Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
04/12/2020
Giáo sĩ Diệu Như

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 07/12/2020

SUY TƯ THÁNH GIÁO ĐỨC THÁNH CHÚA JESUS



Đức Jesus Thánh Chúa, Thánh Thất Bàu Sen, 25.12.1969

***

JÉSUS THÁNH CHÚA. Ta chào mừng chư hướng đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

THI

"Jésus Thánh Chúa đã từ lâu,

Rửa tội nhơn sanh đổ máu đào,

     Dựng thế bằng lời thương tất cả,

   Ngàn xưa cho đến những ngàn sau."

 Suy Tư :

Hơn 2000 năm trước, Jesus Thánh Chúa đã đổ máu đào trên thập tự giá. Trong giây phút hấp hối Ngài vẫn còn bình tỉnh, sáng suốt để cất lên lời cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha: “Lạy Cha, xin Cha tha thứ cho họ vì họ không biết việc họ làm.” Ngài đã xin tội cho những binh lính đã tra tấn  Ngài hết sức dã man, bắt Ngài phải vác thập tự giá đi đến pháp trường và đóng đinh Ngài trên đó cho đến chết; Ngài đã khẩn thiết xin Cha tha thứ cho những người truyền đạo Do Thái Giáo đã đố kỵ, luôn tìm cách chế giễu, hãm hại Ngài, và tạo áp lực khiến viên Tổng Đốc La Mã phải tuyên bố xử tử Ngài một cách oan ức; Ngài cũng đã tha thứ và van nài Chúa Cha hãy tha thứ cho tông đồ Judas, vì ham tiền mà bán rẻ Thầy mình cho kẻ thù.  

Ngài đã biết trước giờ thọ tử của mình, biết cả việc tông đồ Judas phản mình. Ngài chấp nhận vì biết đó là sự sắp đặt của Đấng Chúa Cha để cho Ngài được hy sinh. Ngài là hiện thân của Thiên Chúa. Bằng thân xác Ngài, Thiên Chúa đã bày tỏ sự thương yêu qua việc thọ tử để cứu chuộc toàn cả nhân loại. Đêm trước giờ khổ nạn, Ngài đã đến cầu nguyện tại Vườn Cây Dâu. Dù sao cũng còn mang thân xác một con người, trong giây phút cận kề với cái chết, Ngài buồn rầu và sợ hãi đến đổ mồ hôi máu: “Cha ơi! Cha có thể làm được mọi sự, xin hãy cất chén đắng này khỏi con, nhưng không phải theo ý con mà theo ý Cha.”.

Sự hy sinh của Ngài nhằm rửa sạch những tội lỗi của nhân loại từ bao đời kiếp, để cho nhân loại có được một tương lai tốt đẹp. Ngài hy sinh để cho nhân loại thấy được rằng chỉ có thương yêu quên mình như Thiên Chúa mới xóa đi hết những oán thù, mới có thể xây dựng một cuộc đời tươi đẹp hạnh phúc. Cũng như Cha của Ngài trên trời, tình thương của Jesus Thánh Chúa dành cho tất cả nhân loại từ ngàn xưa cho đến ngàn sau, mãi mãi không hề phai.

 

"Ta vâng lịnh Cha ta đến trần gian trong mùa đông giá lạnh, giữa sự ấm áp của vầng thái dương lồng vào."

Đức Jesus Thánh Chúa đã vâng lệnh Cha Ngài là Thiên Chúa, tức Đức Thượng Đế, cũng là Cha của toàn thể chúng sanh, đến với trần gian. Sự đến của Ngài trong mùa đông giá lạnh, giữa sự ấm áp của vầng thái dương lồng vào trong đêm nay, cũng như trong một đêm năm xưa cách đây hơn hai ngàn năm, cho ta hình ảnh của quẻ Địa Lôi Phục.

 Quẻ Địa Lôi Phục gồm có một hào dương xuất hiện bên dưới (sơ cửu) và năm hào âm bên trên. Hào sơ cửu của quẻ Địa Lôi Phục tượng trưng cho sự ấm áp của vầng thái dương đã trở lại sau một mùa đông giá lạnh (nhất dương lai phục). Tương tợ như vậy, sự lâm trần của Jesus Thánh Chúa là vầng thái dương ấm áp sẽ xóa tan cái giá lạnh của đêm đông trần thế; lời thương yêu của Ngài, đức hy sinh cứu chuộc của Ngài sẽ đưa nhân loại vượt thoát biển khổ đau để qua được miền đất hứa.

Hào sơ cửu của quẻ Địa Lôi Phục cũng chính là Thượng Đế Tánh, phần thánh thiện thiêng liêng mà Thượng Đế hay Thiên Chúa đã ban phát đồng đều cho muôn loài, trong đó có nhân loại, nhưng từ lâu nay bị con người quên lãng dưới lớp bụi thời gian. Đức Jesus Thánh Chúa đến để phục sinh bản tánh thiện lương này trong mỗi con người, để nhân loại có được sự bình yên và hạnh phúc nơi cõi thế trong hồng ân Thiên Chúa.

                                                               
     

Miễn phép toàn thể an tọa, Ta để lời nhắn gởi:

Hỡi những sứ đồ của Tam Kỳ Phổ Độ!

Hỡi những chiên ngoan của cuộc diện sau cùng!

Hỡi những Thiên mạng tiên tri và cứu rỗi!

Tất cả từ bé nhứt cho đến vĩ đại nhứt hãy đồng nghe Ta:

 “Những sứ đồ của Tam Kỳ Phổ Độ” là những Thiên Ân Sứ Mạng, tự nguyện góp tay cùng Thượng Đế truyền bá Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, được khai mở trong thời Hạ ngươn mạt kiếp này, để chúng sanh biết Thầy hiểu Đạo, để thế gian này sẽ là cảnh Thiên Đường tại thế.

“Những chiên ngoan của cuộc diện sau cùng” là tất cả tín đồ thuộc các tôn giáo chân chính đang hiện hữu. Dù phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn, thử thách, cám dỗ của cuộc trần trong cơ sàng sảy, nhưng đức tin vào lý tưởng đạo đức vẫn luôn sáng chói."

Suy tư :

“Những Thiên Mạng tiên tri và cứu rỗi” tức là hàng tu chứng trong các tôn giáo, có khả năng thông công với Thượng Đế trong thế Thiên Nhân Hiệp Nhất, nắm vững Thiên cơ và Thiên ý, hiểu rõ việc thế cơ đời, lãnh sứ mạng quyền pháp độ dẫn nhân loại về nơi phúc lạc.

 Từ giờ này cho tới ngàn giờ sau nữa, tiếng kêu nơi đồng vắng vẫn mãi vang lên. Ai có tai hãy lắng nghe. Ai có tim hãy rung động. Ai có khối óc hãy suy tư. Ai có đôi tay dịu dàng hãy cứng mạnh vươn lên để xây dựng.

          Đồng vắng là nơi thanh tịnh, yên lặng, thích hợp để Thượng Đế đến với con người trong thế Thiên Nhân hiệp nhất. Ngày xưa, Giăng Bap-tit phải vào nơi hoang địa mới nghe được tiếng Chúa Trời phán về sứ mạng dọn đường cho Chúa Jesus đến với dân Do Thái; trước đó, Đức Môi-se đã từng nghe tiếng Chúa Trời, qua bụi gai cháy trong đồng vắng, phán về sứ mạng dẫn dân Do Thái ra khỏi kiếp đọa đày ở Ai Cập để về nơi đất hứa; sau này, Đức Mahomed của Hồi giáo cũng được mặc khải về sứ mạng của mình trước Thiên Chúa qua lời Thiên sứ Gabriel trong đồng vắng. Và chính bản thân Đức Jesus, sau khi được ông Giăng Bap-tit làm lễ rửa tội trên sông Jordan, cũng đã vào nơi đồng vắng, ăn chay và cầu nguyện trong 40 ngày, vượt thắng mọi cám dỗ của ma vương, trước khi ra rao giảng tin mừng về Đấng Cứu Thế. Đó cũng là thời điểm Ngài thông công cùng Thượng Đế.

          Thật ra thì Thượng Đế hiện diện ở khắp cả mọi nơi, nhưng chỉ có những ai biết yên lặng, để tâm thanh tịnh hướng về Ngài thì mới cảm nhận được sự hiện diện của Ngài. Đấng Thượng Đế đã từng dạy như thế:

 “Con ôi! Sự yên lặng để thần giao cách cảm, để các con tìm thấy con trong Thầy và Thầy hằng ngự trị với đức hiếu sinh trong vạn vật. Yên lặng tức là quán triệt tất cả những cái gì mà trần gian không nói được, không sờ mó được, không nghe thấy được. Yên lặng để tìm thấy cương vị của các con trong smạng to tát giữa thời Phổ Độ Kỳ Tam.”[1]

  Suy tư  :

Chính vì muốn tìm sự yên lặng đó để được trực tiếp giao cảm với Thượng Đế, Đấng Thiên Chúa Cứu Thế, cho nên các Thánh Môi-se, Thánh Giăng Baptit, Jesus Thánh Chúa, Thánh Mahomed phải vào nơi đồng vắng.

Và ngày nay, Thiêng Liêng cũng đã nhiều lần khuyên dạy các môn sanh Cao Đài rằng, trong giờ thiền định, thanh tịnh, mỗi hành giả sẽ là một đồng tử, trực tiếp nhận được thiên điển cũng như lời dạy vô thinh từ các Đấng Thiêng Liêng. Chúng ta thanh tịnh chính là chúng ta đang ở trong đồng vắng.

Do đó, tiếng kêu nơi đồng vắng là tiếng gọi vô thinh của Đấng Thượng Đế, mà chỉ những ai có tâm thanh tịnh do đoạn trừ hết dục vọng mới nghe thấu và hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng đó qua việc thi hành sứ mạng mà Thượng Đế đã phó giao.

Tiếng kêu nơi đồng vắng cũng là tiếng kêu của những bậc Thiên sứ, báo cho chúng sanh biết tình thương và đức háo sanh của Thượng Đế; là sự thu hút từ những bậc Giáo Chủ của các tôn giáo đã có từ xưa, đã làm sáng danh Thượng Đế qua bản thân mình để chúng sanh biết Thượng Đế, biết Đạo; là sự hy sinh dấn thân của những bậc Thiên Ân Sứ Mạng của các tôn giáo, tự nguyện làm thừa sai của Thượng Đế, đem chân lý đạo Trời đến với nhân sanh. Lịch sử của nhân loại là lịch sử của sự cứu độ của Thượng Đế, cho nên thời kỳ nào cũng có hàng Thiên sứ đến với nhân loại. Và ngày nay, thời Hạ ngươn mạt kiếp, chính Đức Thượng Đế và các Đấng Phật Tiên Thánh Thần lâm trần để khai cơ Phổ Độ Kỳ Ba hầu cứu độ toàn nhân loại khỏi cơ tận diệt.

 Đức Jesus Thánh Chúa khuyên toàn thể nhân loại trong thời Hạ ngươn mạt kiếp này hãy dừng ngay mọi dục vọng, để tâm được thanh tịnh như mình đang ở trong đồng vắng, để tai được lắng nghe thật rõ, để con tim được rung động, để khối óc được suy tư về những chân lý sâu sắc qua những lời rao giảng của các Thiên Sứ, và sau đó hãy dùng đôi tay dịu dàng nhưng cứng mạnh vươn lên để cùng nhau xây dựng lại cuộc đời đang đổ nát vì thiếu vắng tình thương cho nhau giữa người và người.

 "Hỡi những ánh mắt chói lòa trước ánh sáng thế nhân! Còn gì nữa! Hãy nhắm mắt lại để khỏi mù đi bằng ánh lửa của tham vọng đấu tranh! Hãy quay lưng lại vì trước mặt chứng nhân là lâu đài của đao phủ thủ, là hố huyệt của nghĩa trang."

 Suy tư :

Ngài kêu gọi nhân loại hãy nhắm mắt lại để không bị mù quáng vì ánh sáng chói lòa của tham vọng đấu tranh mà chạy theo sự quyến rũ chết người của nó; hãy quay lưng lại để không bị sa vào những cạm bẫy được ngụy trang dưới những hình ảnh, màu sắc, âm thanh cùng những lời chào mời vô cùng hấp dẫn nơi lâu đài của đao phủ thủ, nhưng bên trong là những hố huyệt của nghĩa trang đang chờ sẵn.

 "Chần chờ gì nữa! Chư hiền hãy tạo cho mình một tư thế vững chắc để tinh thần và thể chất an định uy hùng. Hãy thét to lên tiếng vọng tâm linh! Hãy thắp ngọn đuốc dẫn đường bao kẻ lang thang bơ vơ khao khát!"

Suy tư:

Ngài dạy hàng Thiên ân Sứ mạng, vì là người có sứ mạng thắp đuốc dẫn đường cho nhân loại đang bơ vơ, mất phương hướng, nên hãy tạo cho mình một tư thế vững chắc, một tinh thần và thể chất an định uy hùng để xứng đáng làm chỗ nương tựa tâm linh cho nhân loại. Muốn được vậy, người Thiên Ân Sứ Mạng phải phát triển không ngừng về hai mặt tâm đức và trí năng. Tâm đức để làm Thánh, đức nghiệp trải khắp mười phương; trí năng để làm Vương, ân uy bao trùm khắp chốn.

Người Thiên Ân Sứ Mạng là người nghe được tiếng vọng tâm linh hay tiếng nói vô thinh từ Đức Chí Tôn Thượng Đế. Hãy thét to tiếng vọng tâm linh có nghĩa là đem tiếng vọng tâm linh đó lên bề mặt ý thức, biến ý thức thành hành động cụ thể để Thiên ý trở thành hiện thực. Người Thiên Ân Sứ Mạng là người trung gian giữa Thượng Đế và nhân sanh, đem ánh sáng đạo lý được mặc khải từ Thượng Đế làm ngọn đuốc soi đường cho nhân sanh cũng giống như nhà tiên tri Môi-se thời Cựu Ước đã dẫn hàng ngàn dân Do Thái thoát khỏi cuộc sống nô lệ ở Ai Cập trở về miền đất hứa.

 "Ta gởi lời này cho tất cả nhân sinh trên cuộc đời đang có, từ dân tộc nghèo đói dốt nát mù mịt nhứt tới bầu trời đầy ánh sáng văn minh tiến bộ. Hãy rao lên tiếng nói của mục đồng giữa độ chiều tà đang chực chờ rủ bóng."

Suy tư :

 Mục đồng là người chăn chiên. Chiều tà sắp rủ bóng, đàn chiên phải nhanh chóng để trở về chuồng nếu không muốn bị mất mạng vì đàn sói sắp xuất hiện giữa màn đêm. Trách nhiệm của người chăn chiên là phải hối thúc và tìm kiếm những con chiên còn quanh quẩn đâu đó chưa chịu nhập bầy. Trách nhiệm của hàng Thiên Ân Sứ Mạng đối với nhân loại trong thời Hạ ngươn mạt kiếp cũng giống như vậy, thúc hối và tìm kiếm xem còn có ai chậm bước trên đường trở về nơi an toàn trước khi hiểm nguy sắp giáng xuống. Đức Jesus Thánh Chúa muốn tất cả nhân sinh đang có mặt trên cuộc đời này, từ dân tộc nghèo đói dốt nát mù mịt nhất đến những dân tộc văn minh tiến bộ rực rỡ, sau khi được biết đến ân oai và sự cứu độ của Đức Chí Tôn Thượng Đế, qua trung gian của hàng Thiên Ân Sứ Mạng, hãy truyền cho nhau biết tin mừng đó, cùng nhau tôn vinh, ca tụng và thực hiện lời dạy của Ngài, để cùng nhau chung hưởng phúc lạc, an bình giữa lúc ngọn lửa của chiến tranh và hận thù đang sắp sửa hủy diệt cả thế gian này.

 "Chư hiền hãy thế Ta thi hành ước vọng ấy. Bất cứ ước vọng nào cũng đều vô ích nếu nó không đạt được mục tiêu cứu rỗi cho nhơn loại."

Suy tư :

 Tất cả những điều Ngài vừa dạy trên sẽ chỉ là những ước vọng, sẽ là vô ích, nếu không được thực hiện để đạt đến mục tiêu cứu rỗi cho nhân loại. Chỉ có hữu hình mới phục vụ cho hữu hình. Đức Chúa Jesus dặn dò hàng Thiên Ân Sứ Mạng hãy thay thế Ngài để làm cho ước vọng đó thành hiện thực.

 Nhìn hiện trạng của cuộc đời. Một hình ảnh đáng buồn đang xảy ra càng ngày càng rối rắm khiến xã hội con người càng đông đúc sự phức tạp, sự mâu thuẫn về cuộc sống tinh thần lẫn cuộc sống thể chất. Con người chính danh với sứ mạng con người chắc không khỏi lo âu thật nhiều.

"Ta muốn ở chư hiền ý thức thật sự như vậy. Có ý thức thật sự như vậy thì sứ mạng Tam Kỳ Phổ Độ mà chư hiền là tiêu biểu mới đạt được sự nghiệp to tát, nhứt là việc góp tay xây dựng nền tảng và cơ cấu xã hội, một xã hội tốt hơn xã hội hiện tại."

 Suy tư :

Ngài muốn chư Thiên Ân Sứ Mạng Tam Kỳ Phổ Độ phải nhìn thấy rõ hiện trạng của xã hội loài người hiện nay: đông đúc phức tạp, mâu thuẩn nhau về cuộc sống tinh thần lẫn thể chất. Dân số Việt Nam năm 1945 có 25 triệu dân, nay đã 96 triệu dân. Càng đông đúc càng khó kiểm soát nên phức tạp, rối rắm càng lúc càng gia tăng là điều khó tránh. Mâu thuẩn nhau về cuộc sống vật chất, giành giật nhau từ chỗ ở miếng ăn, cho đến tinh thần, một lời nói cũng không nhường nhịn nhau, một ánh mắt, một tia nhìn cũng đưa nhau tới chỗ xung đột, ấu đả, thậm chí chém giết nhau.   

Người Thiên Ân Sứ Mạng có thấy rõ điều này, có ưu tư lo lắng điều này, mới thể bắt tay vào việc xây dựng một nền tảng và cơ cấu xã hội tốt hơn xã hội hiện tại.

 Con người vô tình hoặc cố tâm đánh giá giá trị tinh thần bằng khả năng vật chất. Sự phá giá tinh thần đang tràn ngập ở mọi chiều hướng, mọi tư duy. Người tôn giáo thật sự không khỏi chau mày cho cuộc đời tối tăm sắp đến.

 Con người ngày nay chuộng văn minh vật chất, mọi giá trị đều quy ra thành tiền. Những giá trị tinh thần do không quy ra được bằng tiền nên bị xem như vô dụng, không xét đến. Đức Chúa Jesus cho đó là sự phá giá tinh thần. Sự phá giá tinh thần đang tràn ngập khắp mọi nơi. Sinh viên chỉ chọn môn học nào sau khi ra trường dễ kiếm việc làm, có thu nhập cao. Lập gia thất cũng lựa người giàu sang địa vị. Trong một tập thể, tiếng nói của người có tiền, có quyền bao giờ cũng có giá trị hơn hết. Đó là viễn cảnh của một cuộc đời tối tăm, một thách thức lớn cho người tôn giáo.

 Cái an lạc và thanh bình không tự do nơi nào đem đến, chỉ có bản thân cùng tâm linh mỗi cá nhân gầy dựng khi khai triển đúng mức.

 Qua thái độ hành vi không có tính người và tình người của con người đối với nhau trong cuộc đời này, nhân loại đang hủy diệt nhau. Qua sự hủy diệt dần mòn môi trường sống thiên nhiên, con người đang phá hủy sự sống của mọi sinh vật trên hành tinh này trong đó có con người. Ấy thế mà con người luôn đọc kinh cầu khẩn các Đấng Thiêng Liêng và hy vọng hòa bình sẽ đến. Đức Jesus đã cảnh báo: Muốn có an lạc và thanh bình cho xã hội nhân loại, không phải trông chờ vào phép lạ quyền linh của Thượng Đế đem đến, mà mỗi cá nhân trong cộng đồng nhân loại phải có ý thức, phải khao khát về điều này và tự mình gầy dựng  qua việc chú ý phát triển và nuôi dưỡng đời sống tâm linh: “Một mà nên một thì muôn sẽ thành.[2] Đức Cao Triều Phát đã từng dạy như vậy.

 Trong khi tâm thần con người đang hồi băng hoại thì biến cố vật chất càng mạnh mẽ thêm. Sự chia rẽ là một căn bịnh nan y khó mà tìm được thần y hàn gắn lại. Chỉ có phương pháp của Cha Ta ban cho: thương yêu siêu việt mới đủ điều kiện giải thoát con người ra khỏi chứng bịnh hiểm nghèo đó.

 Nhân loại ngày nay đang hồi chia rẽ trầm trọng, một căn bệnh nan y khó chữa, khó tìm ra thần y để hàn gắn lại mà nguyên nhân là do vật chất lên ngôi, tinh thần băng hoại. Muốn chữa khỏi phải dùng phương pháp mà Đức Thượng Đế đã ban cho. Đó là sự thương yêu siêu việt. Thế nào là thương yêu siêu việt? Đó là sự thương yêu vô ngã, cái ta vị kỷ cục bộ đã hóa thân làm một cùng đại thể vũ trụ, không còn sự phân biệt cách ngăn, không còn sự lọc lừa tính toan hơn thiệt. Thương yêu như Đấng Cha Trời đã thương yêu toàn cả chúng sanh vạn vật:

 

“Muốn sửa lòng ngắm lòng từ phụ,

Tu thân nhìn vũ trụ là thân,

                     Thái sơn, biển cả, vi trần,

Tình thương chứa đựng trong phần vô tư”[3]

 

Suy tư :

Chỉ có tình thương vô tư vô ngã như tình thương của Thượng Đế mới giải quyết được tận gốc căn bệnh nan y của thời đại.

  Chia rẽ phân cách là kết quả của lòng ngã chấp mà tự bao giờ cho đến bây giờ, nền giáo dục đời cũng như tôn giáo đã lợi dụng triệt để để nhồi nắn con người trở thành công cụ. Cái thiên lệch của giáo dục đóng khung, cái thôi miên lợi dụng theo thời gian tạo một sợi dây vô hình buộc con người trong bối cảnh của cuộc đời và bối cảnh tôn giáo. Hưởng thụ nền giáo dục ấy là hậu quả của sự kiện phân tranh.

 Sự chia rẽ trong nhân loại do không có cái tâm vô ngã. Vô ngã là xem mình là mọi người, mọi người là mình, không phân biệt, thương người hoàn hảo hóa người, thương ta hoàn hảo hóa ta. Không có tâm vô ngã tức là chấp ngã, xem cái tôi của mình là trên tất cả. Nguyên nhân nào đưa tới sự chấp ngã đó? Đó là hậu quả của nền giáo dục đời, nhằm đào tạo ra những con người ưu việt cho đời. Bằng những giáo điều đóng khung nhồi nặn ra những hình mẫu lý tưởng, và mỗi người phải tự ra sức uốn mình theo hình mẫu đó dưới sự cổ vũ động viên của những nhà giáo dục. Vô tình chủ nghĩa cá nhân được tôn vinh vì phần thưởng sẽ dành cho những ai đứng trên thiên hạ. Công sức của tập thể nhưng cá nhân được xem như Thần Thánh. Nếu có một cá nhân nào giỏi tương tự thì có sự xung đột ngay vì “một rừng không thể có hai chúa sơn lâm”.

Từ chấp ngã cá nhân bước sang chấp ngã gia đình trong mối liên hệ với hàng xóm láng giềng (hai đứa trẻ hàng xóm đánh nhau dẫn đến sự thù địch của cả hai gia đình), lan dần đến chấp ngã quốc gia dân tộc trong mối quan hệ quốc tế (nước mạnh ăn hiếp nước yếu, thậm chí xâm lăng nước yếu). Chiến tranh từ đó phát sinh.

Nền giáo dục đời là thế, còn nền giáo dục tôn giáo thì sao? Sự chấp ngã len lỏi vào tôn giáo để mỗi tôn giáo đều tự nhận mình là chánh giáo, là chơn truyền, là chân lý, đồng thời gieo vào đầu óc các thế hệ tín đồ một tư tưởng rất tai hại khi cho rằng các tôn giáo khác, thậm chí các chi phái khác trong cùng tôn giáo với mình, đều là bàng môn tả đạo, không cho phép tín đồ tiếp xúc và xem những kinh sách của các tôn giáo hoặc chi phái khác. Vì thế, sự phân chia kỳ thị giữa các tôn giáo đôi khi dẫn đến những cuộc Thánh chiến ngấm ngầm hay bộc phát như đã từng xảy ra trong lịch sữ nhân loại. Những sự phân tranh ngày nay trong bối cảnh cuộc đời và tôn giáo mà ta đang chứng kiến là hậu quả tất yếu của một nền giáo dục như vậy.

 Ngày nay khi con người thốt lên một tư tưởng, một ý định, cứ cho rằng đó là một tự do, tự quyết, nhưng thực tế cái màn nô lệ còn phủ trùm nền giáo dục được hấp thụ trên con người mà chủ thể không hay không biết. Không biết, đâu phải là không có.

 Chúng ta đang làm nô lệ, đang bị sai sử, chi phối bởi một nền giáo dục như vậy, thế nên, dù chúng ta cho rằng chúng ta có tự do, có quyền tự quyết cho cuộc đời mình, nhưng thực tế chúng ta đã bị nô lệ lâu, từ trong căn bản, từ trong tư tưởng, từ trong ý định do đã bị ảnh hưởng bởi một nền giáo dục chấp ngã mà chúng ta không hề hay biết.

 " Ngày xưa, khi Ta truyền đạo, tiếng thương yêu nêu lên với tính cách khai phóng bao la. Trái lại, ngày nay các con chiên kế tục làm sáng danh sự thương yêu đã tự tạo một điều kiện khả hữu, đặt lên ngai vàng thương yêu với những màu sắc vàng son phù phiếm. Đó là những gì ta muốn nói trong mùa Giáng Sinh năm nay."

"Ta muốn bảo, thương yêu là cái gì thuần khiết, du lưu trong mọi thời, không, trong mọi sự kiện, chớ không phải tôn ngôi thương yêu lên thần thánh cách biệt con người và vạn loại."

 Suy tư :

Ngài nhắc lại, ngày xưa khi truyền đạo, Ngài đã giáo dục nhân sanh đi theo con đường đạo đức. Ngài đã thể hiện tình yêu thương chân thật bao la tự trái tim của Ngài đối với các Tông đồ, đối với nhân sanh, và Ngài dạy mọi người hãy biết thực hành yêu thương cho nhau để làm sáng danh Thiên Chúa. Bằng tình thương tuyệt đối, Ngài đã hy sinh trên thập giá để cho nhân sanh hết tội lỗi, để được sống đời đời nơi Thiên quốc. Nhưng ngày nay, những con chiên kế tục Ngài làm sáng danh sự thương yêu đã không biết ban tình thương cho nhau như Ngài đã làm, trái lại họ nói kính yêu Ngài, đặt Ngài và sự thương yêu của Ngài lên ngai để tôn thờ, tôn vinh thương yêu bằng những lời hay ý đẹp nhưng sáo rỗng, phù phiếm, không ích lợi gì cho công cuộc cứu rỗi nhân loại. Đức Jesus Thánh Chúa thất vọng về điều này:

 Quả thật, Ta không bảo chư hiền hằng ngày bái lạy sự thương yêu mà không thực hành thương yêu.

Ngài dạy tiếp:

 "Khi Ta giáng sinh, chỉ một tiếng kêu nơi đồng vắng, ngày nay có biết bao tiếng kêu nơi đồng vắng hiện vang. Ai điếc cũng cố lắng nghe. Ai mù cũng cố nhìn thấy. Búa rìu của kẻ sử dụng sẽ trả về cho người sử dụng. Chiến tranh sẽ chấm dứt để quay về với nguồn cội chiến tranh."

Suy tư :

 Sự giáng sinh của Đức Thánh Chúa nơi đồng vắng trong máng cỏ ngày xưa như một tiếng kêu nơi đồng vắng để nhân loại theo tiếng kêu ấy mà tìm về với Ngài, để biết đến ơn cứu chuộc của Đấng Chúa Cha. Ngày nay, thời Hạ ngươn mạt kiếp, Đức Thượng Đế nương mây lành xuống trần gian để khai mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Đây cũng là thời kỳ trùng hưng tam giáo, ngũ chi. Các tôn giáo như được hồi sinh để cùng nhau độ rỗi những tàn linh sớm quy hồi cựu vị, do đó có biết bao nhiêu tiếng kêu nơi đồng vắng hiện vang để nhân loại kể cả những người mù nếu cố nhìn thì cũng được thấy, những người điếc nếu cố lắng nghe thì cũng được nghe. Đây là kỷ nguyên chào đón hòa bình, mở ra một ngươn hội mới, ngươn hội Thánh Đức. Đây cũng là thời kỳ sàng sảy để phân phàm lọc thánh, những phần tử không có ích cho đời Thánh Đức sẽ bị gạn lọc đào thải theo luật nhân quả. Chính vì thế, kẻ nào sử dụng búa rìu để đem tai họa đến cho người khác thì chính mình sẽ lãnh về búa rìu đó, tai họa đó; kẻ nào cung cấp vũ khí và kích động chiến tranh, gieo rắc đau thương cho kẻ khác thì sẽ nhận về những vũ khí đó một cách đau thương nhất, để chấm dứt chiến tranh.

 "Dòng nước đang dâng lên, hàng vạn con nước hãy dâng theo sau. Những gì là sâu bọ rác bẩn gớm ghiếc chờ đợi tới phiên. Sự tinh sạch sắp đến."

Suy tư :

 Ngươn hội Thánh Đức sắp đến, con người của kỷ nguyên Thánh Đức gồm những Thiên Ân Sứ Mạng, những bậc chơn tu, những tín đồ thuần thành trong các tôn giáo đang dần dần hình hiện. Tư tưởng lành của họ hòa với dòng ân điển của Đấng Cao Đài Cứu Thế là những dòng nước thanh lương trong sạch của đạo đức, của nghĩa nhân, của hòa bình công chính đang cuồn cuồn dâng lên, lần lượt sẽ cuốn sạch hết những sâu bọ, rác bẩn gớm ghiếc của tham tàn, của dục vọng, của si mê, của chia rẽ hận thù. Sự tinh sạch sắp đến, bình minh tươi sáng cho nhân loại sắp lố dạng.

Đó là thành quả tuyệt vời của dân tộc Việt Nam, dân tộc được chọn bởi truyền thống văn hóa đạo đức đã mở màn cho công cuộc chấn hưng đạo đức tinh thần trong nhân loại. Đó cũng là đài vinh quang dành cho những sứ đồ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, đã trải qua những tháng ngày vô cùng khó khăn vất vả thi hành sứ mạng, dưới sự soi sáng của Đấng Cha lành Thượng Đế.

 

THI

"Vinh quang thay chiên lành cỏ dại,

Hạnh phước thay con cái Chúa Cha,

Muôn vì sao chói sáng lòa,

Kinh thành, đồng nội, sơn hà nhô lên."

 

Chúa Jesus đã đem ánh sáng đạo mầu, đem sự cứu chuộc đến với trần gian như muôn vì sao sáng lòa chói rọi, để cho con cái của Chúa Cha Thượng Đế khắp mọi nơi, từ kinh thành hoa lệ cho đến chốn đồng nội, sơn hà xa xôi, tất cả đều được hưởng nhờ ân phước đó.

 

"Miền Tây Thái một tên một tuổi,

Đất Á Nam cũng ruổi cũng giong,

Máu tim tuy đỏ mà trong,

Rửa tiêu tội lỗi của lòng dục tham."

 

Miền Tây Thái: Người Trung Quốc cổ đại lấy Trung Quốc làm trung tâm, những quốc gia ở phía tây Trung Quốc gọi là Thái Tây. Nơi đây ám chỉ nước Do Thái, có vùng đất Jerusalem, nơi đã gắn liền với tên tuổi của chúa Jesus.

Đất Á Nam: Ám chỉ vùng đất Jerusalem ở vào miền Nam châu Á.

 Cách nay hơn 2000 năm, nơi miền Tây Thái, đất Á Nam đã lừng lẫy danh tiếng Ngài Jesus là con của Thiên Chúa, do nhận được Thánh Linh nên làm được nhiều phép lạ như đi trên mặt nước, chữa được những chứng bệnh nan y, khiến cho dân chúng ngưỡng mộ và theo Ngài rất đông. Ngài nhân cơ hội dó mà thuyết giảng đạo lý để giáo hóa chúng sanh. Ngài cũng đã chứng tỏ cho mọi người thấy rằng Ngài đến đây chịu khổ nạn trên thập tự giá để chuộc tội cho chúng sanh, đổ máu đào để rửa sạch tội lỗi của chúng sanh do lòng tham dục gây ra từ bao đời kiếp, với hy vọng chúng sanh sẽ vì sự hy sinh cao cả của Ngài mà biết thương yêu nhau, hy sinh cho nhau, để thế gian trở thành thiên đàng tại thế.

 

"Đời vì Ta chuộng ham hạnh Thánh,

Ta vì đời xa lánh ma vương,

Nhơn danh cứu Chúa tình thương,

Nhuộm loang nơi chốn pháp trường bội vong."

 

Judas là một trong mười hai tông đồ của Ngài, đã vì tham tiền mà bán Thầy của mình cho thế lực của kẻ ngoại đạo, khiến Ngài phải đổ máu nơi chốn pháp trường trên thập tự giá. Ngài đã biết trước biến cố này nhưng không trốn đi theo lời khuyên của các tông đồ thân tín. Ngài muốn nhơn danh Đấng Chúa Cứu Thế, đem máu mình, đem tình thương mình để cứu chuộc nhân loại, nêu hạnh Thánh cho đời soi chung.

 

"Nụ cười ấy cũng không xoa được,

Giọt máu này tắm ướt trần gian,

Kêu người thức tỉnh mau toan,

Biết đâu địa ngục thiên đàng mà theo."

 

Nụ cười đắc thắng của kẻ tiểu tâm hại Chúa vang lên như lạc lõng trước sự dũng cãm của Chúa. Ngài chịu thọ hình, dùng giọt máu của mình để thức tỉnh nhân loại, để cho nhân loại thấy con đường sáng mà Chúa đã vạch ra là con đường của tình thương, của hòa bình, của công lý, con đường dẫn đến thiên đàng, đang bị những thế lực đen tối tà ngụy sợ hãi và tìm đủ cách để ngăn đường bít lối. Chúng muốn diệt Chúa Jesus để đưa nhân loại vào chốn địa ngục.

 

"Cùng thứ giống đem gieo nhiều chỗ,

Khác cõi bờ tiên tổ mỗi nơi,

Có chi phải chịu rã rời,

        Có chi dị biệt, mỗi thời mỗi danh."

 

Người giết Chúa Jesus chỉ vì kỳ thị tôn giáo, ganh ghét đố kỵ khi thấy nhiều người đi theo Chúa. Họ xem Chúa là cái gai trong mắt, chờ có dịp là ra tay độc thủ. Họ là thế lực thuộc giáo quyền Do Thái giáo lúc bấy giờ. Họ gây sức ép với chính quyền thuộc Đế Quốc La Mã đang cai trị Do Thái để bắt và hành hình Chúa. Họ không hiễu rằng tôn giáo nào cũng là những hạt giống của Cao Đài Thượng Đế, đem gieo nhiều chỗ nhiều nơi, mỗi thời kỳ có mỗi danh từ, mỗi cõi bờ, mỗi tiên tổ khác nhau, nên sinh lòng nghi kỵ kỳ thị lẫn nhau, tàn hại lẫn nhau.

 

"Ai hằng nói công bằng bác ái,

Ai rao truyền quảng đại ưu sanh,

Phải chăng sứ mạng trung thành,

Biết tin biết sợ phép lành của Ta."

 

Ngài nhắn nhủ những nhà truyền giáo trung thành với sứ mạng của mình, hằng rao giảng tình bác ái, lòng quảng đại, đức háo sanh, hãy biết tin, biết sợ phép lành của Ngài, hãy nhân danh Ngài, giữ lòng chí thành, giữ dạ vô tư mà truyền đạo.

 

                             "Ai tiền kiếp Giu-đa khoác áo,

Ai Pie-rơ chối đạo quên mình,

    Mong gì thị hiện Thánh linh,

Mong gì ân phước hiển vinh đời đời."

 


 

"Chi hơn tin kính Cha Trời,

Hạ nguơn vận thế ấy thời phục nguyên."

 

Đức Jesus Thánh Chúa nhắn nhủ chư Sứ Mạng các tôn giáo cũng như toàn thể nhân loại: Hãy tin và kính Đức Cha Trời Thượng Đế vì Ngài đã lâm phàm khai mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ trong thời Hạ ngươn mạt kiếp này nhằm đưa các tôn giáo đã có từ xưa trở về với chơn truyền Đại Đạo, cái gốc ban đầu của mọi tôn giáo.

 

"Toàn thể thế giới đồng đón rước Ta trong ngày Giáng Sinh, Ta rất lấy làm cảm kích tấm lòng ngưỡng mộ ấy, song ta khuyên tất cả nhơn loài nên vì Ta, vì sự tưởng nhớ đến Ta mà nên nghe lời Cha Ta, Đức Jéhovah hay Cao Đài Thượng Đế đã truyền dạy từ muôn thuở đến bây giờ, bởi cớ Ngài là Chủ Tể LThật."

 

Đức Chúa Jesus tuyên bố cho nhân loại biết rằng Đức Jehovah hay Đấng Cao Đài Thượng Đế là cha của Ngài trên trời, và cũng là Chủ Tể của Lẽ Thật, tức là Chủ Tể của Đạo Lý, của Đại Đạo. Chính Đấng Chủ Tể này đã truyền dạy Đạo Lý, truyền dạy Lẽ Thật cho chúng sanh từ muôn thuở thông qua các sứ giả là những bậc Giáo Chủ các tôn giáo, trong số đó có Đức Chúa Jesus là Giáo Chủ Thiên Chúa giáo. Ngày nay, thời Hạ ngươn mạt kiếp, Đấng Chủ Tể Lẽ Thật đã không giao chánh giáo cho tay phàm mà đích thân lâm trần để khai mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ với tôn chỉ Tam giáo quy nguyên, Ngũ chi phục nhứt, để các tôn giáo sẽ gặp nhau qua hình ảnh Cao Đài Thượng Đế, qua Lẽ Thật hay Đại Đạo. Do vậy, Ngài nhắn nhủ tất cả nhân loại ngày nay, thời Tam Kỳ Phổ Độ, hãy vì lòng ngưỡng mộ đối với Ngài, vì lòng tưởng nhớ đến Ngài mà nghe lời Cha Ngài, Đấng Cao Đài Thượng Đế.

 

"Ta thừa lịnh Ngài tuyên bố lẽ thật cho loài người tiếp lấy trên sự sống của cuộc đời, đó là Ta gần gũi chư hiền nhơn loại mãi mãi, lựa là phải đón rước mỗi năm một lần."

 

Đức Chúa thừa lịnh Đấng Cao Đài Thượng Đế kêu gọi loài người hãy sống bằng Đạo Lý, bằng Lẽ Thật, thể hiện qua ý nghĩ, lời nói và hành động trong cách ứng xử với nhau để thế gian trở thành cảnh thiên đường tại thế. Con người mà làm được như thế thì con người đã có Đức Chúa mãi mãi ở bên cạnh, không cần phải đón rước mỗi năm một lần vì Ngài cũng chính là Đạo Lý, là Lẽ Thật đời đời.

 

"Hỡi tất cả! Thời giờ mãn hạn, chư hướng đạo cùng toàn thể tiếp điển Tiền Bối đến. Ta ban ơn lành khắp mọi nơi, mọi người hiện diện. Thăng."

 


                                                                   

Giáo sĩ Diệu Như

 

 

 

 

 

 

 



[1] Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, CQPTGLĐĐ, 2.2.1973

[2] Đức Cao Triều Phát, CQPTGLĐĐ, 31.3.1985.

[3] Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, CQPTGLĐĐ, Rằm tháng 10, 1974.

Giáo sĩ Diệu Như

Tâm con vốn bửu tòa Thầy ngự,
Hãy giúp người gìn giữ Thiên cơ,
Hoằng khai Đại Đạo Tam Kỳ,
Công bình, bác ái, từ bi đứng đầu.

Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, CQPTGL, Rằm tháng 10 Quý Sửu

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây