Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
15/10/2007
Ngô Nhựt Quang

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 02/01/2010

Quan niệm và biểu tượng về Thượng Đế

2. Quan niệm về Đạo

2.1. Khái niệm về Đạo – Bản nguyên của Vũ Trụ


Ý nghĩa chữ Đạo giữ một vai trò trọng tâm trong toàn bộ hệ thống triết học Lão Giáo. Đức Lão Tử cho rằng Đạo là bản nguyên của vũ trụ. Chương 25 ĐĐK viết: "Có một vật hỗn độn mà thành trước cả trời đất. Nó yên lặng (vô thanh) trống không (vô hình), đứng một mình mà không thay đổi (vĩnh viễn, bất biến) vận hành khắp vũ trụ không ngừng, có thể coi nó là mẹ của vạn vật trong trong thiên hạ. Ta không biết tên nó là gì, tạm đặt tên nó là Đạo, miễn cưỡng gọi nó là lớn (vô cùng)."

Như vậy Đạo là cái có trước trời đất, Đạo sinh ra vũ trụ, muôn loài vạn vật. Đạo là bản thể của vũ trụ, vạn vật.

Đức Lão Tử rất thận trọng khi diễn tả chữ Đạo, Ngài thường dùng cách nói như: có lẽ (tượng), giống như (tự), hình như (nhược), hoặc là (hoặc)... để diễn tả sự huyền nhiệm vô cùng của "Đạo", gọi là "bất khả trí cật" nghĩa là không thể xét đến cùng được vì Đạo thì không tiếng không hơi, không hình không tượng, nhìn nó không thấy, lắng nó không nghe, nắm nó không được. Và Ngài đã xác nhận rằng Đạo vô cùng huyền bí, mầu nhiệm, không thể hiểu hết được và khổng thể dùng ngôn từ để giảng giải được, nên Ngài nói: "Đạo khả đạo phi thường Đạo. Danh khả danh phi thường danh." (ĐĐK Chương 1). Có nghĩa là cái Đạo mà có thể diễn tả được bằng lời thì không phải là cái Đạo vĩnh cửu bất biến. Cái tên mà có thể đặt ra để gọi nó thì không phải là cái tên vĩnh cửu bất biến.

Như vậy, Đạo theo Đức Lão Tử là một khái niệm hết sức trừu tượng mà chúng ta không thể hiểu hết được, nhưng chúng ta có thể hiểu được Đạo là bản thể, là nguồn gốc sinh ra trời đất vạn vật. Đạo bao trùm khắp cả trời đất và ngự trong vạn vật, không lúc nào, không nơi nào là không có Đạo.

2.2. Đạo và Vô Cực

Chương 25 ĐĐK nói rằng có một vật từ trong sự lộn lạo hỗn độn mà thành trước cả trời đất, nó vĩnh viễn bất biến, là mẹ sinh của vạn vật, tạm gọi nó là Đạo. Nhưng chương 2 ĐĐK cho biết cái "hữu vật" đó (tạm gọi là Đạo) lại có cái trước đó sinh ra nó, đó là cái "vô": "Vạn vật sinh ư hữu, hữu sinh ư vô." Như vậy, cái "vô" này chẳng lẽ là cái gì đó không phải Đạo, có trước Đạo nữa chăng? Nếu quả thật như vậy thì chữ "Đạo" mà Đức Lão Tử đã dùng để chỉ bản nguyên của vũ trụ không còn đúng nữa, mà cái "vô" mới là bản nguyên của vũ trụ. Do vậy, ta có thể hiểu "Đạo" gồm cả hai thể "hữu" và "vô", "vô" là đạo còn tiềm thể, hữu là đạo đã hiện thể. Và để diễn tả trạng thái "vô" -- Đạo lúc tiềm thể -- Đức Lão Tử dùng chữ "hỗn" (Chương 14: "Thị chi bất kiến, danh viết Di, thính chi bất văn, danh viết Hi, đoàn chi bất đắc, danh viết Vi. Thử tạm giả, bất khả trí cật, cố hỗn nhi vi nhất" Nghĩa là: "Nhìn mà không thấy gọi là Di (vô sắc), lắng tai mà không nghe gọi là Hi (vô thinh), nắm không được gọi là Vi (vô hình). Ba cái đó (di, hi, vi) truy cứu đến cùng cũng không biết được gì. Chỉ thấy trộn lộn làm một thôi" và chương 25 viết: "Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sanh"). Chữ "hỗn" có thể hiểu là hỗn tạp, trộn lộn, hỗn độn. "Vật" là Đạo hiện thể. Còn trạng thái "hỗn" đó là Đạo trong tiềm thể, là khái niệm Vô Cực trong vũ trụ luận Đại Đạo. Vô Cực là khoảng không gian mịt mịt mờ mờ với khí Hồng Mông có trước Thái Cực:

"Trước kia chưa định ngôi Thái Cực thì trong khoảng không gian ấy còn đương mịt mịt mờ mờ với khí Hồng Mông, vì đó là còn trong thời kỳ hổn nguyên vậy. Không gian ấy tức là Vô Cực" Ngọc Hoàng Thượng Đế, 23-9 Binh Tý (1936) -- Đại Thừa Chơn Giáo (ĐTCG)

Và theo giáo lý Đại Đạo, Đạo là Hư Vô chi khí.

"Đạo là gì? Đạo là Hư Vô chi khí, Đạo rất mầu nhiệm sâu kín cao siêu. Trước khi chưa có trời đất, đã có Đạo. Vậy, Đạo đã tạo dựng nên càn khôn võ trụ, hóa sanh vạn vật muôn loài. Muôn loài vạn vật phải thọ bẩm khí Hư Vô mà sanh hóa mãi mãi"Ngọc Hoàng Thượng Đế, 02-8 Bính Tý (1936) -- ĐTCG

Như vậy: Đạo là Vô Cực, là khí Hồng Mông, là Hư Vô chi khí.

2.3. Đạo và Thái Cực, Hoàng Cực -- Cơ nguyên sanh hóa của Đạo

ĐĐK Chương 42 viết: "Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Vạn vật phụ âm nhi bão dương, xung khí dĩ vi hòa."

Theo trên, ta thấy Đạo là nguồn gốc tối sơ của vạn vật, đồng nghĩa với khí Hồng Mông mịt mịt mờ mờ, hồn nhiên nhứt khí. Nếu cứ mãi mịt mịt mờ mờ, lặng lẽ như vậy thì không thể hóa sinh được, nên có một điểm động đầu tiên khởi đầu cho cơ sanh hóa, nên gọi là "Đạo sanh nhất", nhất đây là cái thể duy nhất của Đạo, cũng là cái "Vật" được hình thành từ trong hỗn độn trong câu "hữu vật hỗn thành", là Đạo đã hiện thể. Nhị là nói đến âm dương, tức là hai nguyên lý đối lập đồng thời tồn tại trong mỗi vật, vì thế mới nói "vạn vật phụ âm nhi bão dương". Giữa sự mâu thuẫn đó có một nguyên lý thứ ba làm cho hai nguồn năng lực đó dung hòa nhau. Đó là chỗ mà Đức Lão Tử nói "xung khí dĩ vi hòa" tức là cái nguyên lý làm cho hai khí xung đột ấy dung hòa nhau. Hòa nhau thì vạn vật được hình thành, gọi là "tam sanh vạn vật". Trong Đại Thừa Chơn Giáo, Thầy dạy:

"Trong Vô Cực ấy lại có một cái Nguyên Lý Thiên Nhiên tuyệt diệu tuyệt huyền, rồi lại có thêm một cái Nguyên Khí Tự Nhiên nữa. Lý với Khí ấy tức là Âm với Dương trong buổi Hồng Nguyên thời đại. Lý Khí ấy lại lần lần ngưng kết với nhau mà đông tụ lâu đời nhiều kiếp mới thành ra một khối tinh quang rất đủ đầy các sự tốt đẹp. Chừng đúng ngày giờ, khối ấy mới nổ tung ra một tiếng vang lừng dữ dội phi thường, làm cho rúng động cả không gian: bèn có một điểm Linh Quang từ trong tiếng nổ ấy lăn ra mà lăn lộn quây quần giữa chốn không trung, bắn tủa hào quang rất chiếu diệu rạng ngời, trùng trùng điệp điệp, rực rỡ chói lòa khắp cả mọi nơi. Ấy chính là NGÔI CHÚA TỂ của CÀN KHÔN VŨ TRỤ đã biến hóa ra vậy. Vũ trụ từ đây mới bắt đầu có ngôi Thái Cực trọn lành, trọn tốt, toàn tri, toàn năng, thiên biến vạn hóa, vô tận, vô cùng, nắm trọn quyền hành thống chưởng cả càn khôn vũ trụlà lấy cơ thể âm dương mà phân thanh biện trược, làm máy động tịnh để gom tụ cái khí Hư vô đặng hóa sanh muôn loài vạn vật." Ngọc Hoàng Thượng Đế, 23-9 Bính Tý (1936) -- ĐTCG

Như vậy, nhờ giáo lý Đại Đạo, ta biết được trong ĐĐK: Trạng thái "hỗn" trước cái "Nhất" là Vô Cực, "Nhất" là Thái Cưc; "Nhị" là Âm và Dương; Và "Tam" là Hoàng Cực.

Đến đây ta thấy vũ trụ luận theo ĐĐK gồm các khái niệm Đạo, Nhất, Nhị, Tam có sự tương đồng với các khái niệm Vô Cực, Thái Cực, Âm Dương và Hoàng Cực trong vũ trụ luận Đại Đạo.

Mặt khác, vũ trụ luận Đại Đạo còn đưa ra khái niệm về Thượng Đế Vô Ngã như là "Chân Lý tự nhiên, vô hình, vô tình, vô danh" Yếu Điểm Giáo Lý Đại Đạo, CQPTGLĐĐ, 2006, tr. 121 vận hành cả vũ trụ vạn vật. Và trong ĐĐK, khái niệm "Đạo" là bản nguyên, là nguyên lý vĩnh cửu bất biến hóa sinh và vận hành cả vũ trụ vạn vật, hoàn toàn tương đồng với khái niệm "Thượng Đế Vô Ngã" trong vũ trụ luận Đại Đạo.

3. Quan niệm về Thượng Đế Hữu Ngã

Thật ra Thái Cực (Nhất) là khái niệm chuyển tiếp từ ý niệm bản thể (Vô Cực, Không) sang ý niệm hóa sinh, và Hoàng Cực (Ba) là cái dụng của Đạo để "lấy cơ thể âm dương mà phân thanh biện trược, làm máy động tịnh để gom tụ cái khí Hư Vô đặng hóa sanh muôn loài vạn vật".Ngọc Hoàng Thượng Đế, 23-9 Bính Tý (1936) -- ĐTCG Như vậy từ nhất thể là Đạo hóa ra Tam Cực, (nhất thể biến sinh Tam Cực). Từ đó mà vạn vật được thành hình. Do đó Tam Cực nằm trong ý niệm về bản thể, về nguyên lý, quy luật bất biến, là Thượng Đế Vô Ngã trong vũ trụ luận Đại Đạo.

Và Chương 4 ĐĐK, giải về Đạo là chương duy nhất có nhắc đến chữ Đế: "Ngô bất tri thùy chi tử, tượng Đế chi tiên", "Đế" là chỉ Thượng Đế. Đạo là cái mối bắt đầu không biết từ đâu, có lẽ trước Thượng Đế --Đấng toàn tri toàn năng toàn giác, chúa tể cả càn khôn vũ trụ mà nhân loại hằng quan niệm.

Mặc dù Ngài không giải thích về Thượng Đế hữu ngã, nhưng Ngài vẫn nhìn nhận sự có mặt của Thượng Đế hữu ngã cùng với Đạo -- Thượng Đế vô ngã.

4. Biểu tượng của Đạo qua chiết tự

Trong Hán tự, chữ Đạo có thể được chiết tự như sau. Bắt đầu hai phết tượng trưng Âm Dương, gạch dưới một gạch là chữ nhứt, tượng trưng Âm Dương hiệp nhứt là cơ sanh hóa. Kế dưới là chữ "Tự" nghĩa là chính mình, tự tri, tự giác, tự giải thoát, chớ không ai làm giúp mình được. Trên dưới ráp lại thành chữ "Thủ" nghĩa là đứng đầu, trên hết, là nguồn gốc của càn khôn vũ trụ và vạn vật. Bên hông lại thêm chữ "Tẩu" là chạy, tức là vận chuyển biến hóa. Vậy trong chữ "Đạo" có hàm ý Âm Dương, động tịnh, động thì hóa sanh, tịnh thì vô hình vô ảnh.

Đức Huệ Minh Chơn Tiên dạy :

"Chữ Đạo: Hai phết đầu là âm dương nhị khí, chỗ gọi là khí Hư Vô. Hư là Thái Hư. Cực là Vô Cực. Chữ nhất ngang qua là ngôi Thái Cực Thánh Hoàng. Thuở hỗn độn chưa phân, càn khôn chưa định, minh minh mờ mịt ám mù có một khí Hư Vô xoay tròn trên không gian. Khí Thái Hư là nước. Vô Cực là khối điển quang. Huyền năng là nước, lửa hỗn hiệp đầm ấm huân chưng, nổ tung sinh ra Đấng Thái Cực Thánh Hoàng. Từ đó kêu tên là khai thiên tịch địa. Khối điển quang xuất thành ra nhật nguyệt tinh tú. Khí thanh nổi lên làm trời, khí trược nặng nề ngưng xuống làm đất, biển, sanh sông núi, thảo mộc thú cầm và nhơn loại. Khí Thái Hư là hơi nước thanh nhẹ lần lần bay lên chỗ tuyệt đối không gian vô tận, vô cùng, chia làm thượng giới.

Giữa chữ mục là mắt. Cơ tại mục. Chữ mục có hai ngang ở giữa là âm dương, bốn phía là đông tây nam bắc bao gồm càn khôn vạn vật vào trong. Nhật nguyệt tinh sáng soi miền trung giới. Còn quai sước dưới là đất biển, sông núi, liên tiếp minh mông trong ngũ châu vạn quốc. Gồm 72 quả địa cầu gọi là trung giới.

Vậy chữ Đạo là sanh trước trời đất vạn vật, bao gồm không gian, thời gian trong chữ Đạo." Chơn Lý Hiệp Tuyển, Q. 4, Liên Hoa Đàn xb, 1963, tr. 149

Qua chiết tự trên, ta có thể nói chữ Đạo mang tính triết học rất cao có thể xem như một biểu tượng thể hiện bản nguyên vũ trụ, tức biểu tượng Thượng Đế Vô Ngã - Hữu Ngã mà Lão học ngầm ý thể hiện.

5. Kết luận

Tóm lại, qua sự so sánh trên, chúng ta thấy giữa quan niệm về Đạo trong ĐĐK và quan niệm về Thượng Đế trong vũ trụ luận Đại Đạo có sự đồng nhất với nhau. Thượng Đế không phải là tinh thần cũng không phải là vật chất. Ngài dung thông cả tâm lẫn vật và đương nhiên là Ngài siêu xuất lên trên cả vật và tâm. Ngài là siêu việt vô gián, cho nên con người không thể mong hiểu biết, bắt gặp Ngài, trừ khi lòng người đã trong sạch, thuần chơn vô ngã. Do đó, Đức Lão Tử chủ trương trở về cái vô vi thanh tịnh để nhận chân Đạo - Thượng Đế. Hơn nữa, quan niệm về Đạo - Thượng Đế vô ngã hay hữu ngã của Ngài không phô bày ra thành hình tướng, thành biểu tượng. Và nếu ta muốn tìm một biểu tượng về Đạo - Thượng Đế trong ĐĐK, thì chữ Đạo là một biểu tượng đầy đủ ý nghĩa nhất.

Tài liệu tham khảo

Lão Tử, Đạo Đức Kinh (bản dịch của Nguyễn Minh Thiện)

Lão Tử, Đạo Đức Kinh (bản dịch của Nguyễn Hiến Lê)

Lão Tử, Đạo Đức Kinh (bản dịch của Nguyễn Duy Cần)

Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Yếu Điểm Giáo Lý Đại Đạo, NXB Tôn Giáo, 2006.

Đại Thừa Chơn Giáo

Chơn Lý Hiệp Tuyển 1963
Ngô Nhựt Quang

Đạt đạo nhờ tâm chẳng vọng tâm,
Muôn đường ngàn nẻo cũng do tâm.
Hỡi ai giữ được tâm chuyên nhứt,
Sẽ dứt phàm tâm lộ thánh tâm.

Đức Bảo Pháp Chơn Quân, CQPTGL, 13-5 Tân Dậu

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây