Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
30/11/2004
Niva

Nhà Đạo Kỳ Ba với con người

Khi súc vật bị lở mồm long móng, khi nạn dịch gia cầm phát sinh người ta có thể tiêu diệt hàng loạt, tính từ hàng triệu con trở lên. Nhân loại đồng tình vì con người khôn hơn, mạnh hơn, dành mọi quyền ưu tiên trên vạn loài. Các nhà tu hành với lòng thương xót chúng sinh dẫu có đau lòng cũng không thể cưỡng lại.
Tuy nhiên khi con người bị hành hạ, bị sát hại, ở mức độ nhỏ bé hay lớn lao thì lập tức bị phản ứng, bị lên án và trừng trị. Những sự kiện này đã từng xảy ra trong suốt lịch sử loài người. Đầu năm nay là chiến dịch tiêu diệt gà, giữa năm thì phát hiện ngược đãi tù binh. Đó là những minh họa hiện tiền không dễ gì phai mờ khỏi tâm trí của phần nhân loại bình thường, lành mạnh. Đặc biệt đối với những người có Đạo, trong đó có cộng đồng huynh đệ nhà đạo Kỳ Ba của chúng ta thì vấn đề con người càng trở nên thấm thía, càng nên được suy gẫm, chiêm nghiệm nhiều hơn, sâu hơn.

Đọc Pascal, chúng ta thích thú khi gặp câu: "Con người chỉ là cây sậy yếu ớt nhất trong tạo vật nhưng là một cây sậy biết suy tưởng."
Đến với Phật ta nghe Phật dạy: "Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh." Hoặc: "Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành."

Thiên Chúa Giáo nhìn nhận con người là hình ảnh của Thiên Chúa và anh chị em Công Giáo ngoan đạo tu hành, tin tưởng ngày cuối cùng được Chúa đón về, hội hiệp cùng Cha Trời trên thượng giới.
Tu học trong nhà Đạo Kỳ Ba, cho dầu khác hội thánh, khác địa phương chúng ta đều được dạy một nội dung chủ yếu: con người là tiểu linh quang xuất phát từ nguồn gốc Đại Linh Quang là Thượng Đế.

Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Thầy dạy: "Đạo Thầy tức là các con, các con tức là Thầy."

Lời dạy này chúng ta gặp lại nơi Thánh Huấn Hiệp Tuyển:

"Nhưng các con còn chưa rõ thấu lý nhân loại là ai. Hôm nay Thầy giải rõ cho con hiểu biết Thầy là ai, các con là ai .
"Con ôi Thầy là đại thiên, con là tiểu thiên. Thầy có vật báu chi, thì Thầy cũng ban cho con đủ báu ấy."
Đọc Đại Thừa Chơn Giáo, chúng ta gặp:
Người gọi là tiểu thiên địa đó,
Người với Trời nào có khác chi,
Hễ Trời có những món gì,
Người người đều cũng đủ y như Trời.

Trong nhiều đàn cơ do các đấng Thiêng Liêng giáng dạy ở các nơi, chúng ta thấy các đấng cùng nói chung một chân lý. Đức Quan Thế Âm giáng tại Huờn Cung Đàn ngày 08-4 Ất Tỵ (15-9-1965):
Máy tạo ấy sẵn dành nhân loại,
Một hình hài gồm thảy cơ quan,
Trời, đại thiên địa tuần hoàn,
Người, tiểu thiên địa chuyển luân cơ mầu .

Tại Vĩnh Nguyên Tự, đàn cơ ngày 09-12 Quý Sửu (30-12-1973), Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy: "Này chư đệ! Chính chư đệ là vũ trụ thứ hai. Trước mắt chư đệ thấy những gì, bộ óc suy tư những gì bên ngoài thì bên trong chư đệ đều có cả."
Thượng Đế là nguồn gốc ra đi của con người và Thượng Đế cũng là nơi chốn trở về, là cứu cánh tu dưỡng của hành giả:

Tu là học để làm Trời,
Phải đâu muôn kiếp làm người thế gian.

Con người từ đâu đến? Con người sẽ về đâu? Những câu hỏi này đã được trả lời rõ ràng và nằm trong tầm thực hiện của con người với điều kiện con người biết nhận chân vị trí của mình trong càn khôn vũ trụ. Vị trí ấy được nhà chí sĩ và đạo sĩ Trần Cao Vân xác định:

Ta cùng trời đất ba ngôi sánh,
Trời đất in ta một chữ đồng.

Với vị trí và giá trị cao quý như thế lại được Ơn Trên chỉ rõ đường đi lối về thì huynh đệ chúng ta không nên lộn tới lộn lui mãi trong cõi đời ô trược này. Con người Cao Đài như anh chị em đồng đạo chúng ta đã may duyên gặp Đạo thì nên tinh tấn tu hành, thường xuyên tự nhủ rằng đây là kiếp làm người cuối cùng của mình. Kiếp sau phải tiến hóa cao hơn kiếp trước.
Đạo Cao Đài từ chỗ xác định vị trí và nhìn nhận giá trị con người trong vạn linh sinh chúng, đã vạch ra những bước đi cho con người ngay khi hai yếu tố âm dương từ cha mẹ đã kết hợp tạo thành mầm sống đầu tiên. Đức Chí Tôn đã một lần quở chư vị tiền bối:

"Thầy chẳng hiểu thế nào chư môn đệ ám muội dường ấy?
Chiêu Kỳ Trung độ dẫn Hoài sanh là nghĩa gì? Dầu cho trẻ con trong bụng cũng phải độ; sao các con lại đuổi thiện nam tín nữ?"
Lời dạy này của Đức Chí Tôn khiến ta nhớ đến sự thông thái của người xưa được kết tinh trong ca dao tục ngữ: "Để con vào dạ thì mạ đi tu."
Thật vậy, cha mẹ là người có Đạo, tu dưỡng sống đạo theo tân pháp Kỳ Ba nên đứa bé từ trong bào thai đã được gội nhuần ân lành điển quý. Đứa bé chào đời chẳng những là một biến cố quan trọng về tình cảm trong liên hệ với gia đình, tông tộc mà hơn nữa, đó là một sự kiện quan trọng, mang tính thiêng liêng:
Tùng tân pháp anh nhi nhập thế,
Hiệp âm dương khí thể đủ đầy.
Những ông cha bà mẹ có Đạo, đặc biệt là các đôi vợ chồng trẻ sẽ cẩn thận hơn, sẽ giữ gìn đời sống vật chất và tinh thần trong sạch, lành thánh hơn một khi họ thấm sâu lời Kinh Tắm Thánh:
Con người đứng phẩm tối linh,
Nửa người nửa Phật nơi mình anh nhi.
Đại Từ Phụ từ bi tạo hóa,
Tượng mảnh thân giống cả càn khôn,
Vẹn toàn đủ xác đủ hồn,
Xây cơ chuyển thế, bảo tồn vạn linh.
Các bậc cha mẹ là thành phần quan trọng trong cuộc tồn sinh của địa cầu, họ quyết định tính cách họa phúc cho loài người và môi trường.
Trong mọi sinh hoạt thuộc các giai đoạn của cuộc đời, tân pháp Kỳ Ba đều luôn luôn có những pháp môn để dìu dẫn, hộ trì tín chúng. Trong pháp môn có những bài kinh để cầu nguyện và khai tâm mở trí cho người trong cuộc.
Kinh Vào Học dạy trẻ con từ điểm bình thường đến mục tiêu tối hậu của con người:

Gần điều nên, lánh lẽ hư,
Nương gươm thần huệ đặng trừ nghiệp căn.
Dò đường Thánh khó khăn chẳng nại,
Tùng khuôn hồng nhỏ dại lớn khôn.

Thức giấc sau một giấc ngủ dài, bình an hay mộng mị thì con người cũng đối diện với cái thực tế của thân phận làm người:
Có thân giữa chốn đọa đày,
Đếm ba vạn sáu ngàn ngày khó khăn.
Và con người được nhắc nhở phải tỉnh thức để rõ phước đức biết tội tình, nên kiên nhẫn theo sát đường hướng tu hành đã gặp:
Đường tu nối bước cho quen,
Xa trần tăm tối, cận đèn thiêng liêng .
Mỗi khi rời nhà ra đi cũng như khi trở về, bao giờ người Cao Đài cũng thường xuyên tỉnh giác, tránh xao lảng đường tu và hồi hướng cầu nguyện:
Dòm thấy cuộc kinh dinh trước mắt,
E trở tâm tánh bắt đổi thay,
Con xin nương bóng Cao Đài,
Bước ra một bước cảm hoài căn tu.

Nhờ cảm hoài căn tu nên cho dầu phải xôn xao với thế, lăn lộn cùng đời, người Cao Đài vẫn luôn luôn tơ tơ tưởng tưởng:

Con nguyện xin khuông linh giúp sức,
Bước ta bà giục thúc huệ quang.

Thức ngủ, đi về, ăn uống, học hành, hội họp v.v… con người luôn nhuần gội ân điển Thánh linh cốt để thăng hoa nhân cách, nhập thế sống Đạo và hoàn thiện giải thoát.
Bước đầu nhập thế sống Đạo được đánh dấu bằng lễ thành nhân. Người con trai thành nhân với hoài bão:
Mong sao nên đấng anh hùng,
Lập thân hành đạo hầu mong độ đời.

Và người nữ thành nhân là chuẩn bị trở thành:

Vợ hiền hào kiệt, mẹ hiền quốc dân.

Tân pháp Kỳ Ba, trong khi chú ý phần tu kỷ không quên nhấn mạnh phương diện độ tha, không quên nhiệm vụ đối với nhân quần xã hội. Bổn phận đầu tiên là giữ tròn hiếu nghĩa, gia phong từ tổ tiên cha mẹ để lại:

Nối hương lửa nhơn luân đạo trọng,
Con gìn câu chết sống trọn nghì.
Giữa vợ chồng giữ trọn thương yêu, chung thủy:
Chồng công chánh, thuận tùng phận vợ,
Kết giải đồng ăn ở thương nhau.

Đó là điều kiện cần thiết cho hạnh phúc hôn nhân, giúp chu toàn bổn phận làm cha mẹ về sau:

Phận cha mẹ ân cần dạy trẻ,
Mong lớn khôn biết lẽ chánh tà.
Đặng con hiếu thảo thuận hòa,
Linh quang trong sạch, phước nhà vẻ vang.

Ra khỏi gia đình, ở phạm vi rộng lớn hơn là trách nhiệm với nước nhà, dân tộc:

Trên theo pháp luật Đạo Trời,
Dưới thương sanh chúng một lời đinh ninh.
Đầu đội trời, chân đạp đất, con người đã sinh ra thì sẵn sàng chấp nhận cuộc đời:

Sanh nơi đây, ở nơi đây,
Trăm năm là tuổi đủ đầy mạng căn.

Theo giáo lý Cao Đài, cuộc đời là trường học, trường thi. Thánh Huấn Hiệp Tuyển dạy:

Dưới trần thế là nơi trường học,
Để mở mang trí thức muôn loài,
Mỗi kiếp, mỗi lớp vở bài,
Ai siêng học tập đức tài tiến cao.

Mỗi người là học trò phải chịu tôi luyện, thử thách và khảo đảo mới có thể hoàn thiện và tiến hóa:

Trăm năm thọ khảo vĩnh trường,
Thuận căn thuận mạng đôi đường cao thăng.

Người tín hữu Cao Đài đối với Đức Chí Tôn vừa là con cái vừa là học trò. Con thì phải ngoan, học trò thì phải chăm chỉ, hiểu bài, thuộc bài và làm theo lời Thầy dạy, tuân theo nội quy hướng dẫn của trường. Ở đây là quy điều giới luật, kinh kệ, thánh giáo và công phu tu dưỡng. Muốn trở nên học trò giỏi, trước hết phải là học trò ngoan. Được vậy, đến lúc bỏ xác ra đi thì tất nhiên cũng an nhiên tự tại, hoan hỉ với sự đổi thay, từ bỏ nơi cũ nhiều bụi bặm, lắm ồn ào, môi trường ô trược để đến chỗ ở mới lành thánh, cao quý hơn.

Như vậy, thông qua các pháp môn độ sanh, nhà Đạo Kỳ Ba độ rỗi và giáo hóa con người ngay khi còn trong bụng mẹ. Với các nghi lễ đầu đời như sinh nhật, tắm thánh, cha mẹ đứa bé đã được dặn dò:

Tìm gương tốt tập tành khuyên bảo,
Cư xử đời theo đạo công minh,
Bằng không chỉ lỗi sửa mình,
Trẻ con hư dại tội đành mẹ cha .

Dạy con từ thuở bào thai cho đến nằm nôi, rồi khi đến sáu tuổi thì cha mẹ phải cho vào trường học chữ và học đạo. Đầu đời con người đã được nhà đạo chăm lo cứu độ và giáo hóa. Ngày cuối cùng thoát xác ra đi, người đạo được vị chức sắc chứng đàn đến tận bên mình, tay cầm đèn nến, định thần nghiêm trang kêu to tên họ mà dặn rằng: "Tôi vâng lệnh Đức Chí Tôn đến tụng kinh cho linh hồn (tên người mất) nhẹ nhàng siêu sinh tịnh độ. Vậy (tên người mất) phải định thần mà cầu nguyện Đức Chí Tôn ban ơn lành cho."

Trong thời gian mới mất và chưa an táng, hồn lìa khỏi xác nhưng vẫn còn quyến luyến trần gian với nhiều thương tiếc lo âu lại vô cùng kinh hoảng, bơ vơ nên chức sắc hành pháp tẩn liệm khi trấn quan tài phải dõng dạc đọc to Kệ Định Phách để thức tỉnh hồn người khi chuyển kiếp:

Muốn được sống tức thì phải tỉnh,
Tỉnh được rồi phải định lấy thân.
Tâm thân định tỉnh một chừng,
Linh hồn siêu hóa đài xuân muôn đời.

Đây là lần nhắc nhở cuối cùng chứ không phải là lần duy nhất. Suốt đời tu hành, phải ăn chay sám hối, tụng kinh hành thiện, v.v… chỉ nhằm thực hiện cho kỳ được điều cốt lõi là tỉnh để sống. Sống cho ra sống của một con người. Sống ở kiếp này và sống ở đời sau. Pháp môn độ tử còn tiếp tục với chín tuần cửu, qua tiểu tường và đến đại tường mới kết thúc.

Phần đông những huynh tỷ mới nhập môn hoặc tu hành cầm chừng giãi đãi thì cũng khó nghiệm chứng và tâm đắc thánh ngôn thánh giáo, lời kinh tiếng kệ. Thời gian chưa thấm đượm tương chao, tâm hồn chưa giác ngộ thì kinh sám thánh ngôn có thể chỉ là những âm thanh vô cảm. Tùy theo căn duyên và mức độ thâm nhập tu hành, tụng kinh lễ bái, công quả công phu, nghiên cứu học hỏi rồi sẽ đến lúc người tu bừng ngộ, hiểu ra và cảm nhận chỗ lý thú nhiệm mầu lâu nay mình từng xem mà không thấy, từng nghe mà chẳng hiểu. Đến bây giờ, lúc ngộ rồi, thì lại thấy những ý vị hay ho nhiệm mầu hiện bày ra đấy. Quý huynh tỷ nào may mắn đạt đến chỗ này thì sẽ rất lý thú cảm nhận ra lẽ thật trong lời dạy của Ngài Quảng Đức Chơn Tiên:
Mừng được sinh trong cơ tái tạo,
Được làm người học Đạo Kỳ Ba.

Đạo Kỳ Ba là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ do Đấng Chí Tôn lập ra vào thời hạ nguơn mạt kiếp vì con người, cho con người để giáo hóa và cứu độ con người cả về mặt nhập thế lẫn siêu thoát, độ sanh song hành với độ tử.
Niva

Phổ là rộng khắp cùng thế giới,
Thông là nguồn suối tới muôn phương,
Giáo là dạy nẻo chỉ đường,
Lý là lẽ thật chủ trương thới bình.

Đức Lý Giáo Tông, 20-5 Ất Tỵ, 19-6-1965

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây