Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
17/04/2010
Vô Vi Đài - Tam Kỳ Nguyên Nguyên Bản Bản

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 18/04/2010

Kinh Sám hối Tam Kỳ Nguyên Nguyên Bản Bản

Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ
Công-Bình Bác-Ái Từ-Bi
Niên Đạo thứ 85

Thánh-Thất Cao Đài Paris
35, rue Roger-Girodit. 94140 Alfortville FRANCE.  : 01 43 53 05 78

THÁNH KINH SÁM HỐI

Kỷ Niệm Lễ Vía
Đức DIÊU TRÌ KIM MẪU VÔ CỰC ĐẠI TỪ TÔN
Mùa Trung Thu tháng 8 năm Canh Dần

In lại tháng 09 năm 2010
VÔ - VI ĐÀI

TAM KỲ NGUYÊN NGUYÊN BẢN BẢN

CHƠN LÝ TẦM NGUYÊN
__________________________

KINH SÁM HỐI

SÁM = nghĩa là xét mình, xét những tội lỗi của mình đã phạm tự bấy nay.

HỐI = nghĩa là ăn năn cải quá, xin cầu nguyện từ rày nhẫn sau không tái phạm như vậy nữa.
________________

Kinh nầy đã cho ra từ năm Nhâm-Thân (1932), song khi ấy tôi không thể in ra cho nổi, kịp đến lúc tôi làm Chủ Bút tờ Đuốc Chơn-Lý cũng muốn đem ra ấn hành vào tờ ấy đặng công dụng cho Nhơn-sanh thức tỉnh, biết noi theo Chánh-giáo mà xét mình trong những lúc định tâm, hoặc là dùng nó mà đọc trong những giờ ban khuya thanh vắng lặng lẽ mà suy gẫm từ câu từ chữ, phòng nhờ lấy nó làm cây gậy dò đường cho mình biết tội lỗi mà chừa, hay là làm cây Đuốc-Huệ rọi đường cho thấy tỏ nẻo Chơn-Chánh mà đi. Tiếc thay lúc ấy lại vì nhiều duyên cớ khiến cho chậm trễ, vì vậy mà kinh nầy chưa ra đời.

Nay nhơn lúc rảnh, lục soạn những Thánh Ngôn Cơ Bút tự xưa nay đặng sắp lại cho có thứ lớp, thấy bài kinh nầy hỡi còn nằm trong một tập giấy xưa, trong lòng ngùi ngùi cảm động, nên chép lại nguyên văn gởi cho anh em ai là người đồng chí coi lấy mà dọn mình cho trong sạch, tưởng cũng là một điều bổ ích vậy.

NHÀ CHUNG 10 THÁNG SÁU 1939
(23 tháng tư năm Kỷ-Mão)
THOẠI HÀ Nguyễn Hữu Phùng

KINH SÁM-HỐI

THỂ phách tinh-anh thật báu Trời,
LIÊN cung un-đúc Tượng đôi đôi;
TIÊN Thiên khí hóa trong trong trắng,
NỮ vị Nam ban gốc Một ngôi.

* * *
Kính chào mừng Sư-Thúc,

Đệ tử vưng lịnh Diêu-Trì-Cung đem ban Kinh Sám-Hối cho Nhơn-Sanh để phòng ngày sau có người muốn bước chơn vào Con Đường Chơn-Lý thì hãy nương theo đây mà tu tỉnh đặng dọn lấy mình cho trong-sạch. Đã dọn mình trong-sạch rồi, thì mới biết Tu-Tâm Dưỡng Tánh là làm sao. Biết Tu Tâm Dưỡng Tánh rồi thì mới hiểu Chơn Thân Chơn Thần của mình là món gì, bởi đâu mà có, có ra đặng làm gì. Nếu ai biết rằng mình nầy, xác nầy phải nhờ có Chơn Thân Chơn Thần nên mới gọi là Chơn Thể, thì hãy noi theo Kinh nầy đặng xét mình mà định lấy Chơn-Tâm. Chơn-Tâm đã định rồi, thì Chơn Thân Chơn Thần Chơn Thể mới gọi là trong sạch, khi ấy Chơn-Hồn mới có. Khi Chơn-Hồn đã có ứng vào Thân Thần Thể rồi, khi ấy gọi là Chơn Nhơn. Đến khi đến tới địa-vị Chơn-Nhơn rồi, còn cần phải giờ phút lo định-tỉnh mà tu-tỉnh lấy Chơn-Nguơn của mình cho thật hoàn toàn, phòng đến ngày bước đến thềm Ngọc-Kinh khỏi bị Chư Thiên, Chư Thánh, Chư Thần dòm xét trách quở mà phải tháo lui.

Kinh nầy quí trọng dường thế, xin Sư-Thúc hãy trân trọng về sự ban hành. Nếu phải người thì Sư-Thúc hãy ban ra, bằng chẳng phải người mà Sư-Thúc không cẩn-thận, thì sự ban hành ấy lỗi về phần Sư-Thúc.

Đệ-tử xin Sư-Thúc an vị đặng chứng cho Đệ-tử chép Kinh trao cho Sư-Thúc.

Đệ-Tử xin chép THANH TỊNH PHẨM, SÁM-HỐI KINH.


SÁM - HỐI KINH

THANH-TỊNH PHẨM


* * *

Mây giăng khuất khiến trăng mờ tỏ,
Mây ngờ trăng giảm chỗ tinh thần,
Mây rằng mây phủ khắp từng,
Mà mây có biết Thần trăng thể nào?

Thần trăng vốn ở Cao-Ngọc-Khuyết,
Thần bao giờ có Thiệt có Hư,
Thiệt Hư là tại mây ngờ,
Mây ngờ mây mới tưởng mờ được trăng.

Lòng trăng vốn trong ngần vặc vặc,
Mây dầu che qua mặt một hồi,
Mựa rằng chậu úp khôn soi,
Mảy thu đâu lọt mắt Trời như giăng.

THẦY Chúa-Tể mấy từng cao ngự,
THẦY nào sanh đứa dữ như con,
THẦY sanh THẦY phú đủ hồn,
THẦY sanh THẦY dạy chẳng còn sót chi.

Nay con tỉnh biết suy biết nghĩ,
Xác thân vì ma quỉ dỗ dành,
THẦY ôi con dại đã đành,
THẦY ôi con dại lạy trình tội xưa.

Con bị quỉ dối lừa gạt gẫm,
Dắt con vào hố thẳm hang sâu,
Lạy THẦY con dại van cầu,
Lạy THẦY con dại chực chầu CHÍ-TÔN.

Con thú thiệt tội con THẦY xét,
Lạy xin THẦY nhìn biết lấy con.
Tội con tội chất dường non,
Tội con dường cát lấp vuông Hằng-Hà.

Con dại dột bị ba quỉ giục,
Nên mắc vòng Tham Độc hại mòn,
Hại con đến mất Linh-Hồn,
Hại con Tham Muốn chẳng còn sót chi.

Tham muốn được phân bì với thế,
Tham muốn sao thân thể cho sang,
Tội Tham con thiệt dẫy tràn,
Tội Tham con vướng muôn vàn thứ Tham.

Miệng con nói con ham phước đức,
Mà lòng tham sẵn chực một bên,
THẦY ôi con thiệt yếu hèn,
Lòng tham dại dột tập quen lâu đời.

Tham cho đến tưởng Trời không thấy,
Tham cho cùng việc quấy nói hay,
Tham giành ruộng đất cò bay,
Tham giành tước lộc khoe hay khoe tài.

Nhỏ tham nhỏ xây xài đừng thiếu,
Lớn càng tham đúng điệu mới vừa,
Tội tham rày tới con chừa,
Lại THẦY tha thứ sớm trưa chầu THẦY.

Đầu cúi lạy xin bày tội Giận,
Tội Giận nầy còn lấn tội tham,
THẦY ôi tay lỡ nhúng chàm,
THẦY ôi con mến cõi phàm nên Mê.

Rày con nhớ cảnh quê hương cũ,
Nhờ ơn THẦY nhắc nhủ bấy lâu,
Dâng hương con nguyện khấu đầu,
Con xin khai tội trước sau nhờ THẦY.

Tánh nóng nảy chứa đầy chuyện giận,
Hình như người chực sẵn chuyện gây,
Trong lòng buồn bực chẳng khuây,
Câu mâu lỗi phải la rầy hanh hao.

Lòng bứt rứt chuyện nào cũng giận,
Sớm cùng trưa chẳng thuận với ai,
Lỗi xưa tích cũ nhớ dai,
Chặt lòng chẳng chịu nguôi ngoai bao giờ.

Cưu giận cũ vẩn vơ chặt chịa,
Lòng dặn lòng chẳng nghĩa nào quên,
Phải thời gặp dịp thì đền,
Mật thoa cửa miệng gươm rèn đợi cơn.

Cũng có tánh hay hờn hờn mát,
Mà trong lòng ngứu nát như tương.
THẦY ôi con dại THẦY thương,
Tội hờn, tội giận nhiều trường gớm ghê.

THẦY đại độ chở che con dại,
Mến hồng trần con phải tội mang.
Hồng trần thiệt chốn lửa than,
Vướng trần con phải giận tràn đầy hông.

Biết sao kể cho cùng tội giận,
Trăm việc chi cũng giận cũng hờn,
Tại con Tham Muốn phần hơn,
Tại con Tham Muốn mà trơn trợt hoài.

Tham thì thâm từ đây con biết,
Giận hết khôn con quyết xin chừa.
THẦY ôi con lạy xin thưa,
Thưa rằng quỉ giận nó lừa gạt con.

Vì Hờn Giận hết khôn mất trí,
Hóa ngu si nên quỉ phỉnh phờ,
Vô-minh che ám trẻ thơ,
Lạy THẦY cứu trẻ đến bờ Giác-mê.

Ba quỉ độc nào dè đến thế,
Khiến cho con bê trễ công trình.
Ngu-si nào tại vô-minh,
Ngu si vì bởi không tin lời THẦY.

Đầu cúi lạy cao dày lượng cả,
Nới hồng ân hỷ xả tội con.
Con ngu con tưởng rằng khôn,
Đã ngu lại dại còn chường đem khoe.

Con ngu dại quá mê sắc tướng,
Nên con gieo nghiệp chướng dẫy đầy.
Hết khôn hóa dại hóa ngây,
Còn đem Lý-sự đặng gây bướng càn.

Mê sự-lý chẳng tường Chơn-Lý,
Nên đa mang lũ quỉ ngu si.
Quỉ ma kết lũ níu trì,
Lời ngay chẳng lọt cũng vì vọng-tâm.

Tâm Tham Vọng gây mầm tội lỗi,
Hóa kiêu căng quên cội kiểng xưa.
Mưu mô kết lũ vầy bè,
Đặng khoe trí thức có chê nhạo người.

Lòng tập nhiễm theo đời vật chất,
Nên hóa ra tâm thuật phàm phu.
Tưởng khôn mà thấy càng ngu,
Có ngu mới thấm đứa mù quến ma.

Ngu cho đến Cái TA không biết,
Nhìn nó rằng cái THIỆT của mình.
Mê lo cho nó trường sanh,
Tham cầu cho nó cao danh lớn quyền.

Tham muốn được ăn trên ngồi trước,
Trăm việc tham lấn lướt hơn người.
Lòng tham được việc thì cười,
Tham không vừa ý đất trời ngửa nghiêng.

Con xét thiệt con điên con dại,
Bởi Sân Si Tham Ái nhiều đời.
Con rày nhìn tội THẦY ôi,
Lạy THẦY tha thứ việc rồi của con.

Nghiệp hay nói méo tròn quấy phải,
Xét tội nầy thiệt hại chẳng vừa.
Lạy THẦY trẻ dại cúi thưa,
Cũng vì căn-kiếp lớp xưa di truyền.

Miệng ăn nói việc hiền hóa dữ,
Hay đồ mưu sanh sự bớt thêm,
Gây cho ra việc thù hiềm,
Kế gian chứng dối, thúc kềm nhỏ to.

Tánh chim chuột ăn no bươi phá,
Việc của người vạch lá tìm sâu,
Dò la chắp nối mượn màu,
Trắng đen chớp nháng bắc cầu sang sông.

Miệng hiểm độc thêm lòng sâu sắc,
Miệng mở ra mượn Phật dối Trời.
Bạn bè tin tưởng bằng lời,
Tin rồi mắc bẫy kêu Trời khó kêu.

Kế Khẩu-nghiệp nhiều điều gian quỉ,
Lo đánh lừa ích kỷ hại nhơn.
Trả vay nhơn quả chi sờn,
Miễn cho phỉ dạ nghĩa nhơn kể gì.

Miệng thường nói Tham Si nghiệp báo,
Lòng cũng lo đừng tạo Quả nhơn.
THẦY ôi! Độc lắm hóa lờn,
Bởi dây ma chướng nó đờn trong tim.

Con dốc tu mới tìm Chơn Lý,
Lý vừa phăng thì quỉ phá tan.
Phá con nghĩ nghị trăm đàng,
Bán nghi bán tín cãi bàn ý riêng.

Ý bàn riêng quỉ liền xuyên tạc,
Khiến cho con phải lạc đường Chơn,
Khiến con hay giận hay hờn,
Khiến cho Khẩu-nghiệp quên Nhơn quên Nghì.

Con muốn chi phi phi thị thị,
Mà thị phi rủ rỉ bên tai.
Đường hư cũng biết lầm sai,
Song ai nói đến thì bài bác luôn.

Con cũng biết trời non đất biển,
Nhờ ơn THẦY Đạo chuyển kỳ ba.
THẦY ôi con dại thứ tha,
Bởi con nghiệp chướng quá già lộn xây.

THẦY thương xót cả bầy con dại,
Cho chúng con trở lại Ngọc-Kinh.
Bởi con chuộng cái vô-minh,
Bởi con muôn việc ỷ mình rằng khôn.

Hễ ỷ khôn rốt dồn hóa dại,
Biết vậy rồi cũng lại tự cao,
Tưởng rằng cuộc thế ảo bào,
Nào hay mượn Đạo, Đạo nào có cho.

Đạo dạy cho phải lo hành-đạo,
Đạo nào cho mượn Đạo tạo danh.
THẦY ôi tại quỉ Thất tình,
Vô minh che khuất Tánh lành của con.

THẦY hỡi THẦY! Thương con khờ dại,
Con từ đây xét lại tội xưa,
Tội xưa lỗi cũ con chừa,
Dứt dây Tam độc mẹo lừa gạt con.

Ý vô minh đời dồn kiếp chứa,
Giỏi tập rèn bảy đứa quỉ ma.
Thế Thần mưu kế ta-bà,
Tìm phương đắc chủ cho ra khỏi đàng.

Ra khỏi đàng mê man cảnh sắc,
Nắm cương rồi càng gắt dây cương.
Khớp dàm ngựa phải lạc đường,
Bôn ba, gạt vượn quên đường tự nhiên.

Đạo đâu bảo chia quyền lấn thế,
Đạo nào cho phân rẽ ta người.
Vô minh giục trẻ biếng lười,
Biếng lười nên quỉ mượn Trời gạt con.

Đã gạt con lại còn tự phụ,
Khen con đà thấu đủ huyền cơ,
Khiến con quên bến quên bờ,
Quên nhân nghĩa trước theo cơ hội nầy.

THẦY hỡi THẦY thơ ngây con trẻ,
Vì luân hồi xiết kể ngàn muôn.
Quỉ khen được trớn đi luôn,
Cũng vì cái Ý tưởng khôn hơn người.

Con nhìn Trời nhớ Trời khôn xiết,
Ý níu trì mài miệt vô minh.
Bảy ma giờ khắc đón rình,
Xui con lâm vấp tình hình chứa chan.

Giờ Định Tỉnh con than thở phận,
Định tâm-thần rõ trận giặc ma.
Ma nầy nào phải đâu xa,
Ma nầy bởi trẻ lộn pha vào mình.

Trộn vào mình rồi tin lại tưởng,
Tin-tưởng nhiều xu hướng càng sâu.
Ý kia Thân nọ một màu,
Lại thêm Tâm Vọng trước sau nhuộm nhồi.

Thân lầm vấp mấy đời nghiệp chướng,
Cũng vì Tâm vọng-tưởng, vọng cầu.
Ý hay dối trá làm màu,
Làm màu chân thật vàng thau ai tường.

Ý dại tưởng nhiều phương gạt gẫm,
Ngày những đêm sẵn sắm mối manh,
Lừa cơn phải dịp phui phanh,
Sai Thân khiến Miệng sứa sanh nhịp nhàng.

Ý hại Thân muôn ngàn sự khổ,
Tâm thần đều bị nó mà hư,
Khiến quên bờ bến Chơn Như,
Khiến nên tư-tưởng tưởng tư phàm trần.

Lúc định tâm xét Thân nhiều tội,
Nhiều tội vì chuộng dối bỏ chơn.
THẦY ôi con dại như muôn,
Mà con những tưởng con khôn qua THẦY.

THẦY từng nói ơn THẦY như biển,
Xin thương con lười biếng dại khờ,
Tu hành ngơ ngáo, ngáo ngơ,
Thả ra cuộc thế dễ khờ hơn ai?

Quỉ lục dục nhiều bài độc ác,
Xuôi cho con biếng nhác trăm bề,
Nghe Kinh thì não thì nề,
Nghe đờn thì tríu thì mê quên nhà.

Con đâu muốn lòng ma miệng Phật,
Mà quỉ ma sẵn chực kề bên,
Hớ-hinh liền bị nọc tên,
Nọc tên thiệt độc ăn liền thấu tim.

Con lười biếng quên kềm lòng chặt,
Khiến vậy nên rước giặc vào nhà.
Lạy THẦY lượng cả thứ tha,
Con nguyền bỏ nết lơ-là mớ-mê.

Tội con xét trăm bề tội lỗi,
Vì đua chen với cõi nhãn tiền,
Quên nơi cội gốc Thiêng Liêng,
Quên lời hứa nguyện ròng chuyên Đạo THẦY.

Mười lời nguyện gió bay cửa sổ,
Mười lời khuyên chẳng cố vào lòng,
Kệ kinh dẫu đọc như không,
Ngoài tuy sốt sắng mà trong bơ thờ.

Tánh lười biếng chần chờ khó gỡ,
Mà làm tuồng tở mở siêng năng.
Buôn Trời bán Phật thì hăng,
Xét mình sửa lỗi thiệt bần thần thay.

THẦY hỡi THẦY thơ ngây con dại,
Vì luân hồi mãi mãi không hay,
Tưởng theo thời thế quơ chài,
Nào hay trên nóc có THẦY cầm cân.

THẦY ôi THẦY muôn phần xin thứ,
Con nhìn con tội dữ tràn trề,
Quá nghe đờn quỉ hóa mê,
Tham theo sắc tướng quên nghe lời THẦY.

Kinh Thiệp-Quyết dạy bày cặn kẽ,
Đạo Luân Thường gốc rễ nhơn-sanh,
Nghĩa, Nhơn, Trung, Hiếu mối manh,
Dạy cho khắn khít giữ mình chớ sai.

Con nào nhớ những bài dạy ấy,
Bởi Ý con bắt cạy khéo khôn,
Ý con với Trí một phồn,
Ý sao Trí vậy Lý tuôn trộn trà.

Lý trộn vào liền sa Tả đạo,
Tả-đạo làm điên đảo thị phi.
Sang giàu hiếm kẻ tôn ti,
Chỉ hươu là ngựa nói gì cũng xong.

Con dại dột theo vòng Lý Trí,
Bởi ham mê ích kỷ tự cao,
Quên câu thế sự ảo bào,
Đeo theo vật chất dồi dào phàm thân.

Theo vật chất kiếp trần đau khổ,
Mà cũng theo đến chỗ đến nơi,
Dầu làm phong hóa tàn tồi,
Miễn cho vinh mặt một hồi cũng ưng.

Ba mươi sáu răng, đóng trăng cái lưỡi,
THẦY biết con tội bởi miệng mồm,
THẦY ôi miệng khít như nơm,
Cũng vì cái Ý chực hờm mở phanh.

Lưỡi biết chi rằng hành rằng tỏi,
Lưỡi biết chi rằng giỏi rằng khôn.
Cũng vì Lý-Trí dập dồn,
Ý thêm bài biện hại mòn cái thân.

Xác thân nầy vẫn cần với thế,
Lý Trí kia với Ý vô hình,
May phần một lúc khoe vinh,
Chẳng may thì để Thân Hình chịu nhơ.

THẦY ôi THẦY! Con khờ con dại,
Biết làm sao trở lại Ngọc Kinh.
Trần gian thiệt chốn bùn sình,
Trần gian thiệt chốn hôi tanh trăm bề.

Chốn trần gian khéo khoe náo nhiệt,
Hại Thân Hồn mài miệt mẩn mê,
Bạc vàng nhà cửa ngựa xe,
Phấn giồi sắc lịch khuất che Linh Hồn.

Nay con xét biết khôn đã muộn,
Biết muộn rồi thật uổng Thân danh.
Thân nầy vốn của Trời sanh,
Trời nào sanh khổ đặng hành phạt Thân!

Thân miễn cưỡng dọn chưng khoe khoét,
Làm ra tuồng loà loẹt hợm đời.
Nơm lờ tay kẹt than ôi!
Đạp gai gai lể kêu Trời cứu Thân.

Nghĩ biết khôn ăn năn đã muộn,
Có xác người đeo tướng lười-ươi.
Uổng đời, uổng kiếp đành rồi,
Hồi đầu chịu tội Cha Trời thứ dung.

Con chí nguyện sửa lòng Thanh-Tịnh,
Quyết về đường Chơn-Chánh ban sơ.
Tội xưa lỗi cũ con chừa,
Trăm năm như nháng dây dưa hại đời.

Đầu cúi lạy bày lời Sám Hối,
Xét con rồi con hỏi lấy con.
Nguyền rằng biển cạn non mòn,
Chẳng còn đeo đuổi theo khuôn luân hồi.

KÍNH SƯ-THÚC

Đây là Đệ Tử chép phẩm kinh Thanh-Tịnh Sám Hối đặng cho người học Đạo nương theo đó mà Sửa Mình cho Trong Sạch. Người học Đạo cần phải thuộc kinh nầy cho nhuần, phòng gặp những lúc Động Ngôn Thị Thính, Hành Trụ Tọa Ngọa coi có phạm nhầm một câu nào hay không, nếu biết có phạm thì tức khắc phải Sửa Mình.

Khi đã biết Phạm và đã biết Sửa rồi, thì trong giờ ấy phải đến nơi Thiên Bàn mà cầu nguyện xin Sám Hối tội lỗi ấy. Như vậy gọi là Tự Tâm Sám Hối. Sám Hối vụ cho mình tự biết lấy tội lỗi mình vì mình đã xét mình mình rồi nên đến trước Thiên Bàn mà đọc Sám Hối. Ấy là Tu vậy đó. Ấy là Sửa Mình vậy đó. Nếu lâu ngày mà Mình tự xét kiếm tội lỗi của Mình, thấy càng ngày càng ít, ấy là Mình đã gần Trong Sạch vậy. Mình đã được Trong Sạch. Khi ấy Tâm Tánh Thiêng Liêng của Trời ban phú mới có thể Ứng vào cho Mình mà Hiệp Nhứt với Vũ-Trụ.

Đây là phẩm Kinh thứ nhứt dạy sơ lược mà thôi, còn phẩm thứ hai nữa để chỉ cho những vị nào Tâm Tánh đã Trong Sạch rồi, nương lấy nó mà Định Thần cho rõ Chơn Thân, Chơn Thể, Chơn Hồn của mình.

KÍNH SƯ-THÚC

Kinh là một vật báu của Trời mở Đạo dạy Đạo từ ngôi, từ bực, từ lớp. Đã có nhiều Kinh ra đời rồi nhưng mà đời dùng nó đặng làm một món hàng để thủ lợi, chớ nào có trọng Kinh Sách chi đâu! Đệ Tử cúi đầu xin Sư Thúc hãy cẩn thận trong sự ban hành Kinh Sách, vì có một nhóm con buôn dùng nó làm một món hàng đắt để bán buôn hóa ra Đệ tử chép Kinh, Sư Thúc ban hành Kinh, mà lũ con buôn tu hành giả dối cứ ngồi thủ lợi, thì tội ấy về ai?

Đệ-tử xin kiếu

THỂ-LIÊN TIÊN NỮ

BAN HÀNH KINH
Tân An ngày 30 tháng 7 năm 1939 nhằm 14 tháng 6 năm Kỷ Mão

Tây Sư Tinh Quân

------

THÁNH-THẤT PARIS
In lại 50 quyển

Nhân Kỷ Niệm Vía Đức DIÊU TRÌ KIM MẪU Và CỬU VỊ NỮ PHẬT

Trung Thu Rằm tháng 8 năm Canh Dần
Tháng 9-2010

(In lại từ bản Kinh do gia đình Cố Đạo Trưởng Tịnh Sơn Trần Văn Xương - Nam Châu công quả ấn tống tại Montréal)

THÁNH-THẤT PARIS EGLISE CAO DAI DE PARIS
35, rue Roger-Girodit 94140 ALFORTVILLE FRANCE : 01 43 53 05 78

KINH KÍNH BIẾU
LIVRE GRATUIT

(Il est formellement interdit de vendre ce livre)
Vô Vi Đài - Tam Kỳ Nguyên Nguyên Bản Bản
Kinh Sám hối Tam Kỳ Nguyên Nguyên Bản Bản / Vô Vi Đài - Tam Kỳ Nguyên Nguyên Bản Bản

Là môn đệ Cao Đài Thượng Đế,
Phải dặn lòng phước huệ song tu,
Ấy là công quả công phu,
Thương người mến vật vận trù nội tâm.

Đức Giáo Tông Đại Đạo, CQPTGL, 29 tháng Chạp Mậu Ngọ

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây