận, phơi nắng để khô ráo, khảy đàn để thư thái, tự đạt đến vô vi, thân tâm đều huyền diệu. Quên những cái vui giả tạm để sau được niềm vui tròn đầy, xả bỏ cái phù sinh để thân còn mãi." [4]
Cát Hồng và Kê Khang có quan điểm tương tự. Về mặt phục thực, Cát Hồng bảo cần ăn kim đan 金丹 để thành tiên, Kê Khang bảo ăn ngũ thạch tán 五石散 để bất tử. Thực sự, kim đan này thuộc về ngoại đan, chế biến từ những độc chất như chu sa. Kim đan và ngũ thạch tán nếu ta ăn vào thì trúng độc mà chết. Loại bỏ những thứ nguy hiểm ấy, những gì còn lại trong quan điểm của Cát Hồng và Kê Khang cũng rất giá trị. Chẳng hạn các ông khuyên ta giải thoát khỏi sự ràng buộc của danh lợi và dục vọng, để cho tâm hồn thanh thoát, không âu lo sầu muộn, ẩm thực các thứ bổ dưỡng trong lành như linh chi và nước suối, tắm nắng, dùng âm nhạc cho tâm thư thái.
Từ Cát Hồng về sau, nhiều đạo sĩ và dưỡng sinh gia đã ra sức hệ thống hóa lý luận và phương thức nhiếp dưỡng. Đời Nam Triều Tề Lương, Đào Hoằng Cảnh 陶弘景 (456-536) – tổ sư đời thứ 9 của Thượng Thanh Mao Sơn Tông – rất nổi tiếng với Dưỡng tính diên mệnh lục 養性延命錄. Đời Đường có đạo sĩ kiêm y gia Tôn Tư Mạc 孫思邈 (581-682), bên cạnh các đại kiệt tác y học như Thiên kim yếu phương 千金要方 và Thiên kim dực phương 千金翼方, ông còn giảng giải phép dưỡng sinh trong: Tôn chân nhân vệ sinh ca 孫真人衛生歌, Bảo sinh minh 保生銘, Tôn chân nhân nhiếp dưỡng luận 孫真人攝養論, v.v.
Ba đời Tống, Minh, Thanh càng xuất hiện nhiều dưỡng sinh gia, nổi tiếng là Trần Trực 陳直 với Dưỡng lão thọ thân thư 養老壽親書, Lưu Từ 劉詞 với Hỗn tục di sinh lục 混俗頤生錄, Lãnh Khiêm 冷謙 với Tu linh yếu chỉ 修齡要旨, Trần Kế Nhu 陳繼儒 với Dưỡng sinh phu ngữ 養生膚語, Vạn Toàn 萬全 với Dưỡng sinh tứ yếu 養生四要, Cao Liêm 高濂 với Tuân sinh bát tiên 遵生八箋, Viên Hoàng 袁黃 với Nhiếp sinh tam yếu 攝生三要, Cung Đình Hiền 龔廷賢 với Thọ thế bảo nguyên 壽世保元, Tào Đình Đống 曹廷棟 với Dưỡng sinh tùy bút 養生隨筆, v.v.
Nói chung, lý luận và phương thức nhiếp dưỡng của họ đều dựa trên cơ sở nhiếp dưỡng của Đạo giáo. Cơ sở đó là nguyên tắc bất thương 不傷 (không làm hại) và tự thận 自慎 (biết thận trọng).
II. NGUYÊN TẮC BẤT THƯƠNG VÀ TỰ THẬN
Bất thương 不傷 là "không làm hại". Nơi chương 12 của Đạo Đức kinh, Lão Tử nói: "Năm màu khiến người mù mắt. Năm giọng khiến người điếc tai. Năm mùi khiến người tê lưỡi. Ruổi rong săn bắn, khiến lòng người hóa cuồng. Của cải khó được, khiến người bị tai họa." [5] Nơi chương Đạt sinh 達生 của Nam Hoa kinh, Trang Tử nói: "Chỗ đáng sợ của con người là chuyện chăn gối và ẩm thực vô độ, thế mà họ không biết răn mình, thực là lầm lỗi lớn." [6]
Muốn được trường sinh như quan niệm của các đạo gia thời Tiên Tần, hay đạt tới cõi "vô tử địa" mà Lão Tử đã nói trong chương 50 của Đạo Đức kinh,[7] theo quan điểm của Cát Hồng là phải bất thương: "Phép dưỡng sinh lấy bất thương làm gốc." [8] Ông cho rằng người đời dễ bị tổn hại nhưng khó bảo thân. Trong lòng thì thất tình lục dục quấy nhiễu, ngoại cảnh thì thời tiết nắng mưa nóng lạnh, độc trùng mãnh thú tấn công, chiến tranh và thiên tai tàn phá, môi trường ô nhiễm và bị hủy hoại, v.v. Tổn hại có thể vì nguyên nhân khách quan, mà cũng có thể vì con người có xu hướng tự đầu độc mình bằng trà thuốc và các chất gây ảo giác, tự sát dần mòn bằng những đêm dài truy hoan, say đắm thanh sắc, ẩm thực vô độ với các chất quá bổ béo và gây kích thích, hoặc lao động miệt mài không biết thư giãn đúng cách. (Đôi khi không phải là người ta không ý thức được sự cần thiết của thân thể khang kiện; nhưng đáng tiếc, kiếp sống lầm than cơ cực trong cảnh bùn lầy nước đọng đã đẩy họ đến chỗ tàn tạ suy kiệt, tiều tụy xanh xao.)
Một điều khá khôi hài là nhiều người biết chăm chút giữ gìn đồ vật (như bảo trì xe cộ cho bền tốt, hết trung tu rồi đại tu) nhưng lại coi thường chính cái thân thể của mình, mà nó khác chi chiếc xe hay con ngựa vận tải tâm hồn của mình. Trong tác phẩm đầy ẩn dụ Tây Du Ký, Ngô Thừa Ân đã ví von thân thể của người tu (Đường Tăng) là con ngựa ông cỡi (con Long mã, do rồng biến thành, nên là ngựa thần).[9] Trên con đường thiên lý thỉnh kinh tu học lẽ nào người tu lại cỡi một "con ngựa" què quặt bệnh hoạn và ốm đói? Chính Phật Thích Ca lúc chưa thành đạo, cũng đã có lần nhận ra sai lầm của mình mà từ bỏ phép tu khổ hạnh.
Đạo gia thường nói: "Kẻ học đạo không sợ buổi sáng mà chỉ sợ buổi chiều." (Phàm vi đạo giả, thường hoạn vu vãn, bất hoạn vu tảo dã. 凡為道者常患于晚不患于早也.) Ý nói lúc còn thanh xuân, khi năng lượng tiêu hao dễ hồi phục, người ta có thể lướt qua các bệnh tật, có thể dầm mưa dãi nắng mà cũng chẳng sao, vì thế họ không biết thương xót bản thân, đã sử dụng thân xác quá độ như muốn vắt cạn kiệt mọi sức lực; nhưng khi tuổi về chiều, những hao tổn nhỏ nhặt về lâu về dài đã tích lũy lại thành ra tổn hại lớn, gây suy nhược, già sớm, và chết non. Những người trong giai đoạn tàn tạ như thế dù tu luyện cũng không cứu vãn được gì. Cho nên nhiều giáo phái của Đạo giáo đã từ chối những người già và bệnh tật nhập môn.
Cát Hồng cũng đã nêu ra những lý do làm tổn hại sinh mệnh: "Ngoài ra, tài năng chưa tới mà khổ sở mong tìm là làm hại; sức lực không đủ mà gượng thi hành là làm hại; buồn rầu ai oán đến nỗi tiều tụy là làm hại; vui sướng quá độ là làm hại; bôn ba vì dục vọng là làm hại; cười nói vui đùa lâu là làm hại; đi ngủ và nghỉ ngơi không đúng giờ là làm hại; ráng sức giương cung nỏ là làm hại; say mèm đến nỗi nôn mửa là làm hại; ăn no đi nằm ngay là làm hại; chạy nhảy để hơi thở khò khè hổn hển là làm hại; reo vui khóc lóc là làm hại; âm dương không giao hợp là làm hại; tích lũy các điều hại này quá mức sẽ chết sớm; chết sớm đâu phải là đạo dưỡng sinh." [10]
Vì sợ tổn thương nên phải biết thận trọng (tự thận 自慎). Cát Hồng nói: "Cho nên, phương pháp dưỡng sinh là: không phun nước bọt ra xa, không đi bộ nhanh, tai không ráng nghe, mắt không nhìn lâu, không ngồi quá lâu, không nằm cho đến mỏi mệt, mặc thêm áo trước khi mùa lạnh đến, cởi bớt áo trước khi mùa nóng đến, chớ để rất đói rồi mới ăn, chớ ăn no quá, chớ để thật khát rồi mới uống, chớ uống quá nhiều. Hễ ăn nhiều thì đầy bụng, uống nhiều thì sinh đàm. Chớ lao nhọc quá mà cũng chớ rảnh rang nhiều quá, chớ thức dậy muộn, chớ để đổ mồ hôi, chớ ngủ nhiều quá, chớ cỡi xe cỡi ngựa nhanh, đừng ráng căng mắt nhìn xa, chớ ăn những món sinh lạnh bụng, chớ uống rượu trước luồng gió, chớ tắm nhiều lần trong ngày, chớ có chí nguyện quá xa xôi, chớ có chế tạo những đồ vật kỳ dị tinh xảo, mùa đông chớ để quá ấm, mùa hè chớ để quá mát, đừng nằm ngoài loã thể dưới trăng sao, nằm ngủ chớ để lộ vai, chớ mạo hiểm đi lúc thời tiết xấu như rất rét, rất nóng, hay nhiều sương mù. Năm vị vào miệng thì chớ dùng thái quá bởi vì chua quá hại tỳ, đắng quá hại phổi, cay quá hại gan, mặn quá hại tim, ngọt quá hại thận; đó là cái lý tự nhiên của ngũ hành vậy." [11]
Lý luận về sự thận trọng của người nhiếp dưỡng, đạo sĩ kiêm y gia Tôn Tư Mạc đã viết thành chương Tự thận trong Nhiếp dưỡng chẩm trung phương 攝養枕中方: "Ôi đạo trời đầy vơi, việc người truân chuyên. Ăn ở khó khăn nguy hiểm, đã không thể cẩn thận mà đòi cứu giúp, thế gian làm gì có. Cho nên, kẻ nhiếp dưỡng nào chưa biết cách cẩn thận phòng tránh thì chưa đủ trình độ để bàn luận về đạo dưỡng sinh. Do đó, phải xem sự thận trọng là điều trước tiên. Ôi, thánh nhân khi yên ổn thì không quên lúc gian nguy, luôn lấy sự lo sợ làm gốc. Lo việc mà không biết lo sợ thì mọi sự hư hỏng. Kinh sách nói: ‘Kẻ không biết sợ điều đáng sợ, điều thật đáng sợ sẽ đến.’ [...] Người dưỡng tính, nếu không biết lo sợ thì tâm loạn không thể giữ yên, bề ngoài mau lẹ mà bất an, thần tán mất và khí đi, ý chí tối tăm phóng đãng, đáng sống thì chết, đáng chết thì mất, đáng thành thì bại, đáng may thì rủi." [12]
Trong việc tự thận, ta cần phải thận trọng cả tâm và thân, tâm bệnh thì thân bệnh. Cho nên trong những lời khuyên của các nhiếp sinh gia đều nêu ra những kiêng cữ lẫn lộn giữa thân và tâm. Cát Hồng cảnh giác mọi người: "Tài năng chưa tới mà khổ sở mong tìm; sức lực không đủ mà gượng thi hành; buồn rầu ai oán đến nỗi tiều tụy." Hay là: "Chớ có chí nguyện quá xa xôi." Rõ ràng là sự nhận thức sâu sắc về nguyên nhân của sự khổ tâm giống như Phật giáo đã nói: Cầu bất đắc khổ 求不得苦 (khổ do cầu mong mà không được).
Tâm khổ thì thân khổ. Tác giả chương Đạt Sinh của Nam Hoa kinh hẳn là người sành tâm lý khi kể câu chuyện của Tề Hoàn Công và Quản Trọng. Khi đi săn với Quản Trọng, Hoàn Công bỗng thấy quỷ, hỏi Quản Trọng có thấy không thì Quản Trọng nói là không. Hoàn Công lo sợ đến phát bệnh mấy ngày. Một kẻ sĩ nói: "Vua tự gây bệnh chứ quỷ nào làm hại. Khi nổi giận, tà khí tụ lại, thần tán không trở về, nguyên khí trở nên không đủ. Tà khí bốc lên mà không xuống thì sinh ra dễ giận; hạ xuống mà không bốc lên thì sinh ra chóng quên; không lên không xuống mà tích tụ ở giữa tim thì sinh bệnh." Và kẻ sĩ này đã dùng tâm lý trị liệu, ông nói với Hoàn Công rằng loại quỷ mà Hoàn Công thấy rất đặc biệt: ai thấy nó thì thành bá vương. Hoàn Công mừng quá, liền khỏi bệnh.[13]
Những ham muốn viển vông hay tham vọng quá lớn vượt xa khả năng của bản thân khiến con người dễ bệnh tâm thần, một thứ hoang tưởng hay vĩ cuồng. Cho nên dưỡng tâm hay dưỡng thân thì không gì quý hơn là trung hòa: không nghiêng về một cực đoan nào. Đạo giáo dạy trung hòa, Nho giáo dạy trung dung, Phật giáo dạy trung đạo, tất cả cũng nhằm dưỡng tâm. Tôn Tư Mạc gói ghém thuật dưỡng tâm trong 12 chữ thiểu 少 (giảm thiểu): "Kẻ nhiếp dưỡng phải giảm nghĩ ngợi, giảm ghi nhớ, giảm ham muốn, giảm công việc, giảm nói năng, giảm cười đùa, giảm u sầu, giảm sung sướng, giảm vui vẻ, giảm giận dữ, giảm ưa thích, giảm ghét bỏ. Kẻ thực hành 12 chữ giảm thiểu này mới khế hợp với đạo dưỡng sinh." [14]
III. NHIẾP SINH TÙY THEO BỐN MÙA
Người nhiếp sinh phải thuận theo tự nhiên, bởi vì con người là tiểu vũ trụ, thế giới tự nhiên là đại vũ trụ. Lã Thị Xuân Thu 呂氏春秋 viết: "Người và trời đất như nhau. Vạn vật hình tướng khác nhau nhưng bản thể thì chỉ có một. Do đó người xưa trị thân và trị thiên hạ đều bắt chước theo trời đất." [15]
Người và thiên địa vạn vật đồng nhất thể, nên phép nhiếp sinh là phải tùy thuận sự thay đổi khí tiết bốn mùa. Chương Tứ khí điều thần đại luận 四氣調神大論 của Tố vấn 素問 viết: "Âm dương và bốn mùa là căn bản của vạn vật. Vì thế thánh nhân dưỡng dương vào mùa xuân và mùa hạ, dưỡng âm vào mùa thu và mùa đông để tuân theo căn bản ấy, cùng với vạn vật nổi chìm nơi cửa sinh trưởng. Nghịch lại căn, là chặt mất gốc, làm hư hoại chân khí. Cho nên âm dương và bốn mùa là khời đầu và kết thúc của vạn vật, là gốc của sống và chết. Nghịch với nó ắt tổn hại sinh mệnh, còn thuận theo thì bệnh tật không phát sinh, đó gọi là đắc đạo vậy." [16]
Chương Bản thần 本神 của Linh Khu 靈樞 viết: "Do đó phép dưỡng sinh của bậc đại trí phải thuận theo bốn mùa, mà thích nghi với lạnh nóng, tránh vui giận mà an định sinh hoạt hằng ngày, tiết chế việc chăn gối mà điều hòa tính tình. Nếu được vậy, bệnh tật không đến, trường sinh bất tử." [17]
Quan niệm nhiếp sinh theo bốn mùa (sinh 生, trưởng 長, thu 收, tàng 藏) vốn là của Đạo giáo. Ngoài Cát Hồng, Đào Hoằng Cảnh, Tôn Tư Mạc, còn có Hứa Tốn 許遜 (với Linh Kiếm Tử 靈劍子), đạo cô Hồ Âm 胡愔 (với Huỳnh Đình Nội Cảnh ngũ tạng lục phủ bổ tả đồ 黃庭內景五臟六腑補瀉圖), Chu Thủ Trung 周守忠 (với Dưỡng sinh nguyệt lãm 養生月覽), Khương Thuế 姜蛻 (với Dưỡng sinh nguyệt lục 養生月錄), Mã Vĩnh Khanh 馬永卿 (với Lại chân tử 懶真子), Vi Hành Qui 韋行規 (với Bảo sinh nguyệt lãm 保生月覽), Triệu Hi Hộc 趙希鵠 (với Điều tiếp loại biên 調燮類編), Diêu Xứng 姚稱 (với Nhiếp sinh nguyệt lệnh 攝生月令), Khưu Xứ Cơ 邱處機 (với Nhiếp sinh tiêu tức luận 攝生消息論), v.v.[18]
Đặc điểm nhiếp sinh theo bốn mùa của Đạo giáo nói chung là cách vận khí âm dương ngũ hành phối hợp với ẩm thực ngũ vị, thổ nạp, đạo dẫn, cấm kỵ.
1. Nhiếp sinh mùa xuân
Mùa xuân vạn vật sinh sôi, thảo mộc đâm chồi nảy lộc. Chương Tứ khí điều thần đại luận của Tố Vấn viết: "Ba tháng mùa xuân là lúc phô trần cái mới, trời đất đều có sinh khí, vạn vật hân hoan hớn hở; [người ta] đêm ngủ thì sáng nên dậy sớm, bách bộ trong sân, y phục rộng rãi tóc tai thoải mái, để cho tinh thần và ý chí thuận sinh với khí tiết; [nghĩa là] để cho sinh trưởng chứ không sát hại, cho tặng chứ không tước đoạt, khen thưởng chứ không trách phạt; đó là ứng với khí xuân, là đạo nhiếp dưỡng sinh khí. Nếu làm ngược lại thì hại gan, và đến mùa hạ thì sinh bệnh có tính hàn, [bởi vì] không đủ điều kiện sinh trưởng cho mùa hạ." [19] Trong Nhiếp sinh tiêu tức luận, Khưu Xứ Cơ (đời Nguyên) đã lập lại quan điểm nói trên của Nội Kinh và giải thích: "Gan ứng với [hành] mộc, có vị chua, mộc có thể thắng thổ. Thổ thuộc về tỳ, chủ yếu có vị ngọt. Đang khi mùa xuân, thức ăn nên bớt vị chua mà tăng vị ngọt, để nuôi khí của tỳ." [20]
2. Nhiếp sinh mùa hạ
Chương Tứ khí điều thần đại luận của Tố Vấn nói: "Ba tháng mùa hạ là lúc thảo mộc sum xuê xinh đẹp, khí âm dương của trời đất giao nhau, vạn vật đơm hoa kết trái; [người ta] đêm ngủ thì sáng nên dậy sớm, đừng sợ ánh nắng mùa hạ; cứ để cho lòng khoan khoái đừng nổi giận, để cho thần khí tràn đầy, để cho dương khí trong thân phát tiết ra ngoài, như vậy sẽ thích ứng với khí hậu mùa hạ, là đạo nhiếp dưỡng trưởng khí. Nếu làm ngược thì hại tim, qua mùa thu thì bị sốt rét [bởi vì] không đủ điều kiện sinh trưởng cho mùa thu, sang đông chí thì bệnh tái phát." [21]
Để giải thích thêm điều trên đây của Nội Kinh, Khưu Xứ Cơ nói: "Ba tháng mùa hạ thuộc hỏa, chủ về trưởng dưỡng khí của tim. Hỏa vượng, vị đắng, hỏa có thể khắc kim, kim thuộc phổi, phổi chủ về cay, đang lúc mùa hạ món ăn thức uống cần giảm vị đắng mà tăng vị cay, để nuôi khí của phổi và tim." [22]
3. Nhiếp sinh mùa thu
Chương Tứ khí điều thần đại luận của Tố Vấn nói: "Ba tháng mùa thu là lúc hình trạng của vạn vật đã ổn định, khí trời gấp rút, khí đất trong sáng; [người ta] nên ngủ sớm và dậy sớm, dậy cùng lúc với gà gáy; dể cho thần chí được an ổn, để giảm bớt ảnh hưởng của khí thu đối với con người; phải thu gom thần khí, để cái khí thu được bình hòa; đừng mất sự tập trung tinh thần, để khí của phổi thanh tĩnh; như vậy sẽ thích ứng với khí hậu mùa thu, là đạo nhiếp dưỡng thu khí. Nếu làm ngược lại, sẽ làm hại phổi, qua mùa đông bị bệnh ăn không tiêu [bởi vì] không đủ điều kiện sinh trưởng cho mùa đông." [23]
Khưu Xứ Cơ giải thích: "Ba tháng mùa thu chủ về túc sát, khí của phổi vượng, vị cay, kim khắc mộc, mộc thuộc gan, gan chủ yếu chua. Đang lúc mùa thu, thức ăn món uống nên giảm vị cay mà tăng vị chua để nuôi khí của gan." [24]
4. Nhiếp sinh mùa đông
Chương Tứ khí điều thần đại luận của Tố Vấn nói: "Ba tháng mùa đông là lúc bế tàng. Nước đóng băng và đất nứt nẻ, chớ có quấy động dương khí; [người ta] nên đi ngủ sớm và dậy trễ, đợi khi mặt trời chiếu sáng rồi hãy dậy, để cho thần chí tiềm phục ẩn tàng giống như dương khí, làm như thể mình có điều bí mật (tức là để thần khí nội tàng), trong sinh hoạt tránh lạnh lẽo mà tìm ấm áp, đừng cho tiết mồ hôi khiến dương khí tổn, như vậy sẽ thích ứng với khí hậu mùa đông, là đạo nhiếp dưỡng tàng khí. Nếu làm ngược lại, sẽ làm hại thận, đến mùa xuân sẽ bị bệnh chân tay tê lạnh, [bởi vì] không đủ điều kiện sinh trưởng cho mùa xuân." [25]
Khưu Xứ Cơ giảng thêm: "Mùa này, khí dương tiềm phục trong thân, có bệnh phải nôn ra, tim và hoành cách đa nhiệt, vốn kỵ đổ mồ hôi, vì sợ tiết dương khí, cần uống một hoặc hai chung rượu ngâm thuốc bổ hoặc ngâm thuốc hái trên núi (sơn dược) để đón khí dương. Khi lạnh quá thì mặc thêm áo bông, mặc dần cho dầy và đừng mặc nhiều áo cùng một lúc. Hết lạnh thì dừøng. Đừng nổi lửa lớn mà hong sưởi, rất hại người; chân tay ứng với tim, không được hong sưởi tay vì sẽ dẫn hỏa vào tim, khiến người nóng nảy. Thức ăn món uống phải bớt vị chua mà thêm vị đắng để nuôi khí của tim. Mùa đông thận thủy có vị mặn, e rằng thủy khắc hỏa, tim sẽ bị bệnh. Cho nên phải dưỡng tim, ở trong phòng kín, mặc ấm, ăn uống điều tiết cho thích hợp nóng lạnh, không nên liều ra ngoài gió lạnh, người già càng kiêng dè." [26]
Nói chung phép nhiếp sinh bốn mùa là bắt chước sự vận động tự nhiên của bốn mùa: sinh 生, trưởng 長, thu 收, tàng 藏. Không chỉ đề ra một chế độ ẩm thực thích hợp, người luyện dưỡng còn phải thực hành hô hấp (thổ nạp), đạo dẫn, tĩnh tọa, v.v. Đồng thời họ phải tuân thủ một số cấm kỵ trong sinh hoạt thường ngày liên quan đến tâm lý, vệ sinh ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt tính dục, lao động, v.v. mà các đoạn trích dẫn trong toàn bài này đã rải rác nêu ra. ●
CHÚ THÍCH
--------------------------------------------------------------------------------
[1] ‘Dư văn thượng cổ chi nhân, xuân thu giai độ bách tuế, nhi động tác bất suy; kim thời chi nhân, niên bán bách nhi động tác giai suy giả, thời thế dị da? Nhân tương thất chi da?’ Kỳ Bá đối viết: ‘Thượng cổ chi nhân, kỳ tri đạo giả, pháp ư âm dương, hòa ư thuật số, thực ẩm hữu tiết, khởi cư hữu thường, bất vọng tác lao, cố năng hình dữ thần câu, nhi tận chung kỳ thiên niên, độ bách tuế nãi khứ. Kim thời chi nhân bất nhiên dã, dĩ tửu vi tương, dĩ vọng vi thường, túy dĩ nhập phòng, dĩ dục kiệt kỳ tinh, dĩ hao tán kỳ chân, bất tri trì mãn, bất thời ngự thần, vụ khoái kỳ tâm, nghịch ư sinh lạc, khởi cư vô tiết, cố bán bách nhi suy dã.’ ‘余 聞 上 古 之 人, 春 秋 皆 度 百 歲, 而 動 作 不 衰; 今 時 之 人, 年 半 百 而 動 作 皆衰者, 時 世 異 耶? 人 將 失 之 耶? " 岐 伯 對 曰 : "上 古 之 人, 其 知 道 者, 法 於 陰 陽, 和 於 術 數, 飲 食 有 節, 起 居 有 常, 不 妄 作 勞, 故 能 形 與 神 俱, 而 盡 終 其 天 年, 度 百 歲 乃 去. 今 時 之 人不 然 也, 以 酒 為 漿, 以 妄 為 常, 醉 以 入 房, 以 欲 竭 其 精, 以 耗 散 其 真, 不 知 持 滿, 不 時 御神, 務 快 其 心, 逆 於 生 樂, 起 居 無 節, 故 半 百 而 衰 也.’ (Tố vấn 素問 Thượng cổ thiên chân luận 上古天真論) –Dương Y Á 楊醫亞 chủ biên, Nội Kinh 內經, Hà Bắc Khoa Học Kỹ Thuật xbx (= xuất bản xã), 1994, tr. 272.
[2] Thiện nhiếp sinh giả, ngọa khởi hữu tứ thời chi tảo vãn, hưng cư hữu chí hòa chi thường chế; điều lợi cân cốt, hữu yển ngưỡng chi phương; đỗ tật nhàn tà, hữu thôn thổ chi thuật; lưu hành vinh vệ, hữu bổ tả chi pháp; tiết tuyên lao dật, hữu dữ đoạt chi yếu. Nhẫn nộ dĩ toàn âm khí, ức hỉ dĩ dưỡng dương khí. Nhiên hậu tiên tương phục thảo mộc dĩ cứu khuy khuyết, hậu phục kim đan dĩ định vô cùng, trường sinh chi lý, tận vu thử hĩ. 善攝 生 者,臥 起 有 四 時 之 早晚, 興 居 有 至 和 之 常制;調 利 筋 骨, 有 偃 仰 之 方;杜 疾 閑 邪, 有 吞 吐之 術;流 行 榮 衛,有 補 瀉 之 法;節 宣 勞 逸,有 與 奪 之 要. 忍 怒 以 全 陰 气, 抑 喜 以 養 陽 气.然 後 先將 服 草 木以 救 虧 缺, 後 服 金 丹 以 定 無窮,長 生 之 理,盡 于 此 矣. –Cố Cửu 顧久dịch chú, Bão Phác Tử Nội Thiên 抱朴子內篇, Quý Châu Nhân Dân xbx, 1995, tr. 338.
[3] Kỳ tự dụng thậm giả, ẩm thực bất tiết, dĩ sinh bách bệnh; hiếu sắc bất quyện, dĩ trí phạp tuyệt; phong hàn sở tai, bách độc sở thương, trung đạo yểu vu chúng nan, thế giai tri tiếu điệu, vị chi bất thiện trì thân dã. Chí vu thố thân thất lý, vong chi vu vi. Tích vi thành tổn, tích tổn thành suy, tòng suy đắc bạch, tòng bạch đắc lão, tòng lão đắc chung, muộn nhược vô đoan. Trung trí dĩ hạ, vị chi tự nhiên, túng thiểu giác ngộ, hàm thán hận vu sở ngộ chi sơ, nhi bất tri thận chúng hiểm vu vị triệu. 其 自 用 甚 者,飲 食 不 節,以 生 百 病;好 色 不 倦;以 致 乏 絕; 風 寒 所 災,百 毒 所 傷, 中 道 夭 于 眾 難,世 皆 知 笑 悼, 謂 之 不 善 持 身 也.至 于 措 身 失 理, 亡 之于 微.積 微 成 損, 積 損 成 衰, 從 衰 得 白.從 白 得 老, 從 老 得 終,悶 若 無 端. 中 智 以 下 謂 之 自然, 縱 少 覺 悟, 咸 嘆 恨 于 所 遇 之初, 而 不 知 慎 眾 險 于未 兆. –Phương Xuân Dương 方春陽 chủ biên, Trung Quốc khí công đại thành 中國氣功大成, Cát Lâm Khoa Học Kỹ Thuật xbx, 1999, tr. 148-149.
[4] Thanh hư tĩnh thái, thiểu tư quả dục. Tri danh vị chi thương đức, cố hốt nhi bất doanh, phi dục nhi cường cấm dã; thức hậu vị chi hại tính, cố khí nhi phất cố, phi tham nhi hậu ức dã. Ngoại vật dĩ lụy tâm bất tồn, thần khí dĩ thuần bạch độc trước. Khoáng nhiên vô ưu hoạn, tịch nhiên vô tư lự. Hựu thủ chi dĩ nhất, dưỡng chi dĩ hòa. Nhiên hậu chưng dĩ linh chi, nhuận dĩ lễ tuyền, hy dĩ triều dương, tuy dĩ ngũ huyền, vô vi tự đắc, thể diệu tâm huyền. Vong hoan nhi hậu lạc túc, di sinh nhi hậu thân tồn. 清 虛 靜 泰,少 思 寡 欲.知名 位 之 傷 德,故 忽 而 不 營, 非欲 而 疆 禁 也; 識 厚 味 之 害 性,故 棄 而 弗 顧,非 貪 而 後 抑.外 物 以累 心 不 存神 氣 以 淳 白 獨 著. 曠 然 無 憂 患,寂 然 無 思 慮.又 守 之 以 一,養 之 以 和. 然 後 烝 以 靈芝,潤 以 醴 泉,晞 以 朝 陽,綏 以 五 弦, 無 為 自 得,體 妙 心 玄.忘 歡 而 後 樂 足,遺 生 而 後 身 存. –Phương Xuân Dương chủ biên, Sđd., tr. 149.
[5] Ngũ sắc lịnh nhân mục manh. Ngũ âm lịnh nhân nhĩ lung. Ngũ vị lịnh nhân khẩu sảng. Trì sính điền liệp lịnh nhân tâm phát cuồng. Nan đắc chi hóa lịnh nhân hành phương. 五 色 令 人 目 盲. 五 音 令 人 耳 聾. 五 味 令 人 口 爽. 馳 騁 田 獵 令 人 心發 狂. 難得 之 貨 令 人 行妨. –Ninh Chí Tân 寧志新 chủ biên, Đạo giáo Thập tam kinh 道教十三經, Hà Bắc Nhân Dân xbx, 1994, tr. 11.
[6] Nhân chi sở thủ úy giả, nhẫm tịch chi thượng, ẩm thực chi gian, nhi bất tri vi chi giới giả, quá dã. 人 之 所 取 畏 者,衽 席 之 上,飲 食 之 間,而 不 知 為 之 戒 者,過 也. –Ninh Chí Tân 寧志新 chủ biên, Sđd., tr. 215.
[7] Cái văn thiện nhiếp sinh giả, lục hành bất ngộ hủy hổ; nhập quân bất bị giáp binh. Hủy vô sở đầu kỳ giác; hổ vô sở thố kỳ trảo; binh vô sở dung kỳ nhận. Phù hà cố? Dĩ kỳ vô tử địa. 蓋 聞 善 攝 生 者, 陸 行 不 遇 兕 虎, 入 軍 不 被 甲 兵. 兕 無 所 投 其 角, 虎 無 所措 其 爪, 兵 無 所 容 其 刃. 夫 何 故? 以 其 無 死 地. (Ta nghe rằng người giỏi nhiếp sinh đi trên đường không gặp tê ngưu và hổ; vào trận địa không cần mang giáp, mang gươm. Vì tê ngưu không có chỗ nào để húc; hổ không có chỗ nào để vấu; binh khí không có chỗ nào để đâm chém. Tại sao? Vì họ không có chỗ chết.) –Ninh Chí Tân 寧志新 chủ biên, Sđd., tr. 39.
[8] Dưỡng sinh dĩ bất thương vi bản. 養生以不傷為本. –Cố Cửu dịch chú, sđd.,
chương Cực ngôn, tr. 334.
[9] Xem đoạn giải mã về con Long mã của Đường Tăng trong: Lê Anh Dũng, Giải mã truyện Tây Du, ấn bản lần 2, nxb Văn Hóa Thông Tin, 1995, tr. 22.
[10] Thả hựu tài sở bất đãi nhi khốn tư chi, thương dã; lực sở bất thắng nhi cưỡng cử chi, thương dã; bi ai tiều tụy, thương dã; hỉ lạc quá sai, thương dã; cấp cấp sở dục, thương dã; cửu đàm ngôn tiếu, thương dã; tẩm tức thất thời, thương dã; vãn cung dẫn nỏ, thương dã; trầm túy ẩu thổ, thương dã; bão thực tức ngoạ, thương dã; khiêu tẩu suyễn phạp, thương dã; hoan hô khốc khấp, thương dã; âm dương bất giao, thương dã; tích thương chí tận tắc tảo vong, tảo vong phi đạo dã. 且 又 才 所 不 逮 而 困 思 之,傷 也;力 所 不 勝 而 強 舉 之, 傷 也;悲 哀 憔 悴, 傷 也;喜 樂 過 差, 傷 也;汲 汲 所 欲, 傷 也;久 談 言 笑, 傷 也;寢 息 失 時, 傷 也;挽弓 引 弩,傷 也;沈 醉 嘔 吐, 傷 也;飽 食 即 臥, 傷 也;跳 走 喘 乏,傷 也;歡 呼 哭 泣, 傷 也;陰 陽 不 交, 傷也;積 傷 至 盡 則 早 亡, 早 亡 非 道 也. –Cố Cửu dịch chú, sđd., chương Cực ngôn, tr. 337.
[11] Thị dĩ dưỡng sinh chi phương, thóa bất cập viễn, hành bất tật bộ, nhĩ bất cực thính, mục bất cửu thị, tọa bất chí cửu, ngọa bất cập bì, tiên hàn nhi y, tiên nhiệt nhi giải, bất dục cực cơ nhi thực, thực bất quá bão, bất dục cực khát nhi ẩm, ẩm bất quá đa. Phàm thực quá tắc kết tích tập, ẩm quá tắc thành đàm tích. Bất dục thậm lao thậm dật, bất dục khởi vãn, bất dục hãn lưu, bất dục đa thụy, bất dục bôn xa tẩu mã, bất dục cực mục viễn vọng, bất dục đa đạm sinh lãnh, bất dục ẩm tửu đương phong, bất dục sổ sổ mộc dục, bất dục quảng chí viễn nguyện, bất dục qui tạo dị xảo, đông bất dục cực ôn, hạ bất dục cùng lương, bất lộ ngọa tinh hạ, bất miên trung kiến kiên, đại hàn đại nhiệt, đại phong đại vụ, giai bất dục mạo chi. Ngũ vị nhập khẩu, bất dục thiên đa, cố toan đa thương tỳ, khổ đa thương phế, tân đa thương can, hàm đa tắc thương tâm, cam đa tắc thương thận, thử ngũ hành tự nhiên chi lý dã. 是 以 養 生 之 方, 唾 不 及 遠, 行 不 疾 走, 耳 不 極 聽, 目 不 久 視, 坐 不 至久, 臥 不 及 疲, 先 寒 而 衣, 先 熱 而 解, 不 欲 極 饑 而 食, 食 不 過 飽,不 欲 極 渴 而 飲, 飲 不 過多.凡 食 過 則 結 積 聚, 飲 過 則 成 痰 癖.不 欲 甚 勞 甚 逸 不欲 起 晚, 不 欲 汗 流, 不 欲 多 睡,不 欲 奔車 走 馬, 不 欲 極 目 遠 望, 不 欲 多 啖 生 冷, 不 欲 飲 酒 當 風,不 欲 數 數 沐 浴, 不 欲 廣 志 遠 愿, 不 欲 規 造 異 巧,冬 不 欲 極 溫,夏 不 欲 窮 涼, 不 露 臥 星 下, 不 眠 中 見 肩, 大 寒 大 熱, 大 風 大霧, 皆 不 欲 冒 之. 五 味 入 口, 不 欲 偏 多, 故 酸 多 傷 脾, 苦 多 傷 肺, 辛 多 傷 肝,鹹 多 則 傷 心, 甘 多 則 傷 腎, 此 五 行 自 然 之 理也. –Cố Cửu dịch chú, sđd., chương Cực ngôn, tr. 338.
[12] Phù thiên đạo doanh khuyết, nhân sự đa truân. Cư xử truân nguy, bất năng tự thận, nhi năng khắc tế giả, thiên hạ vô chi. Cố dưỡng tính chi sĩ, bất tri tự thận chi phương, vị túc dữ luận dưỡng sinh chi đạo dã. Cố dĩ tự thận vi thủ yên. Phù thánh nhân an bất vong nguy, hằng dĩ ưu úy vi bản. Doanh vô sở úy kỵ tắc thứ sự đọa hoại. Kinh viết: ‘Nhân bất úy uy tắc đại uy chí hĩ.’ [...] Dưỡng tính giả thất kỳ ưu úy tắc tâm loạn nhi bất trị, hình táo nhi bất ninh, thần tán nhi khí việt, chí đãng nhi ý hôn, ưng sinh giả tử, ưng tử giả vong, ưng thành giả bại, ưng cát giả hung. 夫 天 道 盈 缺,人 事 多 屯. 居 處 屯 危, 不 能 自 慎 而 能 克 濟者, 天 下 無 之. 故 養 性 之 士, 不 知 自 慎 之 方, 未 足 與 論 養 生 之道 也. 故 以 自 慎 為 首 焉. 夫聖 人 安 不 忘 危, 恆 以 憂 畏 為 本. 營 無 所 畏 忌 則 庶事 墮 壞 經 曰 : "人 不 畏 威 則 大 威 至 矣." [...] 養 性 者 失 其 憂 畏 ,則 心 亂 而 不 治, 形 躁 而 不 寧, 神 散 而 氣 越, 志 蕩 而 意 昏,應 生 者死 應 死 者亡, 應 成 者 敗, 應 吉 者 凶. –Vương Tây Bình 王西平 & Vương Vĩnh Khang 王永康 sưu tập, Đạo gia nhiếp sinh bí pháp 道家攝生秘法, Nội Mông Cổ Nhân Dân xbx, 1993, tr.
13-14.
[13] Ninh Chí Tân chủ biên, Sđd., tr. 215.
[14] Phù dưỡng tính giả đương thiểu tư, thiểu niệm, thiểu dục, thiểu sự, thiểu ngữ, thiểu tiếu, thiểu sầu, thiểu lạc, thiểu hỉ, thiểu nộ, thiểu háo, thiểu ố. Hành thử thập nhị thiểu giả, dưỡng sinh chi đô khế dã. 夫 養 性 者 當 少 思,少 念,少 欲, 少 事,少 語,少 笑, 少 愁, 少 樂, 少 喜, 少 怒, 少 好, 少 惡. 行 此 十 二 少 者,養 生 之 都 契 也. (Nhiếp dưỡng chẩm trung phương) –Vương Tây Bình & Vương Vĩnh Khang sưu tập, Sđd., tr. 15.
[15] Nhân chi dữ thiên địa dã đồng. Vạn vật chi hình tuy dị, kỳ tình nhất thể dã. Cố cổ chi trị thân dữ thiên hạ giả, tất pháp thiên địa dã. 人 之 與 天 地 也 同. 萬 物 之 形 雖 異 其情 一 體 也. 故 古 之 治 身 與 天 下 者, 必 法 天 地也. –Dẫn theo Hác Cần 郝勤 chủ biên, Đạo tại dưỡng sinh 道在養生, Tứ Xuyên Nhân Dân xbx, tr. 278.
[16] Phù tứ thời âm dương giả, vạn vật chi căn bản dã. Sở dĩ thánh nhân xuân hạ dưỡng dương, thu đông dưỡng âm, dĩ tòng kỳ căn, cố dữ vạn vật phù trầm vu sinh trưởng chi môn. Nghịch kỳ căn, tắc phạt kỳ bản, hoại kỳ chân hĩ. Cố âm dương tứ thời giả, vạn vật chi thủy chung dã, tử sinh chi bản dã, nghịch chi tắc tai hại sinh, tòng chi tắc kha tật bất khởi, thị vị đắc đạo. 夫 四 時 陰 陽 者,萬物 之 根 本 也.所 以 聖 人 春 夏 養陽,秋 冬 養 陰,以 從 其 根,故 與 萬 物 浮 沉 于生 長 之 門.逆 其 根,則 伐其 本,壞 其 真 矣.故 陰 陽 四 時 者,萬 物 之 始 終 也,死 生 之 本 也,逆 之 則 災 害 生,從 之 則 苛 疾 不起,是 謂 得 道. –Dương Y Á chủ biên, Sđd., tr. 283.
[17] Cố trí giả chi dưỡng sinh dã, tất thuận tứ thời nhi thích hàn thử, hòa hỉ nộ nhi an cư xử, tiết âm dương nhi điều cương nhu, như thị tắc tịch tà bất chí, trường sinh cửu thị. 故 智 者 養 生 也, 必 順 四 時 而 適 寒暑, 和 喜 怒 而 安 居 處, 節陰 陽 而 調 剛 柔, 如 是 則 僻 邪 不 至, 長 生 久 視. –Phó Trinh Lượng 傅貞亮 chủ biên, Nội Kinh giảng nghĩa 內經講義, Hồ Nam Khoa Học Kỹ Thuật xbx, 1995, tr. 100.
[18] Hác Cần, Sđd., tr. 280.
[19] Xuân tam nguyệt, thử vị phát trần, thiên địa câu sinh, vạn vật dĩ vinh; dạ ngọa tảo khởi, quảng bộ ư đình, bị phát hoãn hình, dĩ sử chí sinh; sinh nhi vật sát, dữ nhi vật đoạt, thưởng nhi vật phạt, thử xuân khí chi ứng, dưỡng sinh chi đạo dã. Nghịch chi tắc thương can, hạ vi hàn biến, phụng trưởng giả thiểu. 春 三 月, 此 謂 發 陳, 天 地 俱 生, 萬 物 以 榮; 夜 臥 早 起, 廣 步 於 庭, 被髮 緩 形, 以 使 志 生; 生 而 勿 殺, 予 而 勿 奪, 賞 而 勿 罰, 此 春 氣 之 應, 養 生 之 道 也. 逆 之 則傷 肝, 夏 為 寒 變, 奉 長 者 少. –Dương Y Á chủ biên, Sđd., tr. 278.
[20] Can mộc vị toan, mộc năng thắng thổ, thổ thuộc tỳ, chủ cam. Đương xuân chi thời, thực vị nghi giảm toan ích cam, dĩ dưỡng tỳ khí. 肝 木 味 酸, 木 能勝 土, 土 屬 脾 主 甘. 當 春 之 時, 食 味 宜 減 酸 益 甘, 以 養 脾 氣. (Dưỡng sinh tiêu tức luận) –Vương Tây Bình & Vương Vĩnh Khang sưu tập, Sđd., tr. 67.
[21] Hạ tam nguyệt, thử vị phiền tú. Thiên địa khí giao, vạn vật hoa thực; dạ ngọa tảo khởi, vô yếm ư nhật; sử chí vô nộ, sử hoa anh phát tú, sử khí đắc tiết, nhược sở ái tại ngoại, thử hạ khí chi ứng, dưỡng trưởng chi đạo dã. Nghịch chi tắc thương tâm, thu vi giai ngược, phụng thu giả thiểu, đông chí trùng bệnh. 夏 三 月, 此 謂 蕃 秀. 天 地 氣 交, 萬 物華 實; 夜 臥 早 起, 無 厭 於 日; 使 志 無 怒, 使 華 英 成 秀, 使 氣 得 泄, 若 所 愛 在 外, 此 夏 氣 之應, 養 長 之 道 也. 逆 之 則 傷 心, 秋 為 痎 瘧, 奉 收 者 少, 冬 至 重 病. –Dương Y Á chủ biên, Sđd., tr. 278.
[22] Hạ tam nguyệt thuộc hỏa, chủ vu trưởng dưỡng tâm khí. Hỏa vượng, vị thuộc khổ, hỏa năng khắc kim, kim thuộc phế, phế chủ tân; đương hạ ẩm thực chi vị, nghi giảm khổ tăng tân, dĩ dưỡng phế tâm khí. 夏 三 月 屬 火,主 于 長 養 心 氣. 火 旺, 味 屬 苦, 火 能 克 金, 金 屬 肺,肺主 辛; 當 夏 飲 食 之 味, 宜 減 苦 增 辛, 以 養 肺 心 氣. (Dưỡng sinh tiêu tức luận) – Vương Tây Bình & Vương Vĩnh Khang sưu tập, Sđd., tr. 69.
[23] Thu tam nguyệt, thử vị dung bình, thiên khí dĩ cấp, địa khí dĩ minh; tảo ngọa tảo khởi, dữ kê câu hưng; sử chí an ninh, dĩ hoãn thu hình; thu liễm thần khí, sử thu khí bình; vô ngoại kỳ chí, sử phế khí thanh, thử thu khí chi ứng, dưỡng thu chi đạo dã. Nghịch chi tắc thương phế, đông vi tôn tiết, phụng tàng giả thiểu. 秋 三 月, 此 謂 容 平, 天 氣以 急, 地 氣 以 明; 早 臥 早 起, 與 雞 俱 興; 使 志 安 寧, 以 緩 秋 刑; 收 斂 神 氣, 使 秋 氣 平; 無 外其 志, 使 肺 氣 清, 此 秋 氣 之 應, 養 收 之 道 也. 逆 之 則 傷 肺, 冬 為 飧 泄, 奉 藏 者 少. – Dương Y Á chủ biên, Sđd., tr. 279.
[24] Thu tam nguyệt, chủ túc sát, phế khí vượng, vị thuộc tân, kim năng khắc mộc, mộc thuộc can, can chủ toan. Đương thu chi thời, ẩm thực chi vị, nghi giảm tân tăng toan, dĩ dưỡng can khí. 秋 三 月, 主 肅 殺,肺 氣 旺, 味 屬 辛, 金 能 克 木, 木 屬 肝,肝 主 酸. 當 秋之 時, 飲 食 之 味, 宜 減 辛 增 酸, 以 養 肝 氣. (Dưỡng sinh tiêu tức luận) – Vương Tây Bình & Vương Vĩnh Khang sưu tập, Sđd., tr. 72.
[25] Đông tam nguyệt, thử vị bế tàng. Thủy băng địa sách, vô nhiễu hồ dương; tảo ngọa vãn khởi, tất đãi nhật quang; sử chí nhược phục nhược nặc, nhược hữu tư ý, nhược dĩ hữu đắc; khử hàn tựu ôn, vô tiết bì phu, sử khí cức đoạt, thử đông khí chi ứng, dưỡng tàng chi đạo dã. Nghịch chi tắc thương thận, xuân vi nuy quyết, phụng sinh giả thiểu. 冬 三 月, 此 謂 閉 藏. 水冰 地 坼, 無 擾 乎 陽; 早 臥 晚 起, 必 待 日 光; 使 志 若 伏 若 匿, 若 有 私 意, 若 已 有 得; 去 寒 就溫, 無 泄 皮 膚, 使 氣 亟 奪, 此 冬 氣 之 應, 養 藏 之 道 也. 逆 之 則 傷 腎, 春 為 痿 厥, 奉 生 者少.-Dương Y Á chủ biên, Sđd., tr. 279.
[26] Tư thời phục dương tại nội, hữu tật nghi thổ, tâm cách đa nhiệt, sở kỵ phát hãn, khủng tiết dương khí cố dã. Nghi phục tửu tẩm bổ dược, hoặc sơn dược tửu nhất nhị bôi, dĩ nghinh dương khí. Nghi hàn cực, phương gia miên y, dĩ tiệm gia hậu, bất đắc nhất đốn tiện đa, duy vô hàn tức dĩ. Bất đắc tần dụng đại hỏa hồng chích, vưu thậm tổn nhân, thủ túc ứng tâm, bất khả dĩ hỏa chích thủ, dẫn hỏa nhập tâm, sử nhân phiền táo. Ẩm thực chi vị nghi giảm toan tăng khổ dĩ dưỡng tâm khí. Đông nguyệt thận thủy vị hàm, khủng thủy khắc hỏa, tâm thụ bệnh nhĩ. Cố nghi dưỡng tâm, nghi cư xử mật thất, ôn noãn y khâm, điều kỳ ẩm thực, thích kỳ hàn ôn, bất khả mạo xúc hàn phong, lão nhân vưu thậm. 斯 時 伏 陽 在 內, 有 疾 宜 吐, 心 膈 多 熱, 所 忌 發汗, 恐 泄 陽 氣 故 也. 宜 服 酒 浸 補 藥 或山 藥 酒 一 二 杯, 以 迎 陽 氣.宜 寒 極, 方 加 棉 衣, 以 漸 加厚, 不 得 一 頓 便 多, 惟 無 寒 即 已. 不 得 頻 用 大 火 烘炙, 尤 入 心, 使 人 煩 躁. 飲 食 之 味 宜 減酸增 苦 以 養 心 氣. 冬 月 腎 水 味 鹹, 恐 水 克 火, 心 受 病 耳. 故 宜 養 心,宜 居 處 密 室, 溫 暖 衣衾, 調 其 飲 食 適 其 寒溫, 不 可 冒 觸 寒 風, 老 人 尤 甚 (Dưỡng sinh tiêu tức luận) –Vương Tây Bình & Vương Vĩnh Khang sưu tập, Sđd., tr. 74.